Viêm mao mạch dị ứng nam giới mắc nhiều hơn
Viêm mao mạch dị ứng còn được gọi là ban xuất huyết dạng phản vệ. Đây là bệnh tự dị ứng có tổn thương lan tỏa hệ thống vi mạch tại nhiều cơ quan chủ yếu là khớp, da, thận, ruột…
Viêm mao mạch dị ứng xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu ở trẻ 2-16 tuổi. Tỷ lệ trẻ mắc trước 5 tuổi là 50%, trẻ từ 3–10 tuổi là 75%.
Đến nay chưa rõ nguyên nhân gây viêm mao mạch dị ứng, nhưng thường các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh khởi phát sau nhiễm trùng đường hô hấp vài tuần trước khi bệnh bắt đầu. Người ta ghi nhận sự phát hiện liên cầu khuẩn trong họng góp phần sinh bệnh của liên cầu khuẩn. Ngoài ra, một số vi khuẩn khác cũng bị nghi ngờ là nguyên nhân như: tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lao, varicella, adenovirus, nấm…
Một số bệnh nhân sau khi dùng thuốc, tiêm phòng vaccine, côn trùng đốt… cũng là yếu tố nghi ngờ gây mắc viêm mao mạch dị ứng.
Viêm mao mạch dị ứng dễ nhầm với bệnh nào?
- Biểu hiện xuất huyết dưới da
Khi mắc viêm mao mạch dị ứng, người bệnh có các biểu hiện dễ nhận thấy là xuất hiện các ban đặc biệt kèm là các biểu hiện xuất huyết da. Khoảng 50% trường hợp bệnh nhân mắc viêm mao mạch dị ứng gặp phải triệu chứng đầu tiên xuất huyết dưới da tại mặt duỗi tay, chân, quanh mắt cá chân, đùi, mông, cánh tay… chính vì biểu hiện này, người nhà dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như: xuất huyết giảm tiểu cầu, lupus ban đỏ... thậm chí sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, đặc điểm của các ban xuất huyết này không ngứa, dạng chấm, gờ cao hơn mặt da, có thể mề đay, bọng nước hoặc bầm máu thậm chí là ban hoại tử.
- Biểu hiện xuất huyết, đau khớp
Khi mắc viêm mao mạch dị ứng, người bệnh có các biểu hiện tại khớp gặp khoảng 75% các trường hợp mắc bệnh. Biểu hiện tại các khớp gần kề với vị trí của ban xuất huyết: cổ chân, gối, khuỷu, hiếm khi ở cổ tay và bàn tay. Vai, ngón chân và cột sống cũng có khi bị ảnh hưởng.
Người bệnh đau khớp, viêm khớp mức độ trung bình, hạn chế cử động; tổn thương thường đối xứng; phù quanh khớp, đôi khi đau gân phối hợp; tổn thương khớp được điều trị khỏi trong vài giờ hoặc vài ngày, có thể tái phát; không làm biến dạng khớp; tổn thương cơ có thể thấy, sinh thiết cơ có thể phát hiện các tổn thương hoại tử trên một động mạch cơ.
- Biểu hiện đau bụng, xuất huyết tiêu hóa
Viêm mao mạch dị ứng còn có các biểu hiện về tiêu hóa. Theo ghi nhận có khoảng 37- 66% các trường hợp có các biểu hiện như: đau bụng, buồn nôn, nôn, xuất huyết tiêu hóa… các biểu hiện này đôi khi là khởi đầu của bệnh viêm mao mạch dị ứng. Đa số người bệnh có biểu hiện cơn đau kéo dài từ vài giờ thậm chí vài ngày và hay tái phát. Một số bệnh nhân có triệu chứng xuất huyết ra máu như đi ngoài phân đen, nôn ra máu kèm đau bụng dữ dội…
Người bệnh có thể đau bụng vùng quanh rốn ít dữ dội, liên tục, trội lên khi ấn vào, có thể đau thượng vị lan tỏa hoặc khu trú, phối hợp với nôn và buồn nôn. Thời gian đau kéo dài vài giờ hoặc vài ngày, hay tái phát. Xuất huyết tiêu hóa có biểu hiện nôn ra máu, phân đen hoặc phân có máu, kèm theo đau bụng dữ dội. Có thể xảy ra tắc ruột, nhồi máu, hoặc thủng đại tràng, giãn đại tràng. Có thể viêm tụy cấp, tổn thương thận gặp trong 25 - 50% trong giai đoạn cấp.
Ngoài các biểu hiện trên viêm mao mạch dị ứng còn có các biểu hiện khác như tiểu tiện ra máu, hội chứng thận hư,...một số trường hợp trẻ em có hội chứng viêm cầu thận tiến triển nhanh. Những bệnh nhân có hội chứng này thì có tiên lượng rất xấu.
Chẩn đoán viêm mao mạch dị ứng
Để chẩn đoán xác định chính xác khi mắc viêm mao mạch dị ứng ngoài khám lâm sàng các bác sĩ dựa vào các tiêu chuẩn như:
- Biểu hiện ban xuất huyết thành mạch.
- Người bệnh có độ tuổi < 20 khi bắt đầu bệnh.
- Biểu hiện đau bụng lan toả, tăng lên sau các bữa ăn, thường xuyên đi ngoài ra máu.
- Sinh thiết da cho thấy hình ảnh viêm mạch leucocytoclastic.
Việc chẩn đoán viêm mao mạch dị ứng còn để phân biệt với các bệnh có các biểu hiện tương tự, cụ thể:
- Ban xuất huyết: Phân biệt viêm mao mạch dị ứng với xuất huyết do nhiễm trùng: nhiễm trùng huyết do não mô cầu; xuất huyết giảm tiểu cầu: số lượng tiểu cầu giảm; Lupus ban đỏ hệ thống: nếu ban kết hợp với đau khớp; viêm nút quanh động mạch.
- Tình trạng viêm khớp: Phân biệt viêm mao mạch dị ứng với bệnh Kawasaki, biểu hiện lâm sàng chủ yếu là ban ở niêm mạc phối hợp với hạch to nhiều nơi.
- Tình trạng đau bụng: Cần xem xét các vấn đề liên quan đến đau bụng để phân biệt với các cấp cứu ngoại khoa và đôi khi một phẫu thuật mở bụng thăm dò là cần thiết để không tiến triển thành lồng ruột hoặc viêm phúc mạc.
Tóm lại: Các biểu hiện ban đầu của viêm mao mạch dị ứng rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác bởi vậy, việc thăm khám và điều trị sớm là hết sức cần thiết.
Bệnh có thể gây tổn thương da thường kéo dài 2 - 3 tuần sau đó mờ dần đi và có thể tái phát vài đợt mới, các đợt nối tiếp nhau kéo dài khoảng 3 tháng hoặc có thể lâu hơn kể từ khi bắt đầu phát bệnh.
Các biểu hiện liên quan đến tiêu hóa đôi khi là biến chứng nguy hiểm như lồng ruột, tắc ruột thủng ống tiêu hoá, giãn đại tràng, có trường hợp phải cấp cứu ngoại khoa… Vì thế khi có biểu hiện nghi ngờ cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tuyệt đối không điều trị theo mách bảo tránh hệ lụy tới sức khỏe.
Rước Họa Vì Lấy Ráy Tai Ở Quán Cắt Tóc, Gội Đầu Vỉa Hè - SKĐS