Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ chiều nay (27/5), vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,3-16,3 độ Vĩ Bắc; 111,3-112,3 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Bắc Tây Bắc và có khả năng mạnh thêm.
Đường đi và vị trí của áp thấp nhiệt đới.
Hình ảnh mây vệ tinh.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên khu vực Bắc và Giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Ninh Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Trên đất liền khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ngày có mưa rào và dông rải rác, chiều tối và đêm có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Mưa lớn gây thiệt hại ban đầu là 10 ha lúa vụ Đông Xuân chưa thu hoạch bị ngập từ 20-30cm (huyện Quảng Điền); 1 tàu gỗ đang neo đậu bị sóng đánh chìm (huyện Phú Vang); 30m đê Hà Giá (đê bao nội đồng) tại xã Lộc Thủy và 1/2 thân đập Quan (đập dâng nội đồng) tại thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc bị vỡ.
Tại tỉnh Bình Thuận và Bạc Liêu: Tính đến 17h00 ngày 26/5/2017 diện tích lúa tại 02 tỉnh Bình Thuận và Bạc Liêu còn bị ngập là 4.463 ha (Bình Thuận: 301 ha; Bạc Liêu: 4.162 ha giảm 3.018 ha so với báo cáo nhanh ngày 25/5). Ngay sau khi thiên tai xảy ra Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và chính quyền các địa phương đã tổ chức đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị chết và mất tích; chỉ đạo, huy động lực lượng tại chỗ giúp nhân dân khắc phục hậu quả, vận hành các cống và trạm bơm tiêu thoát nước cứu lúa tại những khu vực bị ngập, úng.