Hà Nội

Xuất khẩu điện ảnh Việt: Những sứ giả văn hóa chưa tròn vai...

06-04-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Giấc mơ Oscar vẫn quá xa vời và có lẽ con đường chinh phục giải thưởng danh giá này phải xây dựng lại “lộ trình”. Có lẽ điều trước tiên cần làm của điện ảnh Việt hiện nay là tiếp cận, bắt nhịp xu hướng làm phim và chinh phục khán giả ngoại.

Mùa Oscar năm nay, như rất nhiều mùa Oscar trước đó, điện ảnh Việt Nam vẫn lặng lẽ đứng nhìn và tất bật chuẩn bị cho những “Cánh diều vàng” trong nước. Giấc mơ Oscar vẫn quá xa vời và có lẽ con đường chinh phục giải thưởng danh giá này phải xây dựng lại “lộ trình”. Có lẽ điều trước tiên cần làm của điện ảnh Việt hiện nay là tiếp cận, bắt nhịp xu hướng làm phim và chinh phục khán giả ngoại. Nói nôm na là “xuất khẩu điện ảnh Việt”. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán không dễ dàng...

Cảnh phim Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt.

Cảnh phim Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt.

Từ dòng phim “Việt kiều”...

Hồi cuối tháng 8 năm ngoái, Lửa Phật (đạo diễn Việt kiều Dustin Nguyễn) - bộ phim được ấp ủ ngót 10 năm thuộc thể loại phim giả tưởng lần đầu xuất hiện tại Việt Nam đã tạo nên “dư chấn” nhẹ trong khán giả trẻ, nhất là sau khi Bụi đời Chợ Lớn bị Cục Điện ảnh dán mác “cấm lưu hành”. Ngay sau đó, Lửa Phật được ký hợp đồng để phát hành trên khắp Bắc Mỹ và trở thành bộ phim tiếp theo nối dài danh sách phim Việt được “xuất khẩu” ra nước ngoài. Ưu điểm của Lửa Phật là hình ảnh đẹp và võ thuật “mãn nhãn”. Thế nhưng, điểm yếu rõ nhất của Lửa Phật chính là nội dung khó nắm bắt, khó hiểu. Cách kể chuyện lan man khiến người xem khó tìm ra mạch phim. Nhiều tuyến nhân vật trong phim bị cho là thừa. Điển hình như nhân vật cô câm khờ (do Đinh Ngọc Diệp đóng) xuất hiện chỉ nhằm mục đích duy nhất là gây cười. Một nhân vật dường như vô nghĩa, không số phận, trở nên lạc lõng giữa mạch phim. Sự xuất hiện của cô gái điếm (do Phi Thanh Vân đóng), tay “đâu bò” ngu ngơ (do Hiếu Hiền thủ vai) cũng chưa tạo ra sự liền mạch cần thiết. Bị “ném đá” nhiều nhất chính là cách quảng cáo rượu lộ liễu được “cài” vào trong những cảnh quay. Lửa Phật bị đánh giá là cái gì cũng có nhưng cái gì cũng chưa tới. Trong phim sử dụng nhiều triết lý đạo phật nhưng đôi khi những triết lý đó không mấy ăn nhập với nội dung phim.

 

Trước Lửa Phật đã có phim của một số đạo diễn Việt kiều được “xuất khẩu” ra nước ngoài mang lại hy vọng mới cho thị trường phim Việt. Những tác phẩm phải kể đến như: Chuyện tình xa xứ (đạo diễn Victor Vũ) khởi chiếu tại Mỹ năm 2009; Để mai tính (đạo diễn Charlie Nguyễn) phát hành tại 8 thành phố lớn của Mỹ vào năm 2010; trước đó, Dòng máu anh hùng (đạo diễn Charlie Nguyễn) được mua bản quyền với giá 1,5 triệu USD để phát hành tại thị trường Bắc Mỹ, Úc và Anh... Phải thừa nhận rằng, những bộ phim do các đạo diễn Việt kiều thực hiện thời gian gần đây đã thổi một luồng gió mới vào điện ảnh Việt Nam. Công nghệ làm phim hiện đại, tư duy mới, đậm chất giải trí, “những đứa con tinh thần” của những đạo diễn tài hoa này luôn được khán giả Việt Nam trông đợi. Chính vì theo đuổi dòng phim mang tính giải trí nên câu chuyện trong dòng phim Việt kiều thường mang yếu tố “giả tưởng”, chú trọng phần “nhìn” hơn là nội dung câu chuyện. Dòng máu anh hùng từng một thời làm mưa, làm gió ở những rạp chiếu phim là một ví dụ. Ra mắt tháng 4/2007, Dòng máu anh hùng được đánh giá là bộ phim võ thuật hay nhất từ trước đến thời điểm đó, phô trương được các chiêu thức võ thuật Việt Nam chưa từng được khai thác qua ống kính điện ảnh. Có đạo diễn cho rằng, những pha “đánh đấm” trong Dòng máu anh hùng nhiều người xem thấy thích nhưng so với những phim của các quốc gia, vùng lãnh thổ xung quanh như Đài Loan, Hong Kong hay Mỹ thì khoảng cách vẫn còn quá xa. Có người lại nói, Dòng máu anh hùng nên dán thêm mác “kiếm hiệp” vì những tình tiết thiếu thuyết phục đến mức hoang tưởng. Xem những bộ phim do đạo diễn Việt kiều sản xuất, hay thì hay thật nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy thiếu yếu tố “Việt” ở trong đó. Những màn trình diễn võ thuật từa tựa như phim Trung Quốc, bối cảnh phim hiện đại cũng không đặc sắc là mấy so với những bối cảnh phim của các nước trong khu vực châu Á.

