Xuân về, mong én!

16-02-2019 08:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngàn năm, chim én được coi là loài chim báo mùa Xuân. Thời nay, không dễ ngắm chim trời bay và hót. Lẽ nào, én chỉ liệng trong lời hát, áng thơ?

"Khi gió đồng ngát hương, rợp trời chim én lượn/Cây nẩy mầm chồi xanh, mây trắng bay yên lành/Em chợt đến bên anh, dịu dàng như cơn gió nhẹ/Và lòng anh để ngỏ, cho tình em mơn man/Em là cách én mỏng chao xuống giữa đời anh/Cho lòng anh xao động, thành mùa Xuân ngọt ngào/Em về én lại xa, mùa Xuân không ở lại/Bên em, anh gần mãi nên đời vẫn, đời vẫn xuân trào”.

Tết nghĩa là hy vọng làm người lớn thấy nhớ lớp trẻ, thấy thương tết thời bao cấp.

Tết nghĩa là hy vọng làm người lớn thấy nhớ lớp trẻ, thấy thương tết thời bao cấp.

Mỗi lần nghe tình khúc Mùa chim én bay của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931 - 2013), giai điệu ca từ thắm thiết luôn làm tôi xao xuyến. Từ tháng 12/2018, VTV1 đưa tin: Những đàn chim én đổ về huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, người dân ở đây yêu mến, tạo điều kiện môi trường, cây xanh để chim về. Hay 2 lần VTV Việc tử tế phát phóng sự Ông Bụt của loài chim, về người đàn ông nghèo, độc thân, bán trái cây dạo, rất thương chim bồ câu tự do ở thủ phủ Tây Đô. Ông trích thu nhập mua thóc, bánh cho bầy chim và vui sướng khi thấy loài chim biểu tượng hòa bình, bình yên, ăn no vây quanh mình. Ban đầu, ông cho chúng ăn vụn bánh mà ông bán ế, sau mua thóc cho ăn mỗi ngày. Sao nước mình mới chỉ có “ông Bụt” này ở Cần Thơ?

Tôi đến Đồng Tháp, thăm cánh đồng hoa ở thị xã (nay là thành phố) Sa Đéc một lần, năm 2005. Từ đây, tôi đã đi phà (không ngờ đó là lần duy nhất và cuối cùng) Mỹ Thuận sang Cần Thơ, chuyến phà gần 90 năm trước mà thiếu nữ người Pháp Marguerite Duras (1914 - 1996) đã gặp phải lòng người đàn ông Trung Hoa Huỳnh Thủy Lê và ông trở thành mối tình sâu đậm để bà viết tiểu thuyết lừng danh Người tình (xuất bản và được giải Goncourt 1984, dịch ra 43 thứ tiếng). Sau này, đạo diễn Jean - Jaques Arnaud, với sự cố vấn của nhà văn Sơn Nam, đã làm bộ phim truyện từ tiểu thuyết này, nơi bối cảnh thật của hai nhân vật, công chiếu năm 1992.

Không còn phà Mỹ Thuận, không có bộ phim lãng mạn nào đưa tôi đến Hồng Ngự ngắm én cùng các con. Tôi phải dùng phép màu của tưởng tượng, hình dung có một ngày như thế. Ngày mà tôi giảng được cho con hiểu “Ngày Xuân con én đưa thoi” trong thơ Nguyễn Du không chỉ dừng ở điển tích văn học. Giờ đây, không dễ thấy những khung cửi dệt vải truyền thống ở các làng lụa, gần Hà Nội nhất là làng Vạn Phúc (Hà Đông), khung cửi chỉ trưng bày. Nên tôi rất thích thú khi thấy phố nhỏ Đào Duy Từ, phố đi bộ cuối tuần thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã treo những khung cửi quấn tơ vàng óng mùa Đông 2017. Không thấy én, không biết thoi chạy trên khung cửi gỗ, thì sao các bé hiểu “én đưa thoi” (nghĩa là bay nhiều, nhanh) trên trời.

Không chỉ với tầm mắt trẻ thơ, ngay với người lớn, lúc này cũng khó nhìn thấy bầu trời, bởi bị chắn quá nhiều công trình cao tầng, chỉ có những khoảng trời, khung trời hẹp. Nghĩa đen là thế, còn nghĩa bóng thì lòng người, hồn người thời đại công nghệ 4.0 hình như lạnh lùng hơn, ích kỷ hơn, ngày càng ít lãng mạn, mộng mơ và đánh mất nhiều hệ giá trị kinh điển. Cái gọi là cập nhật, hiện đại, thời thượng sẽ không vững bền nếu thiếu nền tảng nhân văn, văn hóa. Hãng thông tấn nổi tiếng của Mỹ và thế giới CNN đã gọi năm 2018 là “năm của thông tin giả”. Do mục đích bất minh, một số các mạng xã hội đã gây nhiễu loạn cả chính trường lẫn xã hội thực bằng thông tin thất thiệt. Thói thường, con người tham lam, ưa nịnh, nói ngọt. Sự tham trong dục vọng sẽ dẫn đến những hành động, phát ngôn gây hậu quả. Nói dối nhiều thành quen, đến mức tự nhiên như mặt thật chính là mặt nạ, nghiện sản phẩm công nghệ thông minh và các tính năng “phù thủy” của chúng, người ta sa vào sống ảo, từ “lừa mị” bản thân và cộng đồng (giao tiếp qua facebook) bằng hình ảnh selfie và các bình luận, tự xưng ảo tưởng.

