Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ: Từ đường tình yêu, nghệ thuật đến... tên phố

20-11-2021 07:55 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ là cặp vợ chồng được giới nghệ sĩ, công chúng nể trọng, yêu mến bởi tài năng và các tác phẩm nghệ thuật họ để lại cho đời.

Nỗi niềm văn nghệ sĩ với người "nằm xuống" trong dịch COVID-19 Nỗi niềm văn nghệ sĩ với người 'nằm xuống' trong dịch COVID-19

SKĐS - Dịch COVID-19 lần thứ 4 đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.000 người dân ở nước ta, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ được công chúng yêu mến.

Xanh thẳm chuyện tình

Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ sinh ra dường như để đến với nhau rồi cùng nắm tay nhau trọn một kiếp người. Cả hai từng qua một lần đò, sau đó yêu nhau và đi đến hôn nhân năm 1973 với bao định kiến của thời bấy giờ. 

Nhưng 15 năm sau, lúc Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đang ở đỉnh cao, độ chín của sự nghiệp văn chương nghệ thuật thì chuyện đau lòng xảy tới.

Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ: Từ đường tình, nghệ thuật đến tên phố - Ảnh 2.

Vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.

Ngày 29/8/1988, nền văn học nghệ thuật Việt Nam đau đớn với tin Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cùng con trai út qua đời trong một tai nạn giao thông tại Hải Dương, trên đường về Hà Nội. Lưu Quang Vũ khi ấy 40 tuổi, Xuân Quỳnh 46 tuổi và con trai 13 tuổi. 

NSƯT Lê Chức, người bạn thân thiết với vợ chồng nghệ sĩ tài hoa đoản mệnh chia sẻ, hai người đến với cuộc đời như một thiên sứ, họ rời bỏ chúng ta, lặng lẽ về thiên đường sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình.

Tình yêu của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ được bạn bè, các thế hệ sau này ngưỡng mộ. Khi xa nhau, Lưu Quang Vũ viết thư gửi vợ với bao câu chữ nồng nàn, yêu thương vô bờ bến. Ngược lại, Xuân Quỳnh thổ lộ tình yêu với chồng qua không ít bài thơ. 

"Vũ luôn dành trái tim trọn vẹn của mình cho Quỳnh", NSND Doãn Châu – người bạn thân, đồng nghiệp và cũng là hàng xóm của Lưu Quang Vũ ngày nào, chia sẻ.

Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ: Từ đường tình, nghệ thuật đến tên phố - Ảnh 3.

Những tư liệu, hình ảnh của vợ chồng nghệ sĩ được trưng bày trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất.

Theo NSND Doãn Châu, nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ là bạn văn chương của nhau, ở họ có một sự đồng điệu về tâm hồn và tình yêu. Ban đầu, gia đình hai bên ngăn cản do cùng chung sống ở khu tập thể, sẽ khó tránh khỏi va chạm. Nhưng rồi họ quyết tâm về sống cùng nhau và thành quả của hạnh phúc ấy là con trai Lưu Quỳnh Thơ (đã mất trong tai nạn cùng bố mẹ).

"Những bức thư gửi từ Liên Xô về, các bài thơ từ Sài Gòn ra của Lưu Quang Vũ dành cho Xuân Quỳnh và ngược lại có thể khiến người đời ghen tị. Những bài thơ tình đó đã có mặt trong cuốn sổ tay gối đầu giường của rất nhiều cặp tình nhân thời thanh niên sôi nổi của chúng tôi", NSND Doãn Châu cho biết.

Tác phẩm của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ sống mãi

Hơn 30 năm Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ về với thế giới người hiền nhưng những tác phẩm văn chương, sân khấu của họ để lại còn sống mãi với thời gian, công chúng. Với những đóng góp cho sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà, Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ là cặp vợ chồng duy nhất ở Việt Nam đến hiện tại đều đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ: Từ đường tình, nghệ thuật đến tên phố - Ảnh 4.

Những tác phẩm thơ của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ được xuất bản thành sách gần đây.

Trong hành trình văn chương, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh nổi tiếng với nhiều những bài thơ đã đi vào lòng của biết bao nhiêu thế hệ như: Thuyền và Biển, Sóng, Tiếng gà trưa, Thơ tình cuối mùa thu, Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh,... Các bài thơ Sóng, Chuyện cổ tích về loài người được đưa vào sách giáo khoa phổ thông của Việt Nam. Trong khi đó Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, trở thành ca khúc đi cùng năm tháng.

