Xuân Thiều như tôi đã biết

17-09-2019 12:59 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhà văn Xuân Thiều được vinh danh tại Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật 2016. Các tác phẩm đã in: “Đôi vai” (1961); “Một người lính” (1961); “Chiến đấu trên mặt đường” (1968); “Trời xanh” (1969); “Mặt trận kêu gọi” (1969); “Thôn ven đường” (1972, 1975); “Đi xa” (1973); “Khúc sông” (1974); “Từ một cánh rừng” (1975); “Bắc Hải Vân xuân 1975” (1977); “Khúc hát mở đầu” (1981, 1996); “Gió từ miền cát” (1989); “Xin đừng gõ cửa” (1994)... Những trang viết của ông thấm đẫm tình yêu đất nước của người lính.

Tôi biết nhà văn Xuân Thiều qua việc ông phát hiện và cùng một nhóm nhà thơ biên tập bản thảo của Phùng Khắc Bắc in trong tập thơ Một chấm xanh. Mà anh Phùng Khắc Bắc lại học cùng với tôi ở khóa 2 Trường viết văn Nguyễn Du (1983-1985). Bản tính anh Phùng Khắc Bắc trầm lặng, ít bộc lộ. Nhất là những sáng tác thơ, hầu như bạn bè cả khóa đều bị bất ngờ vì sau khi anh mất, nhờ nhà văn Xuân Thiều mới được công bố. Phải nhận thấy nhà văn Xuân Thiều cất công đến thế nào khi ông gặp chị Tuất (vợ anh Phùng Khắc Bắc) tìm kiếm, bản thảo, phân loại, biên tập, giới thiệu rộng rãi trên báo chí Trung ương để chúng ta biết được một giọng thơ thật lạ của Phùng Khắc Bắc, đến bây giờ đọc lại tôi vẫn còn cảm thấy sửng sốt.

Cũng vì mối cơ duyên với anh Phùng Khắc Bắc, tôi đưa nhà văn Xuân Thiều và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu về thăm lại quê anh ở Dĩnh Kế (Bắc Giang). Đêm hôm trước, chúng tôi nghỉ tại thị xã Bắc Giang (nay là thành phố Bắc

Giang). Nhà văn Xuân Thiều tỏ vẻ băn khoăn vì phố xá lúc bấy giờ tối quá, đèn đóm lom nhom, ông nói vói tôi: “Một thị xã trung du sầm uất nằm trên quốc lộ 1 của các ông mà còn thế này thì không hiểu đến bao giờ dân mình mới khá lên được”. Sớm hôm sau, chúng tôi đưa nhà văn Xuân Thiều đi thăm chợ Dĩnh Kế, thăm gia đình và ra viếng mộ anh Phùng Khắc Bắc. Sau chuyến đi ấy nhà văn Xuân Thiều có ngỏ ý với tôi nhờ tỉnh Hà Bắc tạo điều kiện ông về thâm nhập thực tế để chữa lại bản thảo tiểu thuyết của anh Phùng Khắc Bắc đã hoàn thành bản thảo ở trại viết quân đội Đồ Sơn (Hải Phòng). Cái tâm của nhà văn Xuân Thiều, ông chí tình chí nghĩa đến như thế nào mới tận tình đến vậy. Chỉ ân hận trong tôi vì sau đó mọi việc trôi đi, cho đến ngày ông mất, tôi chưa đưa được nhà văn Xuân Thiều trở lại thành phố Bắc Giang nay đã mở mang, đèn đường rực rỡ... để ông xóa đi mặc cảm một thời gian khó ấy.

