Dường như, với guồng quay gấp gáp của thời gian và cuộc sống, đó là lựa chọn số một.
Trầm lắng những ngôi nhà giữa thành phố đông đúc
Tôi đã từng đắm mình với những chuyến du xuân trên các cung đường Tây Bắc Tổ quốc. Tôi cũng đã trải nghiệm không gian thâm nghiêm và độc đáo trong những ngôi làng cổ phía Bắc. Song dường như, nhu cầu khám phá đã khiến tôi và những người trẻ cùng quan điểm dấn bước về phương Nam. Ở đó, nhiều bạn trẻ sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh cũng đang tỏa ra, hướng tới các ngôi làng, ngôi nhà cổ kính trong lòng Sài Gòn đông đúc và những ngôi làng thuộc vùng sông nước miền Tây.
Nhà cổ Long Tuyền (Cần Thơ).
Vì sao vậy? Xin trích lời chia sẻ của bạn Hoàng Hoài Nhân (sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh): Giới trẻ năng động, không thích bị động. Tâm thế mở lòng ra với thiên nhiên đã giúp cho những ngày Tết có những trải nghiệm thú vị. Ở đó, chúng tôi được đắm mình trong không khí có phần trầm xuống, lắng sâu nhưng rất đỗi thân thương. Chúng tôi được trò chuyện với gia chủ về cách sống, cách đón xuân cũng như gìn giữ truyền thống gia đình.
Ở TP. Hồ Chí Minh, ngôi nhà được đánh giá là cổ xưa nhất là dinh Tân Xá, thuộc khuôn viên Tòa Giám mục, tọa lạc trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3). Ngôi nhà được xây dựng vào cuối thế kỷ 18. Ban đầu nhà được làm bằng vách tre và lợp tranh. Sau đó, được tu tạo và xây dựng lại thành một ngôi nhà bằng gỗ theo cấu trúc hình hộp vuông, với diện tích khoảng 136 m2 gồm có ba gian, gian giữa rộng nhất, hai chái, 36 cây cột chia làm sáu hàng. Các cánh của ngôi nhà đều được chạm trổ cầu kỳ, tự nhiên làm cho kiến trúc ngôi nhà sống động và gần gũi với thiên nhiên.
Không náo nhiệt, không xô bồ, giữa Sài Gòn sôi động chẳng ngờ lại có một ngôi nhà có dáng dấp xưa cũ của hà thành hiện diện. Đó là một ngôi nhà cỡ 100 năm nằm trong ngách 162 ở đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh). Với kiến trúc đầy dịu dàng, cách trang trí khoáng đạt nhưng lại trầm lắng, mang đậm dư vị của Hà Nội chính là địa chỉ cho nhiều người con Hà Nội sinh sống và làm việc tại đây. Bởi thế, không chỉ ngày Tết, mà ngày bình thường, không ít người đã tìm đến ngôi nhà để tận hưởng cảm giác thư thái trong không gian cổ kính. Hỏi một bạn trẻ, bạn cũng nói như cách nghĩ của tôi, rằng bạn thấy hợp với không gian này, hễ thấy lòng mình phấn chấn, muốn đến là sẽ đến.
Tìm hiểu về Sài Gòn, với “lối xưa xe ngựa...” tôi cũng thích đắm mình trong không gian nhà cổ của bà Trần Thị Kim Hồng và ông Nguyễn Kim Chung ở huyện Nhà Bè. Trước quá trình đô thị hóa, sự khắc nghiệt của thời gian, ngôi nhà cổ vẫn vững chãi. Nhờ gia chủ gìn giữ, nên hiện ngôi nhà còn vô số cấu trúc, hoa văn chạm trổ công phu mang nét cổ xưa. Kèo của ngôi nhà được làm từ những thanh gỗ lớn, nhiều họa tiết điêu khắc tinh xảo. Mái ngói cổ kính và rêu phong, đặc biệt những viên gạch âm dương màu ngọc bích gắn dọc mái hiên được đánh giá là hiếm thấy.
Ở huyện Bình Chánh có ngôi nhà cổ rất đẹp của ông Huỳnh Kim Phú, xây dựng vào năm 1885. Đây là một trong số ít ngôi nhà vừa mang những nét kiến trúc cổ xưa vừa mang đậm dấu ấn lịch sử trong thời điểm kháng chiến chống Pháp. “Mùa xuân, và cả ngày thường, du khách vẫn đến hỏi tôi, tham quan, chụp hình. Tôi biết, giá trị của những gì xưa cũ khó mà phai nhạt được nếu thế hệ sau quyết tâm gìn giữ”, ông Phú chia sẻ.
Làng nổi Tân Lập (Long An).
