Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc lại gặp khó

10-04-2014 16:04 | Thời sự

SKĐS - Việt Nam đang phải đối mặt nguy cơ bị đóng cửa thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc do tình trạng cư trú bất hợp pháp.

Mặc dù thị trường xuất khẩu lao động nước ta sang Hàn Quốc trong một thời gian đã bị dừng các đợt thi tiếng Hàn; dừng việc tiếp nhận lao động trong một thời gian... vì tình trạng lao động hết hạn hợp đồng bỏ trốn ở lại bất hợp pháp. Điều này đã được cảnh báo nhiều lần, tuy nhiên, thực tế, Việt Nam đang phải đối mặt nguy cơ bị đóng cửa thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc do tình trạng cư trú bất hợp pháp.

Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp vận động người lao động hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc về nước năm 2014 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây tại Hà Nội, ngành LĐ-TB&XH nhận định, tình trạng người lao động sau khi hết hạn hợp đồng lao động không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang có diễn biến phức tạp. Hiện Việt Nam có tới hơn 14.000 người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chiếm tỷ lệ tới 50% số lao động xuất khẩu sang nước này, cao hơn gấp 2 lần so với mức trung bình của các nước khác. Thực tế này đang khiến thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc của nước ta đang phải đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa lâu dài nếu không sớm có giải pháp kiểm soát tình hình.

Từ năm 2004, Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Trong gần 10 năm qua, tổng cộng có hơn 71.000 lao động Việt Nam có mặt tại Hàn Quốc. Nguồn thu của lao động từ thị trường này đã làm thay da đổi thịt nhiều vùng quê nghèo ở nhiều địa phương... Tuy nhiên, những tín hiệu vui và lạc quan này sẽ trở về “không” sau năm 2014 nếu như chúng ta không kiểm soát được lực lượng lao động ở lại bất hợp pháp.

Theo các con số do Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) công bố ngày 2/4 cho thấy sự gia tăng chóng mặt của lao động bỏ trốn ở lại khi hết hạn hợp đồng lao động. Tính riêng từ cuối năm 2010 đến nay, lượng lao động Việt Nam hết hạn nhưng không về nước rồi ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc luôn ở mức khoảng 50%. Trong năm 2014, dự kiến sẽ có 3.594 người lao động hết hạn hợp đồng lao động phải về nước, trong đó 2 địa phương có số lượng lao động phải về nước trong năm 2014 nhiều nhất là Hà Nội với 322 người và Thanh Hóa 336 người. Hệ lụy từ những con số nêu trên đã được phía Hàn Quốc cảnh cáo bằng nhiều hình thức như: Dừng các đợt thi tiếng Hàn; dừng việc tiếp nhận lao động trong một thời gian... nhưng các biện pháp này sẽ không đủ mạnh nếu việc kiểm soát lao động trước khi xuất khẩu không được xem là yếu tố then chốt. Vấn đề đặt ra là cần tăng cường chất lượng tuyển chọn, đào tạo trước khi lao động xuất cảnh là một trong những ưu tiên hàng đầu. Cần xem xét lại bộ máy tổ chức, từ quy trình tuyển chọn cho tới việc tổ chức cho người lao động xuất cảnh. Cùng với đó, cơ chế xử phạt cũng cần phải đánh mạnh vào kinh tế của người vi phạm thì mới ngăn được tình trạng lao động bỏ trốn. Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền vận động người lao động hết hạn về nước, đi kèm đó là xây dựng mã số riêng cho từng người lao động, vinh danh và tạo ưu đãi cho người lao động chấp hành tốt các quy định đề ra.

Phạm Mạnh

 

 


Ý kiến của bạn