Mỗi cái Tết đều nhắc mọi người về thời gian, về những gì đã làm được trong năm cũ. Cứ sang tháng 1 năm mới toàn thế giới, từ tháng Chạp lịch ta, là công dân toàn cầu lại được đọc, nghe vô vàn số liệu thống kê. Những con số chứa chất sức lực, tâm huyết và cả hậu quả của xã hội toàn cầu. Vui, buồn, lo âu, lạc quan... phức cảm. Đa số, những thống kê về tăng trưởng kinh tế được quan tâm.

Thực tế, vẫn còn nhiều người nghèo, khổ, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, miền núi. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, xứng đáng được ưu tiên hàng đầu. Mùa đông lạnh, các em nhỏ miền núi mặc phong phanh, chân không có tất. Chuyên mục Việc tử tế đã phát sóng các phóng sự về các bà cụ già ở Hà Nội, Ninh Bình tiết kiệm tiền, quyên góp mọi người để mua len đan áo, mũ gửi cho các cháu, hay cụ bà hơn 90 tuổi ở Tây Ninh đạp máy khâu may chăn từ vải vụn cho người lang thang. Những thầy cô “cắm bản” xa nhà, lại phải trích lương để nuôi trò, phụ bữa ăn cho các trò đôi khi có thịt. An sinh xã hội không thể vững bền, nếu cứ mãi chỉ trông vào các cá nhân, doanh nghiệp lớn, nhỏ. Những chiếc lá rách ít đùm lá rách nhiều, những ước ao bữa cơm no, xe đạp cũ đến trường, bộ bàn ghế ngồi học... tưởng nhỏ nhoi mà là tâm nguyện kéo dài liên quan đến cơ hội đến trường của nhiều em nhỏ. Có biết bao định nghĩa về hạnh phúc, yêu thương, bác ái, vị tha, song khát vọng “Vì một xã hội học tập” như slogan của kênh Giáo dục quốc gia VTV7, phải được chung sức của hơn 90 triệu người dân Việt Nam trước hết biết sống vì một xã hội nhân văn, thấm đẫm tình người.

Cảnh trong chương trình Tết nghĩa là hy vọng (Đài Truyền hình Việt Nam) .

Cảnh trong chương trình Tết nghĩa là hy vọng (Đài Truyền hình Việt Nam) .

Tôi thích các chương trình Tết của VTV, được chuẩn bị từ mùa đông, ghi hình từ cuối năm cũ, hình như chỉ Gặp nhau cuối năm ghi hình 25/1 là sát Tết nhất. Tết xem VTV đã thành thói quen, một đặc sản tinh thần mà Đài Truyền hình Việt Nam muốn đãi tiệc khán giả. Tết nghĩa là hy vọng là chương trình hay từ tên gọi đến nội dung, từ mấy năm nay, phát vào tối 30 Tết, khi các kênh sóng cùng chung VTV. Tất nhiên rồi, Tết tặng hy vọng cho tất cả mọi người. Nói theo câu của văn hào M.Cervantex: “Bất cứ số phận nào cũng tìm thấy trong tình yêu một chỗ dựa”, thì bất cứ hoàn cảnh nào cũng tìm thấy Tết hơi ấm tình đời. Tết là dịp đùm bọc, sẻ chia nghĩa đồng loại, đồng bào, việc tốt như én mùa xuân, thật mong, không chỉ gần Tết mới cấp tập các chiến dịch thiện nguyện. Trong đêm Giao thừa Tết, VTV phát sóng ca khúc mới Chiến sĩ mũ nồi xanh của PGS.TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 175, quận Gò Vấp, TP. HCM) do ông sáng tác bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ít thời gian viết nhạc vì dành chủ yếu cho y học, BS. Hồng Sơn tranh thủ những khoảng hẹp công việc để nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn sáng tác nhanh, kịp thời sự, chớp cảm xúc tươi ròng. Đúng 8 mùa xuân trước, ông đã chỉ huy mổ truyền hình trực tuyến (telemedecine), ca phẫu thuật đón bé gái (có dây nhau quấn cổ) ra đời đầu tiên trên đảo Trường Sa được chăm sóc y tế. Theo gợi ý của BS. Sơn (cha nuôi), cha mẹ đẻ đặt tên cô bé là Nguyễn Ngọc Trường Xuân, trong đó Ngọc và Xuân là tên bác sĩ của ca mổ, mà BS. Sơn đã chỉ đạo từ TP. Hồ Chí Minh qua công nghệ télémédicine và hôm sau bay ra Trường Sa. Được 2 tuổi, bé Trường Xuân theo bố mẹ (là ngư dân) về sống ở quê Cam Ranh (Khánh Hòa). Tết, không riêng các chiến sĩ canh gác đảo xa, biên giới không về, còn có những người lính tình nguyện Việt Nam theo phái bộ Liên hợp quốc làm nhiệm vụ quốc tế. Tôi được BS. Sơn cho nghe ca khúc mới (giọng hát Vũ Thắng Lợi và hợp xướng) qua điện thoại của ông, trong cuộc gặp chiều cuối năm ở Hà Nội. Ông chỉ mong có sức khỏe để cống hiến, dù đã là ông ngoại của cháu trai 1 tháng tuổi, vẫn nhiệt huyết dấn thân như ngày 18 tuổi, người con út rời đất Cảng Hải Phòng xung phong đi bộ đội trong chiến tranh biên giới ở cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (Phục Hòa, Cao Bằng) rồi tiếp tục tham gia giải phóng Campuchia. Tôi kính trọng ông - người anh hùng lao động, người hùng thực sự của những bệnh nhân nghèo, những nghệ sĩ bởi tâm hồn giàu có của ông, một nhạc sĩ nhiều giải thưởng album, sách khoa học và sách nhạc.

