Hà Nội

Xuất huyết tiêu hóa do dùng thuốc chống viêm khớp

31-01-2016 16:29 | Dược
google news

SKĐS - Bà cụ tự sử dụng thuốc chống viêm loại diclofenac điều trị viêm khớp dẫn đến tai biến xuất huyết tiêu hóa, phải cấp cứu

Mẹ của một nhân viên trong cơ quan tôi đã cao tuổi, bị mắc bệnh viêm khớp mạn tính hay tái phát, có tiền sử mắc bệnh viêm loét dạ dày. Do xem thường không đi khám bệnh, với sự mách bảo của người quen nên tự ý mua, sử dụng thuốc chống viêm không steroid loại diclofenac để điều trị và dẫn đến tai biến xuất huyết tiêu hóa phải cấp cứu tại bệnh viện.

Dùng thuốc theo lời mách bảo

Bà cụ - mẹ của một nhân viên trong cơ quan ở vùng thôn quê bị viêm khớp mạn tính tái đi tái lại nhiều lần, theo người nhà cho biết, cụ đã dùng nhiều loại thuốc Tây y và thuốc Đông y. Khi dùng thuốc thì các khớp có giảm bớt triệu chứng, sau đó lại tái phát hết đợt này đến đợt khác không khỏi. Mặc dù trong cơ quan có nhiều bác sĩ nhưng anh nhân viên này không hỏi để được tư vấn về tình trạng bệnh lý của bà cụ. Theo mách bảo của một người quen, trước đó cũng bị bệnh viêm khớp mạn tính sử dụng thuốc diclofenac là một loại thuốc chống viêm không steroid để điều trị thì bệnh khỏi nên tự ý mua thuốc đưa cho bà cụ uống. Anh nghĩ đơn giản rằng, người quen có bệnh viêm khớp sử dụng thuốc có hiệu quả thì kinh nghiệm này có thể áp dụng để điều trị bệnh viêm khớp tương tự cho mẹ của anh. Thuốc diclofenac mua về được đưa cho bà cụ sử dụng theo liều lượng uống của người quen mách bảo. Sau 5 ngày uống thuốc, bà cụ kêu đau bụng, ăn uống không ngon, buồn nôn, người cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt và nôn ra máu... Anh nhân viên báo với cơ quan xin nghỉ phép để đưa bà cụ vào bệnh viện cấp cứu. Tai biến y khoa xảy ra do việc tự ý dùng thuốc điều trị cho người bệnh, khai thác yếu tố bệnh sử mới ghi nhận bà cụ từng bị bệnh viêm loét dạ dày trước đó mà không chú ý để phòng ngừa và chống chỉ định dùng thuốc này. Kết quả người bệnh được phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, đưa đến bệnh viện và cấp cứu kịp thời với 3 đơn vị máu cùng với dịch truyền và thuốc hồi sức cấp cứu... để thoát khỏi tai biến.

Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc để phòng tai biến do thuốc có thể xảy ra. Ảnh: T. M

Và những biến cố nguy hiểm do thuốc gây ra

Thuốc diclofenac là một trong những loại thuốc chống viêm không steroid thường được sử dụng khá phổ biến trong điều trị triệu chứng đau của bệnh viêm khớp. Đây là thuốc thuộc nhóm gây nên những phản ứng có hại cho đường tiêu hóa, có khi xảy ra rất nặng và được xem như một tai biến của việc dùng thuốc. Thực tế loại thuốc này được dùng khá thông dụng và có nhiều nơi thuốc được bán không cần kê đơn, người bệnh hay người nhà bệnh nhân có thể mua dễ dàng tại nhà thuốc, hiệu thuốc và tự điều trị. Các nhà khoa học ước tính có khoảng 30 triệu người trên toàn cầu sử dụng thuốc chống viêm không steroid hàng ngày, trong đó có diclofenac. Nhà khoa học Manigand cho rằng, các phản ứng có hại do thuốc chống viêm không steroid gây ra chiếm khoảng từ 20 - 25% các phản ứng của các loại thuốc nói chung.

Các phản ứng có hại của diclofenac cũng như những thuốc chống viêm không steroid khác gây ra thường do 4 cơ chế gồm sự ức chế tổng hợp chất prostaglandin nội sinh, độc tính có liên quan đến liều lượng, tình trạng quá mẫn liên quan đến từng cá thể và sự phát sinh các chất chuyển hóa trung gian; trong đó sự ức chế tổng hợp chất prostaglandin nội sinh là nguyên nhân chính vì prostaglandin là chất rất cần thiết để bảo vệ niêm mạc dạ dày chống lại các yếu tố tấn công do chất này kích thích bài tiết chất nhầy, bài tiết bicarbonat và duy trì lưu lượng máu đến niêm mạc; hơn nữa chúng còn có tác dụng làm giảm acid chlohydric của dạ dày. Ngoài 4 nguyên nhân được nêu trên, các phản ứng có hại của thuốc còn có thể xảy ra do những yếu tố thuận lợi khác như tuổi và giới tính, người cao tuổi và giới nữ dễ gặp tác hại nhiều hơn; người nghiện rượu và thuốc lá, người mắc một số bệnh sẵn có gồm bệnh lý dạ dày, xơ gan, giảm tiểu cầu, viêm khớp dạng thấp... cũng bị ảnh hưởng; đặc biệt là những trường hợp có phối hợp nhiều loại thuốc chống viêm không steroid hoặc phối hợp chúng với aspirin hay thuốc chống đông máu.

Trên lâm sàng sau khi dùng thuốc, các tác dụng phụ có thể xảy ra rất nhẹ như ợ nước, buồn nôn, chán ăn, rối loạn tiêu hóa... hoặc xảy ra mức độ vừa như bị đau vùng thượng vị kiểu nóng rát, triệu chứng đau tăng lên sau mỗi lần uống và thường kèm theo nôn. Các nhà khoa học ghi nhận trên thực tế các phản ứng có hại của thuốc xảy ra từ 10 - 30% trường hợp được bác sĩ kê đơn, trong đó có khoảng 10% bắt buộc người bệnh phải ngừng dùng thuốc. Các tai biến nặng do phản ứng có hại của thuốc như chảy máu tiêu hóa, thủng và xuất huyết dạ dày thường xảy ra ít hơn; chiếm tỷ lệ từ 0,5 - 3% các biến cố do dùng thuốc. Diclofenac có nguy cơ gây chảy máu tiêu hóa với tỷ lệ từ 1,7 - 7,9% các trường hợp dùng thuốc; người có sẵn cơ địa và bệnh lý nêu trên thì nguy cơ này có thể gấp 4 lần. Ngoài các phản ứng có hại của thuốc như chảy máu tiêu hóa, thủng và xuất huyết dạ dày; thuốc còn có thể gây ra những phản ứng khác ở miệng, họng, thực quản, ruột non, ruột già...

BS. Nguyễn Võ Hinh


Ý kiến của bạn