Đinh Thị Tuyết (Hòa Bình)
Xuất huyết giảm tiểu cầu là tình trạng bệnh nặng và điều trị thường lâu dài. Trường hợp nhẹ thì xuất huyết dưới da dạng chấm nhỏ li ti, dạng nốt như muỗi đốt hoặc thành đám, mảng lớn, khu trú ở một vài nơi hoặc rải rác khắp người; xuất huyết niêm mạc như chảy máu nướu răng, chảy máu cam, giác mạc. Trường hợp nặng có thể xuất huyết bất kỳ nơi nào như chảy máu đường tiêu hóa; tiết niệu, sinh dục... Nguyên nhân rất phức tạp, các nguyên nhân xác định được như: do bị các bệnh nhiễm khuẩn nặng, nhiễm ký sinh trùng (sốt rét...), nhiễm siêu vi trùng (cúm, sởi, quai bị, viêm gan siêu vi...); các bệnh về máu (suy tủy xương, xơ tủy, ung thư máu, ung thư hạch, ung thư nơi khác xâm lấn vào tủy xương; thiếu máu tiêu huyết tự miễn...). Ngoài ra, còn phải kể đến các trường hợp giảm tiểu cầu do thuốc và do độc chất. Nhiều trường hợp giảm tiểu cầu không xác định được nguyên nhân còn gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Ngày nay, có nhiều bằng chứng kết luận do nguyên nhân tự miễn, nên còn gọi là giảm tiểu cầu miễn dịch. Điều trị chủ yếu theo căn nguyên. Các trường hợp không có căn nguyên, các loại corticoides là thuốc lựa chọn hàng đầu, chủ lực. Cắt lách được chỉ định khi bệnh trở thành mạn tính phải phụ thuộc vào corticoides hoặc không còn đáp ứng với corticoides... Trường hợp con bạn cần tiếp tục theo dõi và điều trị tại bệnh viện chuyên về huyết học hoặc khoa huyết học của bệnh viện nhi.