Xuất huyết não là tình trạng máu thoát vào trong nhu mô não, lúc mới xuất huyết máu lan tỏa trong nhu mô não, sau đó sẽ được bao bọc lại bởi một màng tân tạo gọi là khối máu tụ. Bệnh khởi phát rất đột ngột và dữ dội, nếu bệnh nặng máu chảy vào não nhiều sẽ gây hôn mê sâu, rối loạn nhịp thở, rối loạn nhịp tim, phần lớn tử vong trong vòng 48 giờ. Những bệnh nhân còn sống sau xuất huyết não nặng thường bị di chứng nặng nề.
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh khởi phát rất đột ngột và dữ dội, có thể ngay sau lúc gắng sức về tâm lý và thể lực hoặc trong lúc đang làm việc, sinh hoạt bình thường mà đột ngột ngã gục xuống, hôn mê, liệt nửa người; thậm chí căn bệnh bộc phát ngay trong giấc ngủ hay khi vừa thức dậy.
Hình ảnh chụp DSA xuất huyết dưới nhện trên bệnh nhân đa túi phình mạch não.
Khi xảy ra vỡ động mạch não, máu động mạch bị đẩy mạnh ra mô (tổ chức) não ở xung quanh, thành ổ chảy máu đường kính thường lớn hơn 1,5cm ở thân não và hơn 3cm nếu ở đại não. Máu đông lại thành cục máu tụ. Khi có máu tụ sẽ gây ra những tác hại như: choán chỗ và chèn ép những vùng não lân cận làm hoại tử hoặc thiếu máu cục bộ mô não; làm phát triển trạng thái phù trong mô não; tiếp tục lấn chiếm và choán chỗ những khu vực trống, dễ xâm nhập, có thể đến tận vùng nền não thất IV...
Khi bị xuất huyết não, biểu hiện lâm sàng là đột qụy như: đang đi hoặc đang làm gì đó bỗng nhiên nhức đầu dữ dội, thường lấy tay ôm đầu, bủn rủn chân tay và ngã chúi xuống một bên; tự nhiên nói khó hẳn đi hoặc cấm khẩu; cả một tay và một chân cùng bên tự nhiên yếu hơn rồi bại dần hoặc nặng hơn thì liệt hẳn (bán thân bất toại) kèm theo liệt nửa mặt, vật vã, đái dầm, đại tiện không tự chủ, tăng tiết đờm dãi và mồ hôi (bên liệt), nhịp thở không đều, rối loạn nhịp tim và huyết áp, sốt. Tri giác vẫn còn hoặc lú lẫn (bất tỉnh nhân sự) ở 50% hoặc hôn mê sâu ở 25%, hoặc xen kẽ lúc tỉnh lúc mê ở 25%. Còn nếu như hồi phục nhanh chóng hoặc hoàn toàn thì không phải xuất huyết não mà chỉ là co thắt mạch não - là hội chứng thiếu máu cục bộ não thoảng qua.
Ai dễ mắc?
Yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não thường rất nhiều, có thể do thay đổi lối sống hoặc do việc dùng thuốc, nhưng nguyên nhân chính vẫn do tăng huyết áp (chiếm 50 - 60%). Xuất huyết não do tăng huyết áp là hậu quả của sự thay đổi thoái giáng các tiểu động mạch và các động mạch xuyên nhỏ dẫn tới hình thành lên các vi phình mạch, thường gặp nhất là các mạch xuyên của động mạch não giữa. Khoảng 2/3 các trường hợp xảy ra ở vùng các hạch nền. Khối máu tụ thường to lên, làm tổn thương tổ chức não cục bộ và sau đó là tăng áp lực nội sọ. Ở người trẻ, tai biến mạch máu não thường do dị dạng mạch máu não (50% số trường hợp được chụp mạch máu não có dị dạng).