PGS. TS. Lưu Khánh Thơ nhận định, dù đi vào những vấn đề lớn của đất nước hay trở về với tình cảm riêng tư, thơ Xuân Quỳnh bao giờ cũng là tiếng nói rất riêng của một tâm hồn phụ nữ thông minh, sắc sảo, đầy nữ tính. Đến với thơ Xuân Quỳnh, người đọc gần như hình dung được nữ thi sĩ sống ra sao, đã yêu thương day dứt những gì. Lấy sự chân thực làm điểm tựa cho các cảm xúc sáng tạo, thơ Xuân Quỳnh chính là đời sống, tâm trạng thật của bà trong mỗi bước vui buồn của đời sống.

Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ: Từ đường tình, nghệ thuật đến tên phố - Ảnh 5.

Những bản thảo thơ, di cảo của Lưu Quang Vũ.

Lưu Quang Vũ lại là người nghệ sĩ tài năng trong cả thơ ca và sân khấu. Với thơ, ông có khoảng 200 tác phẩm để lại và có những bài thơ nổi tiếng: Và anh tồn tại, Tiếng Việt, Vườn trong phố, Hương cây, Mây trắng của đời tôi, Bầy ong trong đêm sâu...

Đặc biệt Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ cho thấy rõ cả tiếng nói đời sống và tâm hồn, là tâm tuệ con người, là hồn thiêng đất nước, là nỗi lòng với niềm tự hào của mỗi con dân đất Việt, kể cả người xa xứ: Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/ Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya. Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: "Thơ của Lưu Quang Vũ có chiều sâu văn hóa".

Ngoài thơ, Lưu Quang Vũ được biết đến hơn cả trong vai trò nhà viết kịch, ông để lại hơn 50 kịch bản, hầu hết đều là những tác phẩm kinh điển của sân khấu Việt Nam: Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Cô gái đội mũ nồi xám, Lời nói dối cuối cùng, Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Mùa hạ cuối cùng, Lời thề thứ 9, Tin ở hoa hồng, Sống mãi tuổi 17, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Bệnh sĩ, Huyền thoại Đam San, Nàng Sita, Ngọc Hân công chúa…

Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ: Từ đường tình, nghệ thuật đến tên phố - Ảnh 6.

Cảnh trong vở Tin ở hoa hồng (kịch bản Lưu Quang Vũ) do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng.

Ra đời từ nhiều chục năm trước nhưng các kịch bản sân khấu của Lưu Quang Vũ đến tận hôm nay vẫn được nhiều nhà hát kịch đưa lên sàn diễn, luôn thu hút khán giả. NSND Lê Tiến Thọ đánh giá, kịch Lưu Quang Vũ đầy ắp tính triết lý, nhưng cũng rất nhân văn, luôn hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Kịch của tác giả họ Lưu luôn đề cập đến những vấn đề bức xúc của xã hội, phản ánh các vấn đề thời sự nóng bỏng nhưng không sao chép đời sống một cách máy móc, đơn thuần, mà ông thao thức, đau đáu với mỗi cuộc đời, xã hội.

Hà Nội sẽ có phố Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ?

Mới đây, bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở VH-TT Hà Nội cho biết, hồ sơ đề xuất đặt tên đường theo tên vợ chồng nghệ sĩ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đã được hoàn tất, Sở vừa gửi lên UBND TP. Hà Nội để trình HĐND TP. Hà Nội. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến tháng 12/2021, khi có quyết định chính thức, việc cắm biển đặt tên phố Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ sẽ được thực hiện.

Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ: Từ đường tình, nghệ thuật đến tên phố - Ảnh 7.

Góc nhỏ tại căn phòng nhỏ 6m vuông ở phố Huế (Hà Nội) gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cùng con trai từng sinh sống.

Theo hồ sơ trình HĐND TP. Hà Nội, phố Xuân Quỳnh dự kiến bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà UDIC tại phường Trung Hòa. Phố dài 470m, rộng 10m. Trong khi đó, phố Lưu Quang Vũ dự kiến từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện trường THCS Yên Hòa. Chiều dài phố là 430m, rộng 17,5 - 26m.

Việc thành phố Hà Nội đề xuất đặt tên phố Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ làm những người yêu mến vợ chồng nghệ sĩ không khỏi vui mừng, đây như một sự tôn vinh, ghi nhận đóng góp, cống hiến của vợ chồng nghệ sĩ cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

Thực tế, trước Hà Nội, TP. Quy Nhơn (Bình Định) đã có đường Lưu Quang Vũ, TP. Đà Nẵng có cả phố mang tên hai người, TP. HCM cũng đã đặt đường mang tên tác giả bài thơ Sóng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

MV "Tiếng chuông ngân trong gió" do ca sĩ nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng sáng tác, tưởng nhớ nạn nhân COVID-19. (Nguồn video: Youtube Hùng Nguyễn Bá).


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn