Nhưng rồi, niềm yêu đời, yêu lao động, những tâm hồn thường trực đối diện với gian lao đã thắp lên những hy vọng mới, thích ứng với hoàn cảnh, sẻ chia những yêu thương.
Vững niềm tin
Những ngôi làng yên bình dưới thung lũng, trên núi đá hay lẻ loi giữa những tán rừng xanh thẳm như ôm ấp, chắn che cho bao phận người ở Ninh Sơn, Ninh Phước, Bác Ái, Ninh Hải...
Có một thời, nhắc đến các địa danh này còn gợi lên sự khô cằn, nghèo khó. Nhưng giờ đây cuộc sống đã hoàn toàn đổi khác.
Ði qua bao thăng trầm, bà Ðạo Thị Nữ (An Nhơn, Ninh Hải) chia sẻ: Cả khu vực An Nhơn hầu như không còn người đói nữa. Không chỉ ruộng rẫy, người dân còn biết trồng và bảo tồn dược liệu. Từ đồng bào Chăm đến Kinh và các dân tộc khác đoàn kết làm ăn, bảo ban nhau thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là COVID-19. Ðại dịch COVID-19 xuất hiện muộn ở Ninh Thuận nhưng các xóm, làng đã nhanh chóng hình thành nếp nghĩ gắn phòng dịch với phát triển kinh tế. Xuân Nhâm Dần này vẫn hứa hẹn nhiều ấm áp.

Cây nho giúp cho cuộc sống của hàng ngàn nông dân ở Ninh Thuận trở nên tốt đẹp hơn.
Quen bốn mùa "làm bạn" với nắng nóng để vỡ vạc, bồi đắp những thửa ruộng bạc màu, nông dân Ðạo Thanh ở An Nhơn (Ninh Hải) cũng tâm tình: Nhà nước hướng dẫn gì là nhiệt liệt thi đua làm theo. Quyết liệt từ bỏ mọi hủ tục lạc hậu. Trước kia, đâu đó trong những con hẻm nhỏ, những quán xá tạm bợ còn tình trạng uống rượu cồn đến mềm môi, đến nhập viện nhưng tình trạng ấy giờ đây không còn nữa. Nếp sống mới cùng với những quyết sách đúng nên các cánh đồng lúa trải ra bạt ngàn, những trang trại chăn nuôi mọc lên. Nhà nhà chí thú làm ăn và đồng lòng phòng, chống dịch bệnh theo quy định của chính quyền với niềm tin mạnh mẽ sớm đẩy lùi được COVID-19. Một mùa xuân đầy hy vọng đang phấp phới ùa về...
Nhiều ngày đêm vận động cả gia đình, dòng họ của mình thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch COVID-19 và chuyển đổi phương thức làm nông nghiệp, ông Kiều Toàn (Ninh Sơn) nghiệm ra rằng: Cứ bền bỉ sản xuất, sẻ chia kinh nghiệm cùng nhau thì xóm này nối xóm kia đời sống sẽ tươi đẹp dần lên. Nhiều thời điểm, nơi đây nắng gió cùng sự khắc nghiệt như kéo đến tận cùng các ngõ ngách. Thế nhưng người dân không ai nhụt chí cả. Khi dịch bệnh ghé thăm, lúc đầu ngỡ ngàng. Nhưng khi nghe nhân viên y tế cơ sở giải thích cặn kẽ thì thấm hiểu dần. Người thấu rõ thì nói cho người chưa rõ. Phải cùng nhau phòng dịch, thích ứng và phát triển kinh tế trong tình hình mới. Có nhiều hình thức để ổn định đời sống như: Chăn nuôi theo hướng vỗ béo; trồng nho; nuôi cừu…Những ruộng nho, "đồng" cừu trải dài mênh mông đã đổi thay bao phận người.

Hạnh phúc trong giản dị
Nhiều gia đình, dòng tộc dọc dài miền nắng gió Ninh Thuận đời nọ nối tiếp đời kia gắn bó với chăn nuôi, trồng trọt, họ đều tìm thấy hạnh trong giản dị, chất phác.
Dõi ánh mắt đầy hân hoan lên cánh đồng nho xanh tốt, lão nông Nguyễn Hùng ở Ninh Sơn thổ lộ rằng: Có ngàn gia đình sống khỏe, da đẹp đều từ nho mà ra. Miền khô cằn này cây nho trở nên loài "nữ hoàng". Sản phẩm của nông dân "xứ nắng" này tỏa đi khắp các miền.
Miền nắng gió Ninh Thuận còn nhiều cuộc đời gắn chặt với cây nho, vườn nho, làm nên thương hiệu như ông Ba Mọi, chị Trần Thị Mỹ Hạnh. Chị Hạnh còn là người thành công với giống nho NH 0152 trong nhà bạt. Loại nho này quả to, vị ngọt thanh dịu, có năng suất cao, giá 110.000 đồng đến 130.000 đồng/kg. Nếu chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm.
Thành công của ông Mọi, chị Hạnh như nguồn cổ vũ thêm cho nhiều chủ vườn nho khác. Ngồi bệt trên nền đất để ý nghĩ hân hoan miên man trôi theo những ước vọng, nông dân Trần Văn Dũng ở Ninh Phước tự tin: Khó khăn nào rồi cũng được chế ngự. Từ chân núi hay các làng mạc ven quốc lộ ở Ninh Thuận đã khác. Màu của ấm no, đoàn kết đã bừng lên.

Ngay chính bản thân ông Dũng nhiều năm đánh vật với đá, bám mặt với ruộng cuối cùng cũng cắm được cả ngàn cây nho, nuôi được cả trăm con cừu. Rồi đây, trên hành trình Bắc - Nam ruộng nho, đồng cừu như một "đặc sản" níu chân người nán lại tham quan.
Ðể tăng năng suất cho người trồng nho, Ninh Thuận còn quy hoạch vùng sản xuất nho chất lượng cao, tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài hai giống nho xanh NH01-48, nho đỏ Red Cardinal sẽ phát triển thêm nhiều giống nho mới như: NH02-97, NH02-90, NH02-137...
Tự hào gắn với nghề nuôi cừu mấy chục năm qua, ông Ðạo Thanh Thích (xã Xuân Hải, Ninh Hải) tâm tình: Nếu cây nho là "nữ hoàng" thì cừu là bạn tri kỷ miền nắng gió này. Ngoài Ninh Hải, nghề nuôi cừu có mặt ở các huyện Bác Ái, Thuận Nam, Thuận Bắc...
Bao đôi lứa kết duyên và giàu nên nhờ chung sức nuôi cừu; hàng trăm chủ trang trại từ tay trắng cũng thành khá giả nhờ cừu. Ðời sống cả người nuôi lẫn cừu có lúc chật vật giữa khô hạn, nỗi ám ảnh nhất là phải vắt vét từng giọt nước rỉ ra từ đất nhưng những khắc nghiệt ấy dần được thích ứng để cừu trở thành vật nuôi "đặc sản" của Ninh Thuận.
Video đang được quan tâm
Hoa cười đón xuân