Xa hơn và trầm tĩnh
Nhưng không ít người còn tận dụng cơ hội tìm về những ngôi làng cổ khu vực miền Tây Nam Bộ, tìm kiếm ký ức nơi những nếp nhà cổ. Phước Lộc Thọ là ngôi làng cổ đã trở thành khu du lịch, khi vừa ra khỏi đất TP. Hồ Chí Minh, đến đất Đức Hòa (tỉnh Long An), nơi tiếp giáp chuyển vùng từ Đông Nam Bộ sang Tây Nam Bộ, tạo cho Phước Lộc Thọ bản sắc hiếm có, vừa mang vẻ đẹp sông nước, vừa có nét duyên miền Đông Nam Bộ. Nơi đây có một dòng sông yên bình, êm ả Vàm Cỏ Đông đã đi vào thơ ca, lịch sử và còn là nơi sinh sống của người Phù Nam xưa. Với 22 căn nhà gỗ cổ trên khắp ba miền nước Việt và hàng trăm cổ vật quý, năm 2012, Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Việt Nam cho điểm du lịch làng cổ Phước Lộc Thọ là nơi sở hữu nhiều nhà gỗ cổ, hoa văn phong phú nhất Việt Nam.
Tôi và bè bạn đã được uống nước nguồn quê thân thương, sống trong không gian mái đình cong vút, vịn tay lên những bức tường rêu. Thuở thiếu thời, được tắm đẫm trong điệu dân ca nồng nàn, nô đùa trên khúc sông hiền hòa, có vạt cỏ chân đê mềm mại nâng niu những đôi chân trần trẻ dại... Thì tại làng Phước Lộc Thọ, chúng tôi như gặp lại mình, gặp lại ấu thơ và bao ký ức của những phiên chợ Tết ùa về, nguyên vẹn. Bạn Hương Thảo (sinh viên Trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh) tâm sự: “Đã sống với nhiều sự xô bồ, ngày xuân tìm về các làng cổ, em thấy thoải mái và thư thái. Phước Lộc Thọ là địa điểm chúng em hay tới. Ở đây chúng em không chỉ được gặp sông, được gặp không gian xưa cũ. Và còn có thể nghe những bản nhạc cũ, sẽ là những giây phút sảng khoái, để sau Tết lại nhập cuộc trong hành trình học tập và kiếm sống vất vả”.
Cũng như tôi, nhóm của Hương Thảo đã nhiều lần đến Cần Đước (Long An) và mùa xuân này chúng tôi ghé thăm Nhà trăm cột ở xã Long Hựu. Bà Nguyễn Thị Ngỏ - một cựu giáo chức, cũng là chủ nhân của ngôi Nhà trăm cột - đón khách bằng nụ cười hiền lành. Bà kể rằng, sống trong không gian này, bà thấy lòng tự hào bởi được góp sức mình bảo vệ di sản của tổ tiên. Hằng ngày, ngoài công việc kiếm sống, bà vẫn chăm sóc những chậu kiểng trong khuôn viên để khách đến thưởng lãm, chụp hình. Anh Võ Mạnh Hảo, một người con của Long An, thích khám phá vùng sông nước cho hay: “Điều đặc biệt là ngôi nhà không chỉ có 160 cột, mà còn vì đây là ngôi nhà “rường” miền trung điển hình nằm lọt giữa vùng quê Nam Bộ. Trải qua cả trăm năm vẫn vững chãi, đặc biệt giá trị trong kỹ thuật chạm khắc khiến ngôi nhà trở thành một tác phẩm nghệ thuật và được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia”.
Du xuân, với các bạn trẻ, một trong những nỗi niềm thích thú nữa là đi dọc quốc lộ 62, chạy dọc sông Vàm Cỏ Tây thuộc địa phận Long An để thưởng lãm hoa mẫu đơn được người dân trông hai bên đường. Khi qua cung đường này, sẽ ghé đến làng nổi Tân Lập du khách sẽ có dịp hòa mình với thiên nhiên, có cái nhìn một cách đầy đủ và chân thật nhất về nét đẹp chân phương đôn hậu của cảnh vật và con người miền Tây sông nước. Làng nổi lấp ló trong bóng cây tràm xanh, trong hương tràm thơm. Họ sẽ nạp năng lượng, cả năng lượng từ khí trời, rồi xuôi về Cần Thơ dạo chơi ở làng cổ Long Tuyền (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) là một địa phương đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long bởi nơi đây có 7 di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Cùng ăn những món ăn đặc trưng của sông nước, được đón Tết cùng bà con, du ngoạn trên những con kênh xinh đẹp, nghe đờn ca tài tử do những câu lạc bộ nổi tiếng ở Cần Thơ biểu diễn.
Thật mừng là, vào những ngày xuân, các bạn trẻ đã xách ba lô, đến những ngôi làng, ngôi nhà cổ, như là những cuộc tìm hiểu, tri ân những người đang gìn giữ kho tàng ký ức. Họ đã đón xuân theo cách của họ. Không bị động. Không chỉ đắm mình trong tiệc tùng phố xá, mà thích trải nghiệm, hòa quyện với thiên nhiên. Đó cũng là cách góp phần vào văn hóa đón xuân đậm đà của dân tộc.