Đã có Chuyện tử tế - phim tài liệu của đạo diễn NSND Trần Văn Thủy nổi tiếng 35 năm trước, nay chuyên mục Việc tử tế của Trung tâm Tin tức VTV24 đang khơi gợi, nhân rộng những việc làm tử tế vì cộng đồng trong toàn quốc... Gala Cặp lá yêu thương chủ đề phút an bình thực hiện tại 3 miền đất nước với nhân vật trải nghiệm là 3 người đẹp Phương Hoa, H’HenNiê, Minh Tú thực sự gây xúc động khi phát sóng lần đầu lúc 21 giờ ngày 3/2 (29 Tết). Thật thú vị khi gặp “cô bé Cam Ranh” nhỏ nhắn tài hoa Lê Cát Trọng Lý trong đêm nghệ thuật Hộ chiếu tâm hồn của tôi tại Trung tâm Văn hóa Pháp tối 6/3/2013 thì sau gần 6 năm, “gặp lại” ca sĩ - nhạc sĩ trẻ ấn tượng ấy cùng nhà báo Lại Bắc Hải Đăng (bạn đồng môn Học viện Báo chí - Tuyên truyền với tôi) rong ruổi “du ca” dọc đất nước làm chương trình Ở nơi có nhiều mây (phát chiều 7/12 - 3 Tết và tối 9/2 tức mồng 5 Tết) do Hải Đăng đạo diễn, để lại nhiều dư vị tình thương ấm áp. Tên nghe có vẻ “dự báo thời tiết”, lại mang chất thơ và bay bổng với ý tưởng của êkíp thực hiện là đi đến những nơi lắm thiếu thốn nhiều ước mơ, dù người mơ ước thua thiệt, cơ cực mấy cũng muốn vươn lên, lạc quan về ngày mai.

Vào những ngày đầu Xuân rạng rỡ, ra với thiên nhiên, lòng ta nhẹ lâng, êm ả. Én hay mọi loài chim đều có quyền bay và hót, tự do và hát ca, nhất là tưởng mùa sinh sôi, bừng nở. Xuân là mùa thích hợp nhất để trồng cây xanh, để cứu chuộc, bù lại, nhân xanh cho trái đất, hành tinh xanh, vì tương lai của thế hệ con, cháu chúng ta. Mùa Xuân chính là mùa gieo niềm tin, hy vọng bằng nỗ lực, đặt ra các kế hoạch, chỉ tiêu, mục tiêu mới để phấn đấu, cống hiến cho đời, biến những thách thức thành thời cơ, bởi tâm niệm sống không phí một ngày “rỗng”, “nhạt”.

Trên con ngõ quen tĩnh lặng đầu năm, tôi ngước lên bầu trời theo cách nhìn các con, chợt nhớ và thốt lên bài thơ Vườn em trong tập Góc sân và khoảng trời của thần đồng Trần Đăng Khoa viết hơn 50 năm trước, khi thi sĩ đang học lớp 1: “... Em trồng thêm một cây na/Lá xanh vẫy gió như là gọi chim/Những đêm lấp ló trăng lên/Vườn em dậy tiếng dịu hiền gần xa/Em nhìn vẫn thấy cây na/Lá xanh vẫy gió như là gọi trăng”.


Tùy bút của VILI
Ý kiến của bạn