Xuất hiện nhiều văn bản giả mạo Sở Y tế, đề nghị công an vào cuộc

02-10-2024 19:22 | Xã hội
google news

SKĐS - Những ngày gần đây xuất hiện nhiều văn bản giả mạo một số Sở Y tế về việc đi kiểm tra an toàn thực phẩm cũng như các nhà thuốc. Người dân cần cảnh giác để không mắc bẫy.

Giả mạo để lừa đảo

Gần đây xuất hiện hàng loạt văn bản giả mạo nhiều Sở Y tế về kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm. Cụ thể như Sở Y tế Khánh Hòa, Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Tháp, Bình Phước…đều xuất hiện văn bản giả. Theo nhận định và cảnh báo từ lãnh đạo các Sở Y tế, lý do các đối tượng xấu dùng các văn bản giả mạo là nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

 Xuất hiện nhiều văn bản giả mạo Sở Y tế, đề nghị công an vào cuộc- Ảnh 1.

Văn bản giả mạo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp.

Phương thức hoạt động chung của các đối tượng xấu là tìm cách liên lạc với chủ các cơ sở kinh doanh thực phẩm rồi gửi thông báo, quyết định giả mạo về kiểm tra an toàn thực phẩm qua mạng xã hội. Sau đó đối tượng xấu yêu cầu các chủ cơ sở làm một số việc theo hướng dẫn của chúng.

Ngày 2/10, ông Võ Hồng Vân, Chỉ cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa cho biết, để tạo niềm tin, các đối tượng lừa đảo đã lấy mẫu hình thức tương tự văn bản của cơ quan nhà nước để cắt ghép. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ văn bản sẽ nhận ra là giả mạo do văn bản có nhiều lỗi chính tả, sai thể thức. Đây là thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội mạo danh Sở Y tế nhằm gây tâm lý hoang mang, lo sợ để yêu cầu các chủ cơ sở chuyển tiền với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Xuất hiện nhiều văn bản giả mạo Sở Y tế, đề nghị công an vào cuộc- Ảnh 2.

Quyết định giả mạo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa.


 Xuất hiện nhiều văn bản giả mạo Sở Y tế, đề nghị công an vào cuộc- Ảnh 3.

Văn bản giả mạo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng được đối tượng xấu gửi qua Zalo cho chủ quán kinh doanh thực phẩm.

Đề nghị công an vào cuộc

Trước thực trạng bị giả mạo, lãnh đạo nhiều Sở Y tế như Sở Y tế Khánh Hòa, Lâm Đồng…chuyển thông tin cho công an địa phương, đề nghị vào cuộc điều tra, tìm ra kẻ xấu.

BS Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng đã ký văn bản gửi Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp điều tra, giải quyết việc một số đối tượng ra văn bản giả mạo danh ngành Y tế.

 Xuất hiện nhiều văn bản giả mạo Sở Y tế, đề nghị công an vào cuộc- Ảnh 4.

Đối tượng xấu giả mạo cán bộ kiểm tra an toàn thực phẩm ở Lâm Đồng gửi quyết định giả và các yêu cầu cho một chủ quán.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã chuyển các thông tin liên quan về việc mạo danh đến Công an tỉnh Khánh Hòa điều tra. Việc điều tra nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi lừa đảo, xử lý nghiêm các đối tượng giả mạo vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ động cung cấp thông tin đối tượng giả mạo, lừa đảo và phối hợp với công an để điều tra, xử lý theo quy định. BS Nguyễn Đình Thoan- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, nếu Sở Y tế đi kiểm tra an toàn thực phẩm đều có kết hoạch rõ, không liên hệ làm việc qua mạng xã hội.

Đối tượng giả mạo có thể bị phạt tù

Trước tình trạng đối tượng xấu giả mạo nhiều văn bản của các Sở Y tế, luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích.

Có thể thấy một số đối tượng sử dụng thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo diễn ra tương đối phổ biến và ngày càng tinh vi hơn. Không chỉ giả danh qua việc gọi điện thoại, qua tin nhắn mà còn làm giả các văn bản, quyết định của cơ quan chức năng để lừa đảo người bị hại.

Hành vi của đối tượng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân và ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan, tổ chức.

 Xuất hiện nhiều văn bản giả mạo Sở Y tế, đề nghị công an vào cuộc- Ảnh 5.

Luật sư Hoàng Thị Hương Giang.

Dưới góc độ pháp lý, đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự. Tùy tính chất, mức độ, hậu quả hành vi có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Cao nhất lên đến 7 năm tù trong trường hợp làm giả 6 con dấu, tài liệu trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự.

Trong trường các đối tượng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức rồi sau đó sử dụng tài liệu giả này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự.

Từ các vụ giả mạo để lừa đảo cho thấy, người dân cần cảnh giác, thận trọng khi tiếp nhận các thông tin không chính thống để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng xấu. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phố biến pháp luật đến người dân về các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng để hạn chế tình trạng này.

Cảnh báo giả mạo văn bản của Sở Y tế kiểm tra an toàn thực phẩmCảnh báo giả mạo văn bản của Sở Y tế kiểm tra an toàn thực phẩm

SKĐS - Những ngày gần đây xuất hiện nhiều văn bản giả mạo một số Sở Y tế về việc đi kiểm tra an toàn thực phẩm,


Đông Hưng-Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn