Ca phẫu thuật thành công của cầu thủ Xuân Son: Khẳng định niềm tin vào y tế Việt Nam
Trực tiếp phẫu thuật cho Xuân Son tối 6/1 sau chấn thương tại Thái Lan, chia sẻ với báo chí chiều nay - 7/1, GS.TS Trần Trung Dũng- Giám đốc chuyên ngành chấn thương chỉnh hình và cơ xương khớp, hệ thống y tế Vinmec mở đầu câu chuyện không phải bằng sự tự hào đã phẫu thuật thành công cho nam cầu thủ nổi tiếng này mà bằng chia sẻ: Với ca mổ này, chúng ta nhìn nhận đó là niềm tin của bệnh nhân, đặc biệt là người có điều kiện về tài chính đặt tin tưởng vào y tế Việt Nam.
"Tôi và ekip thực hiện công việc chuyên môn là phẫu thuật cho bệnh nhân, nhưng qua trường hợp của cầu thủ Xuân Son có thể thấy, các bệnh nhân có tài chính nói chung, các vận động viên nói riêng có cơ hội lựa chọn phẫu thuật, điều trị tại các nước có nền y tế phát triển, tuy nhiên cuối cùng vẫn chọn y tế Việt Nam"- GS.TS Trần Trung Dũng nói.
GS Dũng cho biết, ban đầu VFF, Câu lạc bộ bóng đá Nam Định có ý định đưa Xuân Son đến Hàn Quốc hoặc Nhật Bản để phẫu thuật, điều trị. Tuy nhiên, sau khi hội chẩn giữa chuyên gia y tế của đội tuyển từ Thái Lan với chuyên gia Vinmec tại Hà Nội ngay trong đêm 5/1 thì VFF, Câu lạc bộ và gia đình đã quyết định đưa cầu thủ này về Việt Nam để điều trị tại Vinmec.
Quyết định này dựa trên hai lý do chính. Thứ nhất, với chấn thương gãy xương, việc phẫu thuật trong vòng 24 giờ đầu tiên, hay còn gọi là "24 giờ vàng" là cực kỳ quan trọng.
"Ở thời điểm này, phần mềm xung quanh chưa bị sưng nề nghiêm trọng, tạo điều kiện tốt hơn cho quá trình can thiệp phẫu thuật. Nếu để quá 24 giờ, phù nề và tổn thương phần mềm sẽ khiến việc cố định xương gãy trở nên khó khăn hơn, đồng thời tăng nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật.
Với trường hợp với chấn thương gãy kín của Xuân Son, cho phép đạt kết quả tốt nhất trong 24 giờ, hoàn toàn kịp khi đưa cầu thủ này về Việt Nam để phẫu thuật"- GS Dũng phân tích.
Thứ hai, gia đình và Câu lạc bộ của Xuân Son có niềm tin vào hệ thống y tế trong nước, đặc biệt là tại Bệnh viện Vinmec. Đội ngũ bác sĩ tại đây không chỉ có chuyên môn cao mà còn rất am hiểu về y học thể thao - một lĩnh vực rất đặc thù (hiện Vinmec đã có bác sĩ đào tạo bài bản tại Anh về y học thể thao- PV).
"Đây là niềm tin của người bệnh với hệ thống y tế Việt Nam nói chung, Vinmec nói riêng thay vì trước đây có điều kiện thì bệnh nhân, vận động viên thường đi nước ngoài chữa trị"- GS.TS Trần Trung Dũng nói.
Cũng theo GS.TS Trần Trung Dũng, phẫu thuật chấn thương của Xuân Son hơi phức tạp, nhưng không quá khó khăn và đòi hỏi công nghệ cao siêu. Các bác sĩ khác ở nhiều bệnh viện khác nhau như Chợ Rẫy, Việt Đức... đều có thể thực hiện được.
"Quan trọng nhất vẫn là niềm tin của người bệnh, vận động viên dành cho y tế trong nước, cả công lập và tư nhân trong điều trị, chăm sóc sức khoẻ. Nếu không có niềm tin thì bệnh nhân có thể ra nước ngoài chữa trị. Khi người bệnh và gia đình tin tưởng vào hệ thống y tế trong nước, đó chính là động lực lớn nhất để chúng tôi tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trường hợp của Xuân Son không chỉ là thành công về mặt y khoa mà còn là biểu tượng cho sự tiến bộ của y học thể thao nước nhà"- GS.TS Trần Trung Dũng một lần nữa nhấn mạnh yếu tố niềm tin của người bệnh dành cho y tế Việt Nam.
Phẫu thuật thành công chỉ là 1/10 chặng đường trở lại đỉnh cao của Xuân Son
"Ca phẫu thuật cho nam cầu thủ Xuân Son được thực hiện ngay trong vòng 24 giờ sau chấn thương và đã thành công tốt đẹp, nhưng anh ấy có thể trạng người Châu Mỹ nên có thể nhanh chóng tăng cân, do đó làm sao duy trì cân nặng là vấn đề quan trọng. Phẫu thuật thành công chỉ là 1/10 mà chặng đường. Phía trước còn nhiều khó khăn. Để vận động viên duy trì và quay lại thể trạng là quan trọng nhất thì mỗi giai đoạn phục hồi, trị liệu phải tính toán kỹ, không điều chỉnh sẽ tạo áp lực lên chấn thương"- GS.TS Trần Trung Dũng chia sẻ và nói thêm: "Hiện Xuân Son đã có thể tự đi nạng trong phòng, sau 2-3 ngày tới là bắt đầu tập luyện phục hồi, với thời gian 6-8 tiếng/ngày".
