Những ngày gần đây, thông tin về một số trường THCS trên địa bàn TP. Hà Nội xuất hiện nhóm người lạ đến trước cổng trường để phát cho học sinh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với lý do là quà tặng khiến cho nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng.
Cụ thể, theo bà Dương Thị Tám, Hiệu trưởng Trường THCS Giang Biên, gần đây có một nhóm người lạ đến trước cổng trường phát cho học sinh các gói trà đào trân châu với lý do là quà tặng. Sau khi số học sinh này nhận và pha uống, có 1 em xuất hiện triệu chứng đau bụng.
Ngoài ra, theo một số phụ huynh học sinh, sự việc tương tự cũng xảy ra trước khu vực cổng Trường THCS Đức Giang.
Mặc dù nhà trường đã yêu cầu các giáo viên thông báo học sinh không được sử dụng và thu hồi những gói sản phẩm này, nhưng nhiều phụ huynh sợ rằng con em mình vẫn sẽ lén lút nhận sản phẩm và sử dụng. Họ cho rằng những sản phẩm phát cho con em họ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ mục đích, tung tích của người phát nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm.
Liên quan đến sự việc, trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, những người lạ mặt phát miễn phí các gói trà sữa trân châu cho học sinh có thể không có mục đích xấu, mà chỉ đơn giản là với mục đích quảng cáo sản phẩm nên chưa thể khẳng định sản phẩm có gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các em hay không. Tuy nhiên, dù với mục đích quảng cáo thì các sản phẩm này vẫn phải được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành, đảm bảo an toàn thì mới được phép phát tặng.
"Nếu những sản phẩm đó thực sự không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành thì sẽ có nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Chính vì vậy, nhà trường và phụ huynh phải có trách nhiệm nhắc nhở, giám sát các em học sinh. Tránh việc sử dụng những sản phẩm không an toàn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, ngoài việc nhắc nhở các em học sinh thì nhà trường cũng cần có biện pháp để ngăn chặn người lạ phát sản phẩm cho các em. Nếu không thể ngăn hành động đó thì gia đình và nhà trường cần nhờ đến cơ quan chính quyền địa phương vào cuộc để triệt để ngăn chặn, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Chuyên gia giáo dục – TS. Vũ Thu Hương cho rằng, ngoài việc phía nhà trường và gia đình tác động trực tiếp thì điều quan trọng không kém là cần dạy các em học sinh cách nhận diện thực phẩm. Nếu biết nhận diện thực phẩm thì các con sẽ tự biết cách đề phòng và lựa chọn xem có nên sử dụng những sản phẩm đó hay không.
"Điều này rất quan trọng! Cần phải dạy cho con cách nhận diện thực phẩm không ăn toàn, như thức ăn chưa chín, thức ăn đã bị ôi thiu hay sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ… Nếu biết được những kỹ năng này thì chắc chắn bản thân các con sẽ tự tránh được những sự việc đáng tiếc", chuyên gia giáo dục nói.
Khoản 7 Điều 100 Luật Thương mại 2005 quy định, một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại là "Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân".
Hành vi khuyến mại tại trường học, bệnh viện sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, theo quy định tại Khoản 3 Điều 33 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.
Mời bạn đọc xem tiếp video: 9 loại thực phẩm không nên ăn vào bữa sáng có thể bạn chưa biết
TOP 9 Loại Thực Phẩm Chớ Nên Ăn Vào Bữa Sáng Có Thể Bạn Chưa Biết I SKĐS