Tôi biết nhà văn Xuân Thiều qua vợ tôi (Hương) học Sư phạm Văn Tây Bắc cùng thời với Hoa là cháu gái nhà văn Xuân Thiều quê Đức Thọ, Hà Tĩnh. Cuối những năm 79 đầu 80, mua vé tàu xe thật khó khăn, nằm chờ cả tuần mới đăng ký được vé. Xe lên Tây Bắc hàng tuần mới có một chuyến, chuyến nào cũng đông chật người và đủ các loại ưu tiên mới mua được vé. Nhà văn Xuân Thiều lúc đó công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội có thẻ nhà báo “ưu tiên” đã chen chúc, khổ sở nhiều lần mới mua được cho vợ tôi và cháu gái nhà văn 2 chiếc vé lên Tây Bắc. Trong một cuộc vui, nhà văn Xuân Thiều cười bảo tôi: Kim này, mày có biết thế nào không? Hồi ấy tao đã phải chui qua háng một thằng đứng trước mới mua được vé cho vợ mày ngược Tây Bắc đấy!”. Tôi chỉ biết cười và thầm cảm ơn ông.

Có những lúc, vợ tôi thường kể nhà văn Xuân Thiều là người rất nặng tình với quê hương. Hồi từ quê xứ Nghệ ra học rồi ngược rừng lên Tây Bắc được chú Xuân Thiều cưu mang. Những bữa cơm thân mật, ấm cúng tại gia đình ông, mặc dù có rất nhiều thức ăn nhưng bao giờ cũng có đĩa cà Nghệ. Trong không khí thật vui, ông đọc mấy câu thơ của nhà thơ Huy Cận mà ông tâm đắc: “Ai ơi cà xứ Nghệ /Càng mặn lại càng giòn / Ai ơi chè xứ Nghệ? Càng chát lại càng ngon”. Rồi ông nói: “Ăn cà để nhớ cái mặn mòi, gian khó của quê hương, cháu cố gắng mà học thật tốt...”.

Khi chuyển về Hà Nội, tôi có đến thăm nhà văn Xuân Thiều và gia đình ông ở “phố nhà binh” (Lý Nam Đế) và mời ông đi uống bia ngoài quán Hàng Hương gần nơi ông. Tôi nói với ông là tôi đã đọc hết cuốn tiểu thuyết Thôn ven đường của nhà văn. Nhà văn Xuân Thiều lảng sang chuyện khác: “Cuốn này thời gian lúc ấy phải viết thế không khác được. Nhưng tôi tâm đắc truyện Truyền thuyết Quán Tiên hơn, vì nó nhân bản hơn. Hệ lụy khi công bố truyện này trên tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi cũng bị nhắc nhở nhiều nhưng bù lại bạn đọc rất hoan nghênh vì truyện này dám đề cập đến vấn đề nhạy cảm trong chiến tranh. Tôi cũng được an ủi phần nào trong nghiệp cầm bút của mình”.

Lần cuối cùng trước khi ông mất, cách đây không lâu, tôi có đến thăm nhà văn Xuân Thiều. Nom dáng vẻ ông lộ sự mệt mỏi, ông bận bộ quần áo ngủ kẻ sọc, cái đầu lơ phơ mấy sợi tóc bạc như rung lên... Tôi hỏi thăm sức khỏe của ông. Nhà văn Xuân Thiều tâm sự: “Mình dạo này ngủ nhiều, giấc ngủ không được sâu. Lạ thế, có khi ngồi với ai đó tự nhiên díp mắt lại, không hiểu người ta nói gì”. Thế mới biết, vào một tuổi nào đó con người cũng khó giữ được sự minh mẫn và tỉnh táo như thời trai trẻ. Nhưng với nhà văn Xuân Thiều thì khác, ông vẫn còn đùa. Cái chất uy-mua ở ông vẫn không mất đi mà luôn hiển lộ: “Mấy hôm nữa Kim đến đi uống bia với mình, ra để ngắm bọn cháu gái ở quán, chúng nó xinh tươi thế mà mình thì già rồi, thế có chán không? Cáo ơi, nho còn xanh lắm và quá tầm tay với mà”. Ông cười, giọt nước mắt ứa ra...


Nguyễn Thanh Kim
Ý kiến của bạn