Chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân Quê hương” với chủ đề “Đất nước niềm tin và khát vọng” diễn ra tối 14/1 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần), tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu, trong đó có 1.000 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên lề chương trình, nhiều kiều bào chia sẻ cảm xúc, niềm vui khi được tận hưởng không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc; đồng thời gửi gắm những kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm 2023 và chia sẻ những dự định của bản thân để góp phần giúp quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp trong thời gian tới.
Trọn vẹn hai tiếng quê hương
Không giấu được niềm xúc động khi tham dự chương trình năm nay, chị Nguyễn Thị Kim Thoa, sinh năm 1968, kiều bào Ba Lan, cho biết sau hơn 26 năm bận rộn với kinh doanh và công việc gia đình, trở về nước trong không khí Tết nhộn nhịp khắp mọi nơi, trong lòng chị dâng lên cảm giác hạnh phúc.
Ở Ba Lan, vào ngày Tết Nguyên đán, mọi người vẫn đi làm, học sinh đi học bình thường.
Không khí Tết Nguyên đán chủ yếu được thể hiện trong từng gia đình với bánh chưng xanh, dưa hành, canh măng, cành đào, giỏ quất, mứt dừa... rất đầy đủ, nhưng chị “vẫn thấy thiếu” vì nhớ không khí ở Việt Nam và cảm giác được sum vầy bên gia đình.
Dù sống xa quê hương nhiều năm, chị Kim Thoa vẫn nhớ như in không khí của ngày 30 Tết, cả nhà sum họp, thành tâm dâng bữa cơm Tất niên cúng tổ tiên hoặc quây quần bên bếp lửa canh nồi bánh chưng mùi thơm nghi ngút.
Gia đình chị Thoa hiện vẫn giữ gìn những nét đẹp truyền thống của ngày Tết Việt như thắp hương ông bà tổ tiên; đi thăm và chúc Tết người thân; tặng bao lì xì cho con cháu...
Trong những ngày này, chị lại kể cho các con nghe những ký ức về ngày “Tết ta,” nhất là không khí của ngày 30 Tết, cả nhà sum họp, thành tâm dâng bữa cơm Tất niên cúng tổ tiên; được quây quần bên bếp lửa canh nồi bánh chưng.
“Ôn lại những kỷ niệm quý giá, tôi muốn các con biết và hiểu những phong tục, tập quán ngày Tết quê hương, để các con ghi nhớ và tiếp tục giữ gìn truyền thống, cội nguồn dân tộc,” chị Thoa chia sẻ.
Chị Kim Thoa đánh giá cao chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong suốt những năm qua; qua đó khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc.
Các chủ trương, chính sách đã giải quyết nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài, liên quan đến quốc tịch, phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; đồng thời, đẩy mạnh đưa Tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại địa bàn có đông người Việt sinh sống.
“Tiếng Việt đối với thế hệ thứ 2, thứ 3 là điều rất cần thiết, phải tập trung các phương án tốt nhất để dạy cho con em chúng ta biết đọc, viết Tiếng Việt để các cháu còn biết đến cội nguồn, tổ tiên, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam,” kiều bào Ba Lan chia sẻ.
Một mùa Xuân tràn đầy niềm vui và lạc quan
Chung cảm nhận với kiều bào Ba Lan, anh Etcetera Nguyễn (tên khai sinh là Nguyễn Quang Trường), kiều bào Mỹ, tâm sự Tết đến, Xuân về, bà con người Việt từ khắp các châu lục lại háo hức trở về quê hương đón Tết, đoàn viên với người thân, gia đình, bạn bè. Những ngày này, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, mọi người Việt Nam đều háo hức chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.
“Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không khí đón Tết năm nay đặc biệt hơn, sôi động và tràn đầy sức sống hơn hẳn, báo hiệu mùa xuân mới tràn đầy niềm vui và lạc quan đến với mọi người,” anh Etcetera Nguyễn hào hứng chia sẻ.
Cũng theo anh Etcetera Nguyễn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn.
Vai trò, vị thế, uy tín của kiều bào trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao. Người Việt ở nước ngoài ngày càng nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò đóng góp tích cực của mình đối với Tổ quốc bằng những việc làm cụ thể.
Cùng với đó, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao sự đóng góp của kiều bào với sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực. Kiều bào cũng là cầu nối hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, thúc đẩy hoạt động ngoại giao nhân dân phát triển thuận lợi.
Với tư cách một nhà báo, anh Etcetera Nguyễn cho biết hiện nay, các tin, bài về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những biến chuyển tích cực trong đời sống kinh tế-xã hội ở Việt Nam được thông tin đầy đủ, chân thực và khách quan. Nhờ đó, bà con sống xa quê hương có thể nắm bắt mọi thông tin nhanh chóng, chính xác; góp phần xóa bỏ những mối nghi hoặc, "bẻ gãy" những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch.
Bước sang năm 2023, với những thành tựu gặt hái được trong năm qua, anh Etcetera Nguyễn nhấn mạnh, tinh thần của người dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài rất phấn khởi và tự hào.
Phát huy vai trò của các kiều bào tiêu biểu
Là một trong những kiều bào tích cực tham dự các hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Xuân Quê hương” năm nay, Tiến sỹ Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc bày tỏ ấn tượng với các buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các kiều bào để lắng nghe tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của bà con.
Qua các hoạt động, ông và các kiều bào đều cảm nhận được sự trân trọng, tình cảm, trách nhiệm của các lãnh đạo đất nước với kiều bào xa quê hương, góp phần khẳng định mạnh mẽ hơn nữa thông điệp kiều bào là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Được về Việt Nam đón Tết Nguyên đán, anh Trần Hải Linh chia sẻ cảm xúc hạnh phúc xen lẫn tự hào khi được hưởng không khí Tết sôi động, tươi vui, cảm nhận được trọn vẹn không khí đầm ấm của từng gia đình.
Xen lẫn niềm vui ngày đoàn viên, anh còn cảm thấy tự hào trước những nỗ lực vượt qua khó khăn của đất nước khi vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi kinh tế-xã hội, tiếp tục đưa đất nước hòa nhập sâu rộng với quốc tế. Đây cũng là những thông điệp anh sẽ chia sẻ với cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc khi trở về nước sở tại làm việc.
“Trước rất nhiều khó khăn thách thức, song kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới trong đó có doanh nhân, doanh nghiệp, chuyên gia, trí thức... luôn là sợi dây kết nối giao thương, thắt chặt các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch... tạo nguồn kiều hối phong phú, góp thêm nguồn lực cùng Đảng, Nhà nước phát triển kinh tế-xã hội, xúc tiến giao thương và đầu tư trong thời gian tới,” anh Trần Hải Linh cho biết.
Chia sẻ về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan tới công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, anh Trần Hải Linh đánh giá cao việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư Việt Nam với các nước trên thế giới, trong đó, lấy chất lượng, hiệu quả, lấy sản phẩm công nghệ cao, bảo vệ môi trường và giá trị thặng dự kinh tế là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, có phương thức quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
“Để thực hiện mục tiêu đó, cần tăng cường và phát huy vai trò của các kiều bào tiêu biểu - người có trình độ, hiểu biết cả hai phía - trong công tác hỗ trợ các cơ quan chức năng của Việt Nam đề ra chương trình, kế hoạch hợp tác với các nước trên thế giới,” Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc đề xuất./.