Ngoài ra phải kể đến nguyên nhân của việc hút thuốc lá, cholesterol trong máu cao, nghiện rượu, béo phì, ít hoạt động, phụ nữ lạm dụng thuốc tránh thai... Cần phải nhấn mạnh là ngay cả việc huyết áp tăng nhẹ mà không được điều trị đầy đủ cũng làm tăng nguy cơ chảy máu não. Lâm sàng thường gặp 2 thể: chảy máu nhu mô và chảy máu dưới màng nhện. Xuất huyết não có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên ở người già tỷ lệ mắc bệnh thường cao hơn, số bệnh nhân nam thường chiếm tới trên 60% tổng số ca bệnh. Tuổi trung bình bị xuất huyết não là 55.
Nguy cơ tử vong cao
Bệnh nhẹ thường có rối loạn ý thức, lú lẫn... Nếu bệnh nặng chảy máu vào não nhiều, bệnh nhân hôn mê sâu, rối loạn nhịp thở, rối loạn nhịp tim, phần lớn tử vong trong vòng 48 giờ. Những bệnh nhân còn sống sau chảy máu não nặng thường bị di chứng nặng nề, nhiều trường hợp ở trong tình trạng sống thực vật và sẽ chết do bội nhiễm, suy kiệt. Tỷ lệ tử vong của xuất huyết não trong vòng 30 ngày là 50%, trong đó một nửa số bệnh nhân tử vong trong 2 ngày đầu tiên. Trong những trường hợp sống sót, chỉ có khoảng 1/5 số bệnh nhân có thể sống tự lập tại thời điểm 1 năm sau xuất huyết não.
Có nhiều loại chảy máu khác nhau, nguy hiểm nhất là chảy máu bán cầu đại não ở sâu, y học gọi lụt não thất. Biểu hiện ra bên ngoài là hôn mê sâu, kèm co cứng toàn thân, cơn co giật, đôi khi có “nôn chất đen” và sốt. Nếu phát hiện muộn và không cấp cứu kịp thời, tỷ lệ tử vong rất cao (81%). Xuất huyết não có xu hướng tái phát mạnh.
Làm gì để chẩn đoán xác định?
Ngoài biểu hiện lâm sàng bệnh xuất huyết não các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chụp CT hoặc MRI sọ não. Chẩn đoán hình ảnh với CT hoặc MRI sọ não rất cần thiết để xác định chẩn đoán xuất huyết não và để loại trừ đột quỵ nhồi máu não... Cả CT và MRI đều được cân nhắc là những lựa chọn chẩn đoán hình ảnh đầu tiên trong đánh giá và chẩn đoán cấp cứu xuất huyết não. Tuy nhiên, CT cần được thực hiện ở bệnh nhân có chống chỉ định chụp MRI. Tùy thuộc vào tình trạng thể bệnh mà các bác sĩ chỉ định điều trị nội khoa hay phẫu thuật.
Phòng ngừa từ những dấu hiệu đơn giản nhất
Để phòng ngừa chứng bệnh nguy hiểm này, những người có nguy cơ cần thường xuyên đo huyết áp, thăm khám định kỳ để phát hiện các xáo trộn trong cơ thể. Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tái khám đúng hẹn và chống mọi căng thẳng trong cuộc sống. Kiểm soát cân nặng, không nên để cơ thể quá béo, tránh lạm dụng các chất gây ra xuất huyết não như rượu bia; tăng cường vận động để mạch máu dẻo dai hơn. Đáng lưu ý là những dấu hiệu tế nhị như thoáng líu lưỡi khi nói, khuỵu chân, đột nhiên trượt tay đánh rơi đồ vật đang cầm. Thậm chí có thể thoáng mất định hướng về không gian và thời gian. Từ những tiền triệu nêu trên, những người vốn có bệnh tăng huyết áp hoặc đã bị tai biến phải chú ý để ứng phó, hạn chế biến chứng.
BS. Nguyễn Anh Tài