Hà Nội

Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ có nguy hiểm?

25-07-2017 16:26 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi có cháu nội 2 tuổi, được khám và chẩn đoán bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Xin hỏi bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em có phải là bệnh nan y không, thưa bác sĩ?

Tôi có cháu nội 2 tuổi, được khám và chẩn đoán bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Xin hỏi bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em có phải là bệnh nan y không, thưa bác sĩ?

Dương Tú (Hải Dương)

Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào máu: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Tiểu cầu được sinh ra ở tủy xương, có chức năng quan trọng trong cầm máu và bảo vệ thành mạch không bị rò rỉ. Có nhiều nguyên nhân gây ra giảm tiểu cầu, nhưng phổ biến nhất là do tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi và giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương. Nếu xuất huyết giảm tiểu cầu (XHGTC) do tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi, bệnh nhân sẽ mắc các bệnh như: đông máu trong lòng mạch, các u máu lớn, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm virut nặng gây giảm tiểu cầu, tan máu tự miễn kèm theo giảm tiểu cầu, bệnh lupus ban đỏ...

Nếu XHGTC do giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương, bệnh nhân dễ bị suy tủy toàn bộ, suy một dòng mẫu tiểu cầu hay các bệnh ác tính ở tủy xương như ung thư di căn tủy...  XHGTC khá phổ biến ở trẻ em, chủ yếu là do giảm số lượng tiểu cầu ở máu ngoại vi. Bệnh thường có khởi phát từ từ kín đáo với sự xuất hiện của các nốt xuất huyết chấm đỏ hoặc bầm tím hoặc xuất huyết do xây xước nhẹ trên da, không kèm theo sốt, thiếu máu, sưng hạch hoặc các biểu hiện toàn thân khác. Khi số lượng tiểu cầu giảm nặng cần có các biện pháp đề phòng chảy máu, đặc biệt là chảy máu ở phổi, não dễ gây tử vong cho người bệnh. XHGTC ở trẻ em thường có diễn biến cấp tính. Chỉ 20% trở thành mạn tính. Vì vậy, khi thấy trẻ có những dấu hiệu kể trên, nên sớm đưa trẻ đi khám chuyên khoa huyết học để có hướng xử trí thích hợp.

ThS. Thanh Lâm


Ý kiến của bạn