... đến sản phẩm “Made in Việt Nam”

Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), Mỹ nhân kế (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) là hai trong số ít phim của đạo diễn “thuần Việt” được phát hành ở thị trường nước ngoài. Với doanh thu lên đến 60 tỷ đồng trong mùa phim Tết 2013, Mỹ nhân kế đại thắng về doanh thu nhưng bị chê là nhạt nhẽo về nghệ thuật. Mỹ nhân kế tập trung khai thác những pha võ thuật đẹp mắt kiểu phim cổ trang Trung Quốc và hình ảnh sexy của những mỹ nữ Đường Sơn Quán. Nội dung phim nhạt, cách dẫn chuyện không mạch lạc, nói chung là không đọng lại chút ấn tượng gì sau khi bộ phim kết thúc, ngoại trừ bài hát chủ đề mang tên Chờ người nơi ấy do quán quân Việt Nam Idol 2010 - Uyên Linh thể hiện rất thành công. Hotboy nổi loạn… - bộ phim đầu tiên về đề tài đồng tính nam được trình chiếu tại Liên hoan phim Toronto, Canada năm 2011 và ra rạp ở Singapore. Mặc dù được xem là một sự đột phá của điện ảnh Việt trong việc miêu tả cuộc sống của những người đồng tính và nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả nước nhà nhưng Hot boy nổi loạn... không thực sự gây ấn tượng tại thị trường nước ngoài. Tom Ker, một nhà làm phim độc lập tham dự Liên hoan phim Toronto, Canada chia sẻ: “Tôi nghĩ đề tài của bộ phim còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Đó là đề tài đồng tính luyến ái và giải phóng con người. Nó cũng nói đến một khía cạnh khác của nạn mại dâm nam ở châu Á. Tuy nhiên, đây không phải là một đề tài quá mới mẻ so với các nước phương Tây”.

Và tín hiệu vui từ Nước 2030

Một tin vui đến với khán giả Việt Nam yêu thích môn nghệ thuật thứ bảy là Nước 2030 - một tác phẩm của đạo diễn Việt kiều tài danh Nguyễn Võ Nghiêm Minh được trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin diễn ra từ ngày 6/2 - 16/2/2014. Nước 2030 là bộ phim giả định dựa trên truyện ngắn Nước như nước mắt của nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bộ phim lấy bối cảnh giả định vào năm 2030 khi hơn nửa đất vùng ven biển miền Nam Việt Nam ngập trong nước khiến người dân phải sống chung với nước, mọi hoạt động đều diễn ra trên mặt nước. Trong hoàn cảnh đó, nổi lên những mối quan hệ phức tạp về lý trí, tình cảm, tình yêu nam nữ. Theo đánh giá của giới chuyên môn thì Nước 2030 là bộ phim có giá trị nghệ thuật cao, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều yếu tố thuộc thể loại điện ảnh khác nhau như hậu tận thế, viễn tưởng, ly kỳ và lãng mạn. Với cách tiếp cận phù hợp với xu hướng thời đại nhưng cũng rất đậm chất Việt, Nước 2030 là bộ phim hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam gây được ấn tượng với khán giả nước ngoài. Báo giới đưa tin, các suất chiếu của Nước 2030 trong khuôn khổ Liên hoan phim Berlin đều cháy vé, ngay cả các website bán vé online cũng thông báo hết vé.

 

Phát hành phim ra nước ngoài vốn là giấc mơ của bất cứ nền điện ảnh nào và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Với nhiều nhà sản xuất phim, đây là cách để thu hồi vốn vì bộ phim được đầu tư kinh phí “khủng” nhưng khó thu được lợi nhuận cao nếu chỉ phát hành trong nước. Tuy nhiên, phim “xuất khẩu” được ra nước ngoài chưa hẳn đã là phim hay, mà đôi khi đó là cơ may và cả mối quan hệ “quen biết” của đạo diễn. Điều này lý giải tại sao phim do đạo diễn Việt kiều dàn dựng có nhiều khả năng phát hành ở nước ngoài và những bộ phim được chiếu tại các liên hoan phim cũng có thêm cơ hội để đưa tác phẩm của mình vượt qua biên giới quốc gia. Số lượng phim được phát hành tại nước ngoài không phải là thước đo sự phát triển của nền điện ảnh, trừ khi đó là những tác phẩm điện ảnh thực sự xuất sắc. Điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng phim và bản sắc phim. Điện ảnh không đơn thuần là một sản phẩm mang tính thương mại mà còn là một sứ giả văn hóa, cầu nối để đưa văn hóa, truyền thống Việt Nam đến với bạn bè thế giới và ngược lại. 

Tường Phạm


Ý kiến của bạn