"Bên cạnh xương gãy, chúng tôi cần phải theo dõi sát hàng ngày nguy cơ đụng dập cơ tiến triển và nguy cơ thuyên tắc mạch của Xuân Son. Bên cạnh theo dõi lâm sàng chúng tôi cần xét nghiệm men cơ hàng ngày, siêu âm doppler hàng ngày để phát hiện các vấn đề sớm nhất và xử lý ngay"- GS.TS Trần Trung Dũng nói.
Theo GS Dũng, đối với một vận động viên như Xuân Son, yêu cầu phục hồi là rất cao. Sau phẫu thuật, xương gãy cần được liền tốt, nhưng sức cơ, sức bền và phản xạ của anh cũng phải được phục hồi ở mức cao nhất để có thể trở lại thi đấu với cường độ cao. Đây là một thách thức lớn mà đội ngũ y tế đã lên kế hoạch kỹ lưỡng để giải quyết.
Ví dụ hôm nay mới mổ xong, chế độ ăn phải tính kỹ lưỡng từng ngày, cân đối mức phù hợp, không được thừa cân, sức cơ, chu vi đùi... phải được đo đếm chặt chẽ. Giai đoạn tiếp sau đó, cũng phải tính đến năng lượng calo phù hợp với thể trạng... "Câu chuyện này chúng tôi nghĩ còn "đau đầu" hơn cả trước khi phẫu thuật cho anh ấy"- GS.TS Trần Trung Dũng nói.
GS Dũng cho biết: "Ekip phẫu thuật và y bác sĩ của chúng tôi thay nhau theo sát bệnh nhân. Bệnh viện phân công BS Thắng có chuyên môn về y học thể thao, tốt nghiệp tại Anh theo sát bệnh nhân, tính toán calo cho từng thời điểm phù hợp với sức khỏe bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, các bác sĩ sẽ chia quá trình điều trị thành nhiều giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn liền xương, thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Trong thời gian này, chúng tôi tập trung vào việc đảm bảo xương gãy được cố định tốt và liền tự nhiên mà không gặp biến chứng.
Đồng thời, chúng tôi phải duy trì sức cơ và kiểm soát cân nặng cho Son, vì khi giảm vận động, cơ thể dễ tăng cân nếu chế độ dinh dưỡng không được điều chỉnh phù hợp.
Sau khi xương liền, anh ấy sẽ bước vào giai đoạn tập luyện phục hồi, bao gồm tăng cường sức cơ, cải thiện phản xạ khớp, và tập luyện chuyên môn cao.
Giai đoạn này kéo dài từ 5 đến 6 tháng. Đây là giai đoạn yêu cầu khắt khe nhất, với cường độ tập luyện lên tới 6-8 tiếng mỗi ngày để đưa cơ thể trở lại trạng thái thi đấu đỉnh cao".
"Đa phần chấn thương thể thao trong nước và quốc tế phổ biến là chấn thương dây chằng và khớp. Với trường hợp Xuân Son, tổn thương phần thân xương, sơ bộ dây chằng và khớp gối, thân xương hiện không có vấn đề gì. Tuy nhiên, để trở lại đỉnh cao, đôi khi phụ thuộc vào may mắn của vận động viên và mức độ tổn thương"- GS.TS Trần Trung Dũng cho biết thêm.
Đối với các chấn thương liên quan đến khớp và dây chằng, sự phục hồi đôi khi có thể dựa vào yếu tố may mắn. Tuy nhiên, với trường hợp gãy xương của Xuân Son, chỉ cần quá trình liền xương tốt và phục hồi đúng cách, khả năng trở lại với 100% phong độ là hoàn toàn có thể.
Thời gian liền xương khoảng 2-3 tháng. Sau khi liền xương thì đến giai đoạn tập luyện chia ra các giai đoạn nhỏ. Cầu thủ này có thể mất thêm 6 tháng nữa để phục hồi sức cơ, phản xạ khớp, sức bền.
Nếu quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi và tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn, anh hoàn toàn có thể trở lại phong độ 100% trong vòng 8-9 tháng.
Tuy nhiên, theo GS Dũng, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm và nỗ lực của chính Son, cũng như sự đồng bộ trong kế hoạch điều trị và tập luyện. Thành công không chỉ nằm ở đội ngũ y tế mà còn ở sự kiên trì và ý chí của bản thân cầu thủ, về chiến lược tập luyện của câu lạc bộ.
Các y bác sĩ thăm khám cho Xuân Son kỹ lưỡng trước khi phẫu thuật và ca phẫu thuật thành công sau gần 2h đồng hồ.
GS.TS Trần Trung Dũng cũng chia sẻ: "Qua trường hợp của cầu thủ Xuân Son cũng cho thấy câu chuyện quá tải với vận động viên. Chúng tôi nhìn từ góc độ chuyên môn thấy ngay, có cả vận động viên phong trào chạy gần về đích thì ngã gãy xương.
Xuân Son đã thi đấu liên tục ở các cấp độ, từ câu lạc bộ đến đội tuyển quốc gia, với cường độ cao và rất ít thời gian nghỉ ngơi... Đây là biểu hiện của quá tải, ngã là gãy do chất lượng xương tại chỗ yếu, nên đường gãy rộng".