1. Nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày?
Xuất huyết dạ dày hay còn gọi là chảy máu dạ dày, là tình trạng chảy máu tại dạ dày. Người bệnh thường nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu.
Nguyên nhân xuất huyết dạ dày:
- Viêm loét dạ dày tá tràng.
- Bệnh dạ dày do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
- Bệnh chảy máu bất thường động mạch dưới niêm mạc dạ dày.
- Hội chứng Mallory-Weiss (vết rách niêm mạc không xuyên thấu ở đầu xa thực quản và dạ dày đầu gần do nôn ói, nôn khan hoặc nấc gây ra).
- Tình trạng tăng tiết axit dạ dày.
- Nhiễm H. pylori.
- Lạm dụng thuốc NSAID hoặc thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc trên serotonin, thuốc chống đông máu, thuốc kháng tiểu cầu, lạm dụng bia rượu.
- Căng thẳng.
- Nuốt phải dị vật.
Xuất huyết dạ dày nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong cho người bệnh.
2. Cách nhận biết khi bị xuất huyết dạ dày
Bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày thường:
- Đau bụng vùng thượng vị.
- Nôn ra máu: Nôn máu màu đỏ tươi thường ngụ ý xuất huyết đang hoạt động từ thực quản, dạ dày hoặc tá tràng. Nếu nặng có thể dẫn đến trụy tuần hoàn, là tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng.
- Đi tiêu phân đen như hắc ín, có mùi hôi khó chịu do quá trình oxy hóa sắt từ hemoglobin, khi đi xuống trong lòng ống tiêu hoá.
- Đi ngoài ra máu: Do chảy máu trực tràng, đôi khi do chảy máu tiêu hóa trên hoặc ruột non.
- Sốc: Là tình trạng giảm tưới máu cơ quan với kết quả là rối loạn chức năng tế bào, với các dấu hiệu hoặc triệu chứng như mạch nhanh, lo lắng, thở nhanh, da lạnh toát mồ hôi, thiểu niệu, hạ huyết áp. Điều quan trọng cần nhớ là một bệnh nhân có huyết áp bình thường vẫn có thể bị sốc và cần hồi sức.
Bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
3. Các thuốc trong điều trị xuất huyết dạ dày
3.1. Xử trí tại chỗ
Khi thấy có dấu hiệu xuất huyết dạ dày, cần:
- Cho bệnh nhân nằm cố định tại chỗ, tránh đi lại, vận động.
- Cho bệnh nhân kê chân cao hơn đầu.
- Thông báo cho bác sĩ để có hướng dẫn xử trí kịp thời.
- Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tùy theo tình hình của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ có các phác đồ điều trị phù hợp.
3.2. Các thuốc điều trị
Thuốc điều trị xuất huyết dạ dày chủ yếu có vai trò bảo vệ niêm mạc bị loét, ngăn ngừa xuất huyết tái phát và hỗ trợ quá trình đông máu.
Một số thuốc: Thuốc kháng acid, thuốc kháng histamine H2, vitamin K, thuốc co mạch, thuốc chống co thắt, thuốc ức chế bơm proton… Tuy nhiên các thuốc này chỉ được dùng khi xuất huyết đã ổn định.
- Thuốc kháng acid: Thuốc nhóm này có vai trò tạo lớp màng bảo vệ ổ loét, giảm đau do kích thích niêm mạc và ngăn ngừa tình trạng chảy máu tái phát. Thuốc kháng acid có tác dụng bảo vệ niêm mạc, hạn chế chảy máu và giảm đau do dịch vị dạ dày
- Thuốc kháng histamine H2: Việc sử dụng thuốc kháng histamine H2 nhằm làm giảm bài tiết dịch vị dạ dày. Các loại thuốc kháng thụ thể H2 được sử dụng trong điều trị xuất huyết dạ dày, bao gồm: Famotidine, ranitidine và cimetidine.
Người bệnh xuất huyết dạ dày thường bị đau thượng vị, nôn ra máu, đi ngoài ra máu…
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI) phổ biến như lansoprazol, omeprazole, rabeprazol, pantoprazol, esomeprazole… Thuốc PPI có tác dụng nhanh và kéo dài nên thường được chỉ định với những trường hợp xuất huyết dạ dày do trào ngược dạ dày thực quản, Hội chứng Zollinger-Ellison…
- Thuốc giảm đau chống co thắt: Thường sử dụng trong điều trị xuất huyết dạ dày, là mebeverin, buscopan…
- Vitamin K: Giúp cơ thể tăng sản xuất prothrombin nhằm thúc đẩy quá trình đông máu. Các thuốc thường dùng là vitamin K1 (phytomenadiol), vitamin K2 (menaquinon) và vitamin K3 (menadion).
- Thuốc co mạch: Thường được sử dụng với trường hợp xuất huyết dạ dày do vỡ tĩnh mạch thực quản (viêm gan hoặc Hội chứng Mallory-Weiss…). Các thuốc bao gồm posthypophyse, octreotide, carbazochrome.
- Thuốc kéo dài thời gian đông máu: Thường dùng thuốc hemocaprol khi vị trí xuất huyết đã hình thành cục máu đông, nhằm hạn chế tái phát xuất huyết.
4. Lưu ý khi dùng thuốc
- Khi có dấu hiệu đau dạ dày, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Khi được bác sĩ kê đơn dùng thuốc, người bệnh không tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc.
- Cần nghỉ ngơi tuyệt đối trong thời gian điều trị.
- Có chế độ chăm sóc và ăn uống hợp lý.
- Nếu có các triệu chứng khác lạ khi sử dụng thuốc điều trị cần báo ngay cho bác sĩ.
5. Lời khuyên thầy thuốc
Để tránh xuất huyết dạ dày cần:
- Tránh lạm dụng các loại thuốc gây viêm loét dạ dày tá tràng, lạm dụng bia rượu...
- Duy trì trạng thái tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, ăn uống vệ sinh, điều đồ, luyện tập thể dục thường xuyên.
- Diệt trừ vi khuẩn H.pylori: Tuân thủ phác đồ điều trị, uống thuốc đúng giờ, đúng thời điểm để đạt mục tiêu điều trị, tránh kháng thuốc.
- Bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng nên tránh dùng NSAID (bao gồm aspirin), giảm nguy cơ biến chứng do loét dạ dày tá tràng (xuất huyết). Tất cả bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng nên được điều trị kháng tiết bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI) để tạo điều kiện chữa lành vết loét.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng liên quan đến xuất huyết dạ dày.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng