Hà Nội

Xuân mới ở bản Mường Nhé

01-02-2009 12:10 | Thời sự
google news

Mường Nhé, bản vùng cao tít tắp của Châu Mường Tè - một trong 18 châu của Khu Tự trị Thái Mèo (năm 1961 được tách thành 3 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ) - vào những năm 60 của thế kỷ trước.

Mường Nhé, bản vùng cao tít tắp của Châu Mường Tè - một trong 18 châu của Khu Tự trị Thái Mèo (năm 1961 được tách thành 3 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ) - vào những năm 60 của thế kỷ trước.

Đội y tế lưu động của chúng tôi chỉ có 3 người: tôi - y sĩ chuyên về thần kinh mới ra trường, xung phong tình nguyện lên Tây Bắc. Cậu Hương, dân tộc Mường, quê ở châu Phù Yên, và Hiệp, người Thái Bình, cả hai đều là y tá mới tốt nghiệp từ Trường Y sĩ Khu Y tế Thái Mèo. Chúng tôi được Sở Y tế giao nhiệm vụ lên Mường Tè để làm chuyên môn - vì lúc này, đồng chí y sĩ Trưởng trạm xá Mường Tè đã về học bổ túc văn hoá, rồi đi học lên bác sĩ. Đồng thời, chúng tôi kết hợp khám tuyển nghĩa vụ quân sự, và sưu tầm số liệu hoạt động để đóng góp vào báo cáo tổng kết hoạt động y tế của Khu. Trong 3 người, thì tôi "già" hơn cả, khi đó, ở tuổi 21. Còn Hiệp, 20 và Hương, em út, tuổi 19. Ba chúng tôi, tuy mỗi người một quê, nhưng quen nhau rất nhanh, vì cả tuổi tác lẫn chuyên môn cũng chỉ "trứng gà, trứng vịt" nên gần gũi nhau thật tự nhiên và chân thành như anh em một nhà.

Từ Thuận Châu - "tổng hành dinh" của Sở Y tế khu, chúng tôi đi nhờ ô tô tải bên Liên hiệp Dược chở thuốc lên Mường Lay, sau một ngày đêm, "bò" qua đèo Pha Đin cao chót vót, rồi tiếp là đèo Cla Vô hiểm trở, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thẳm, đường lại đầy ổ voi, từng khối đá hộc to đùng, đường lại hẹp, chỉ vừa hơn một thân xe, muốn tránh xe ngược chiều thì phải cái tiến, cái lùi, lựa đến chỗ rộng hơn để tránh nhau. Mà xe đi rất xóc, đầu nẩy đụng trầ n, đau ê ẩm!. Chuẩn bị vượt đèo Mường Mô, chúng tôi gói cơm nắm, muối vừng, vài chục quả cam để giải khát (cam mua ở Pa Ham, khi xe dừng lại, rất rẻ - một đồng mua được hai ba chục trái, rất ngọt). Biếu gia chủ chục quả, rồi ba anh em lên đường, rất sớm, quãng 3 giờ sáng. Chúng tôi hăm hở leo dốc, vì sức khoẻ còn tốt sau khi được dưỡng sức mấy ngày... Quá trưa, vẫn chưa đến đỉnh đèo. Mồ hôi mồ kê bắt đầu vã ra. Câu chuyện rôm rả lúc đầu thưa dần, cậu nào cậu nấy đều bắt đầu thấm mệt. Ai cũng muốn nghỉ lại ít phút cho lại sức. Giở cam ra ăn cho đỡ khát, tìm khe suối bên đường kiếm ngụm nước vã lên mặt, thấm vào khăn tay, vắt vai cho đỡ nóng. Đi tiếp, càng lên, lại càng cao, càng mau mệt... Thấm mệt, chúng tôi cứ để nguyên ba lô trên vai, lăn mình lên thảm cỏ tranh nằm nghỉ. Thấp thoáng bóng mấy cô gái dân tộc đi ngược chiều, nhìn thấy chúng tôi, cũng nghỉ lại bắt chuyện. Thì ra các cô là cán bộ cơ sở, trên đường xuống tỉnh và khu để học thêm văn hóa. Cô nào cô nấy đều trẻ trung, khỏe mạnh, làn da trắng hồng, hàm răng đều đặn, trắng bóc, nụ cười tươi tắn. Các cô không quên dặn chúng tôi phải cẩn thận khi uống nước ở suối dọc đường, vì ở đó, thường có con "tắc te" (thuộc họ đỉa, nhưng nhỏ như sợi tóc, bơi trong nước rất khó biết). Ai chẳng may uống vào, nó cắm sâu vào niêm mạc mũi họng, "bám trụ" ở đó hút máu ngày này qua tháng khác... Sau này, khi về Bệnh viện Khu, tôi được các anh bên khoa Tai Mũi Họng cho xem các con tắc te được gắp ra từ họng hầu của người bệnh, tím đen máu, to gần bằng quả chuối vì đã nằm ở đó lâu ngày...

