Người Việt Nam dù đi đâu, làm gì cũng nhớ đến ngày Tết của quê mình. Với người Việt Nam nói chung và người Việt ở hải ngoại nói riêng, khi Tết đến mới thực sự bắt đầu một năm mới, khởi đầu mọi sự và ai ai cũng cầu mong ngày đầu năm luôn yên vui để cả năm được sung túc.
Tại Nam California, hòa chung không khí Tết ở quê nhà, hàng chục ngàn người đã đến công viên Garden Grove tham dự Hội chợ Tết Xuân Canh Dần, với chủ đề "Xuân yêu thương", do Tổng hội Sinh viên Việt Nam, Nam California tổ chức. Hội chợ này khai mạc vào ngày 13/2 (30 tháng chạp Kỷ Sửu) và bế mạc vào tối 14/2 (mùng 1 tháng giêng Canh Dần). Đây là sinh hoạt có tính định kỳ, được Tổng hội Sinh viên Việt Nam, Nam California tổ chức vào dịp Tết âm lịch hằng năm và nay đã trở thành một trong những sinh hoạt chính của cộng đồng người Việt ở khu vực Nam California, mỗi khi xuân về.
Các bé ở St. Petersburg, Nga, diện trang phục truyền thống đón Tết. |
Còn tại tiểu bang Virginia, Trung tâm thương mại Eden được coi là khu mua sắm lớn nhất của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại đây. Ông Nguyễn Hồng Hải, nhân viên siêu thị Sài Gòn cho biết, những món ăn ngày Tết đủ cả, từ dưa hấu, bưởi, quýt, đào, mai, bánh mứt cho tới bánh chưng, bánh tét, dưa món. Ông Hải cũng cho biết thêm, sức mua năm nay có ảnh hưởng đôi chút do kinh tế Mỹ suy thoái. Ông Bình Trần, chủ cửa hàng chuyển tiền Sài Gòn - USA, cho biết số lượng chuyển tiền về Việt Nam năm nay không được bằng mấy năm trước. Tuy nhiên, người dân vẫn tổ chức các hoạt động đón năm mới: "Ở đây người ta cũng có tổ chức múa lân, đốt pháo trong ngày Tết. Mong sao sang năm mới kinh tế khá hơn, người dân có công ăn việc làm và cầu mong cho người dân Việt Nam, cũng như mọi người dân trên thế giới. Mong cho Việt Nam ngày càng phát triển”.
Tại trung tâm Eden, chị Tất Tố Loan, 27 tuổi. Chị Loan sang Hoa Kỳ từ năm lên 3 tuổi, nên chị cho biết, từ trước tới giờ, chị không nghĩ “Tết là một điều gì đó lớn”, nhưng giờ đã lập gia đình nên chị muốn con cái “cảm thấy không khí ấm áp của Tết quê hương”. Chị Loan nói: "Tôi chuẩn bị bánh tét, cúng con gà, cúng ông Táo, mua đồ ăn Tết, nhỏ nhỏ thôi, chứ không phải là tổ chức ăn Tết lớn, vì cũng phải đi làm như bình thường. Vì Tết năm nay vào ngày chủ nhật nên được nghỉ. Tôi mong cho gia đình mạnh khỏe". Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết, ông luôn cảm thấy nhớ quê hương khi Tết đến xuân về. Ông Hải nói: "Càng Tết càng nhớ nhà nhiều lắm. Tết càng thêm nhớ quê hương, xứ sở của mình".
Tuy nhiên, Mỹ là nơi có cộng đồng người Việt đông đúc, còn ở một số nước khác, giao thừa đến vào lúc người Việt vẫn đang phải ngồi ở văn phòng hay trên giảng đường, miệng nhẩm tính “chỉ còn năm phút nữa là người thân ở nhà sẽ thắp hương cúng tất niên”. Có người “tranh thủ” điện thoại văn phòng gọi về chúc Tết gia đình. Nhiều sinh viên đổ vào thư viện lên mạng “chat” với người thân. Hà Ly, một người đang làm việc tại Canada tâm sự: "Sắp giao thừa rồi, tôi ngồi đây mà đầu óc chỉ nghĩ đến mọi người ở nhà. Đã hơn 10 năm không được ăn Tết ở Việt Nam. Năm nào cũng vậy, đến giờ này lại gọi điện về mong hưởng chút hương vị Tết. Mình là người Việt, nói tiếng Việt, vì vậy chỉ có ở Việt Nam, gặp nhau đúng ở nhà thì mới gọi là Tết. Còn nếu người Việt sống bên này gặp nhau lại, cũng bánh chưng bánh tét, mặc áo dài y như ở Việt Nam thì nó vẫn có một cái gì đó ngậm ngùi, man mác, không thể nào vui như một cái Tết ở nhà được”.
BQT