Theo quan sát của PV Báo Sức khỏe và Đời sống, thời gian qua, do mưa lớn kéo dài, tuyến đê tả sông Càn, thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa xuất hiện những vết nứt lớn, sạt lở nghiêm trọng phần mái và thân đê, khoảng ½ mặt đê phía sông bị lún sâu từ 0,15 đến 0,3 m so với mặt đê cũ. Nhiều đoạn đê xuất hiện vết nứt dài khoảng 30m, có đoạn vết nứt dài khoảng 90 m, rộng từ 1,5 đến 3 cm, lún sâu lên đến gần 1m. Hiện nay, các vết sạt lở vẫn đang mở rộng, tiềm ẩn nguy cơ cao vỡ đê khi có mưa lũ xảy ra.
Căn nhà của chị Nguyễn Thị Hồng, trú tại thôn 4, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn nằm ngay dưới chân đoạn đê đang bị lún, nứt, rất nguy hiểm. Đã hơn 1 tuần nay, các vết nứt xuất hiện ngày càng nhiều hơn, trong khi đó nước sông Càn vẫn dâng cao mỗi khi mưa lũ về. Vợ chồng chị Hồng phải liên tục canh chừng tình trạng sụt lún của đê vì những rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào.
"Đề nghị chính quyền địa phương các cấp khẩn trương có phương án đầu tư tu bổ, kè lại mái đê để đảm bảo an toàn cho người dân quanh khu vực này. Không thể để người dân sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ như thế này được", chị Hồng lo lắng.
Được biết, tuyến đê tả sông Càn ngoài chức năng phòng chống thiên tai, bão lụt, ngăn mặn trong sản xuất nông nghiệp, còn là tuyến đường dân sinh độc đạo phục vụ cho nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội của xã Nga Điền, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của gần 5.000 nhân khẩu. Ngoài ra đây còn là đường cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố. Không những thế, tuyến đê này ngoài nhiệm vụ đảm bảo an toàn mùa mưa lũ cho xã Nga Điền, còn bảo vệ an toàn cho hàng vạn người dân thuộc một số xã của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (khu vực giáp ranh huyện Nga Sơn). Vì thế, nếu đê vỡ, sẽ gây ra thảm cảnh cho rất nhiều hộ dân hai tỉnh Thanh Hóa - Ninh Bình.
Ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Nga Điền cho biết: "Việc tu sửa gia cố cho đoạn đê xung yếu qua xã là vấn đề cấp thiết. Với đặc thù địa chất dưới mái đê sình lầy nên độ lún cao. Nếu đê lún, địa phương huy động lực lượng dân quân tự vệ và người dân bồi thêm đất đá để ngăn tình trạng sạt, trượt. Tuy nhiên, chỉ sau một trận mưa, mọi thứ trở lại như cũ. Sự việc vượt quá thẩm quyền của địa phương. Mong các cơ quan chức năng sớm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa lại tuyến đê để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất".
Thông tin từ UBND huyện Nga Sơn được biết, tuyến đê tả sông Càn có chiều dài 9,12km. Trong đó còn lại gần 4km, từ đầu cầu Điền Hộ đến cống Bốt Càn thuộc các xóm 3, 4, 5 của xã Nga Điền chưa được đầu tư xây dựng đã xuống cấp nghiêm trọng. Bề rộng mặt đê nhỏ (từ 3 - 4m), cao trình chống lũ không đảm bảo, thấp hơn yêu cầu phòng chống lũ từ 0,5 - 1m. Mặt đê lồi lõm, nhiều ổ gà, sống trâu, không đảm bảo an toàn giao thông... Sau khi xảy ra sự cố, mặc dù đã được xử lý bước đầu nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn biến xấu, có chiều hướng mở rộng, nguy cơ cao bị vỡ đê nếu mưa lớn kéo dài.
Ông Thịnh Văn Huyên, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho biết thêm: "Huyện đã đề xuất với tỉnh phương án xử lý khẩn cấp đoạn đê bị sạt lở. Hiện nay nước sông đang thấp nên mọi thứ đang được lực lượng chức năng kiểm soát theo phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời, cử lực lượng túc trực 24/24 giờ không cho xe máy, ô tô lưu thông, phát hiện, khắc phục kịp thời những sự cố tiếp theo có thể xảy ra".