Ngày lên biên giới của chúng tôi đến gần. Châu ủy, ủy ban đã trao đổi với bên Châu đội, và Công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng), cử hai chiến sĩ đi cùng đội y tế, với nhiệm vụ bảo vệ, giao dịch với địa phương. Đó là hai chiến sĩ người dân tộc có sức khoẻ tốt và rất nhanh nhẹn, mang theo vũ khí. Lúc đầu, chúng tôi ngại phiền, nhưng các anh lãnh đạo đã nói rằng vừa trước đó ít ngày, đội y tế lưu động châu Sìn Hồ đã bị bọn phỉ phục kích, chúng đã bắn chết một anh y tá, và cướp đi túi thuốc. Vì thế, việc cử các chiến sĩ đi cùng là cần thiết.

Mường Nhé, một bản xa xôi miền cực Tây của Tổ quốc đây rồi! Không xa nữa, là Leng Xu Sìn, A Pa Chải, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ, những địa danh mà nơi tiếng gà gáy ba nước cùng nghe tiếng. Thanh niên các dân tộc vùng này lần lượt tập trung về để được khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Một tuần lễ trôi qua, mọi việc đều thông đồng bén giọt, chúng tôi được bà con nhiệt tình giúp đỡ. Đồng chí quân y sĩ của đồn biên phòng luôn sát cánh cùng chúng tôi trong mọi công việc. Sau mỗi ngày, lại quây quần bên chiếc đài bán dẫn, nghe tin tức, ca nhạc, tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đêm trước hôm trở về, nhà chủ nơi chúng tôi trú ngụ hơn tuần qua, xảy ra vụ "ông ba mươi" (là hổ rừng mà bà con gọi tránh như vậy) vồ mất chú lợn, ngay ở đầu nhà, lúc nhá nhem tối. Chỉ nghe tiếng "éc" thắp đuốc xuống xem, thấy chú lợn đã mất tăm. Sáng hôm sau, vết chân hổ còn hằn rõ trên mặt đất. Ông bảo, con hổ này to đấy, có khi đến hàng tạ. Nhưng điều mà ông lo lắng, chính là bà vợ ông đã chuyển dạ, sau mấy kỳ sinh toàn con gái, vẫn chưa "vượt cạn" được. Ông gọi chúng tôi nhờ cậy. Tôi lo thật sự, vì khi học nghề y, môn sản khoa là môn mà tôi ngại học nên kém nhất. Vội lên đồn biên phòng, cầu cứu anh quân y sỹ. Hai anh em, cùng cậu Hiệp, Hương phân công nhau. Kiểm tra, thấy sản phụ sức yếu, huyết áp thấp, cần có thời gian để nâng thể trạng, huyết áp, bằng thuốc trợ tim mạch và truyền dịch, sưởi ấm cho sản phụ nữa. Chúng tôi nấu cho bà bát cháo gà nóng, động viên bà yên tâm, tin tưởng vào y tế, giữ sức khoẻ để khi cần hãy rặn đẻ, không nên để mất sức. Chúng tôi thắp ngọn đèn măng xông, rửa tay, sắp xếp dụng cụ để cắt nới tầng sinh môn, cho đầu thai dễ lọt. Cậu Hiệp nhận nhiệm vụ làm "chuyên viên dụng cụ", Hương xung phong hỗ trợ cho Hiệp, và bảo tôi, đưa cậu ấy cái "lèn pin" (đèn pin), để soi ánh sáng tập trung vào hạ bộ của sản phụ. Sau gần nửa giờ căng thẳng, cháu bé đã lọt được ra ngoài, tôi đỡ lấy và bọc lại qua tấm ga sạch, lấy miếng gạc luồn vào miệng lau hết rãi rớt, rồi vỗ vào lưng cháu kích thích, nó bật lên tiếng khóc oa oa chào đời khá to, vang cả ngôi nhà sàn...

Thật là hạnh phúc cho gia đình, đó là một cháu trai khá to! Khi chúng tôi gọi, ông chủ nhà chạy vào và mừng vui khôn tả. Ông mừng đến tràn nước mắt, nói không nên lời. Mấy đứa con gái của ông cũng ùa vào, líu ríu mừng rỡ như một đàn chim. Hôm sau, ông mời chúng tôi dự cùng gia đình và bà con của bản Mường Nhé bữa ăn liên hoan chia vui, và cũng để chia tay đoàn công tác. Hôm ấy, ông vui vẻ, hoạt bát khác hẳn ngày thường. Đang say sưa kể chuyện tâm tình, ông quay sang tôi và anh quân y sĩ bảo, nhờ có các anh, mà cậu con trai bao năm mong ước của gia đình đã được sinh ra. Bây giờ, hai anh hãy đặt cho nó một cái tên, để ít năm nữa, thế nào vợ chồng con cái nhà này cũng về thăm quê nội Thái Bình. Tôi và anh quân y sĩ hơi bất ngờ, rồi sau một hồi bàn bạc, chúng tôi cùng đưa ra tên của chú bé là Xuân Tân, có nghĩa là Mùa Xuân Mới. Cái tên đó đã được mọi người tán thành. Đêm hôm đó, thật vui, một đêm chúng tôi được tận hưởng thi vị đầm ấm của tình quân dân thắm thiết, của tình đồng nghiệp gắn bó.

Giờ đây, Xuân Tân đã ở tuổi xấp xỉ 50 chín chắn.

BS. Lâm Đức Hùng


Ý kiến của bạn