Giả danh nhân viên, giáo viên cập nhật thông tin học sinh để chiếm đoạt tiền
Các chiêu thức của kẻ lừa đảo đang được áp dụng rất tinh vi như sau: "Những kẻ lừa đảo nặc danh nhân viên văn phòng nhà trường hoặc giáo viên bộ môn trong trường gửi đường link rồi đề nghị truy cập và cập nhật thông tin của học sinh. Sau đó phụ huynh nào cập nhật và thực hiện các thao tác mà kẻ lừa đảo hướng dẫn rồi dẫn tới mất tiền trong tài khoản". Nhà trường cảnh báo phụ huynh nâng cao cảnh giác, khi thấy bất thường liên hệ ngay giáo viên chủ nhiệm.
Tại TP.HCM cũng xuất hiện tình trạng đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả mạo nhân viên kế toán, tài vụ của nhà trường, gửi tin nhắn điện thoại cho phụ huynh học sinh để yêu cầu đóng tiền học phí.
Đối tượng giả danh là nhân viên phòng kế toán, tài vụ của nhà trường, rồi gửi tin nhắn đến phụ huynh học sinh đề nghị đóng tiền đầu năm học cũng như các khoản tiền học bán trú. Sau đó, đối tượng yêu cầu các phụ huynh gửi tiền cho nhà trường bằng cách chuyển tiền trực tiếp đến số tài khoản cá nhân do chúng yêu cầu. Sau khi chiếm đoạt tiền, các đối tượng lừa đảo khóa thuê bao điện thoại để phụ huynh học sinh không liên lạc được.
Ngoài ra, mùa hè đang "gõ cửa", là thời điểm nhiều phụ huynh có nhu cầu tìm kiếm các chương trình, hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống cho con trẻ. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của phụ huynh, nhiều đối tượng lừa đảo cũng đã mạo danh các tổ chức uy tín để mời chào tham gia các chương trình, hoạt động nhằm chiếm đoạt tài sản.
Phụ huynh cần nâng cao cảnh giác
Để phòng ngừa tình trạng trên, các trường nhắc nhở phụ huynh học sinh lưu ý, khi thông báo đóng tiền, nhà trường sẽ báo thu trực tiếp với học sinh và giáo viên chủ nhiệm. Phụ huynh cần nâng cao cảnh giác trước các trường hợp nghi giả mạo nhân viên nhà trường gửi tin nhắn để yêu cầu thanh toán chuyển khoản vào một tài khoản cá nhân để chiếm đoạt. Tài khoản ngân hàng để đóng học phí phải mang tên trường mà không có tài khoản cá nhân đại diện trường. Nếu phát hiện đối tượng có hành vi giả mạo nhân viên nhà trường thì báo ngay cơ quan công an để được hỗ trợ, xử lý...
Khi nhận các cuộc điện thoại, tin nhắn có dấu hiệu bất thường, người dân cần bình tĩnh xác minh thông tin, xem xét một cách tỉnh táo, cẩn thận, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung mà đối tượng đưa ra. Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Không đăng nhập tài khoản cá nhân vào những địa chỉ này. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Khuyến cáo của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT)
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.
Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật; không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.