Hà Nội

Xuân Diệu với âm nhạc dân tộc

10-04-2016 11:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đã từ lâu trong những người yêu thơ thường gọi Xuân Diệu là “ông vua thơ tình”, hoặc nói “Xuân Diệu là người mở đầu phong trào thơ mới”.

Đã từ lâu trong những người yêu thơ thường gọi Xuân Diệu là “ông vua thơ tình”, hoặc nói “Xuân Diệu là người mở đầu phong trào thơ mới”. Nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của ông, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam lại nói thêm: “Xuân Diệu với văn hóa dân tộc”. Vấn đề, mới nghe thấy hơi lạ bởi nếu chỉ nghĩ rằng Xuân Diệu là nhà thơ tình, nhà thơ mới, nhưng càng nghe, càng đọc, càng thấy rõ thêm Xuân Diệu rất yêu thích hát bội (tuồng), bài chòi, hát xẩm, ca trù, chầu văn, trống quân... thì mới thấy Xuân Diệu là một thi sĩ toàn diện, một người mang tâm hồn dân tộc, cả cuộc đời gắn kết với nền văn hóa dân tộc, đặc biệt ông rất yêu thích âm nhạc dân tộc. Mở đầu tiểu luận về Á nam Trần Tuấn Khải - những bài hát Anh Khóa của Á nam Trần Tuấn Khải, Xuân Diệu nhắc tới nhận xét của Vũ Ngọc Phan: “Đến những bài hát của Trần Tuấn Khải, thì tuyệt hay. Về loại này, Nguyễn Khắc Hiếu cũng phải thua ông”. Tôi chú ý nhiều Xuân Diệu nói về hát xẩm trong thơ của Á nam Trần Tuấn Khải, ông viết: ...Hát xẩm và câu hát vặt đều lấy lục bát làm cơ sở nhưng điệu hát xẩm nhanh nhẹn, đon đả, chỉ đệm thêm một số ít tiếng chữ vào câu sáu, tám thôi, còn câu hát vặt thì ngâm nga chậm rãi theo giọng sa mạc, dù gặp câu văn ngắn gọn chỉ có nguyên sáu cộng tám thì giọng ngâm vẫn cứ ngâm dài ra. Vì vậy mà viết lời cho câu hát vặt thì thật là linh hoạt, dễ dắt vào nhiều ý tứ trong một câu, câu này có thể nâng rộng ra rất nhiều... Qua mấy ý về hát xẩm, hát vặt, chúng tôi thấy nhà thơ Xuân Diệu rất sành âm nhạc dân gian miền Bắc...

Nhà thơ Xuân Diệu.

Là nhà thơ tài năng, Xuân Diệu còn giỏi cả về văn nghệ dân gian nói chung trong công trình tiểu luận Á nam Trần Tuấn Khải. Nhưng bài hát Anh Khóa của Á nam Trần Tuấn Khải, Xuân Diệu phân tích quá hay về phương diện âm nhạc dân gian. Là người nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc dân tộc, tôi vô cùng yêu kính Á nam Trần Tuấn Khải. Tôi đã hát hàng trăm lần tác phẩm của Á nam Trần Tuấn Khải trên sân khấu và đang chuẩn bị hội thảo về Á nam Trần Tuấn Khải nhân 121 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của ông (1896-2016).

Thú thật, lâu nay chúng tôi học thơ của Á nam Trần Tuấn Khải để biểu diễn phục vụ nhân dân là chính mà chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ về con người và sự nghiệp của ông. Nay đọc kỹ công trình nghiên cứu của Xuân Diệu mới thấy hết tài năng, công lao của Á nam Trần Tuấn Khải trong đó có phần âm nhạc dân tộc mà nhà thơ Xuân Diệu đã phân tích một cách sâu sắc, đúng như nhận định của GS. Hoàng Chương trong báo cáo đề dẫn là: “Xuân Diệu không chỉ là nhà thơ lớn, nhà thơ hàng đầu mà còn là nhà nghiên cứu âm nhạc chuyên nghiệp...”.

Xuân Diệu viết: “...Đồng bào ngoài Bắc chắc cũng không ngờ cho hết rằng điệu ngâm “sa mạc” của “Xứ Bắc kỳ” đã làm mê lòng bà con trong Nam chúng tôi đến mức nào. Dân “Trung kỳ” như tôi mê nhất bài hát ở Bắc chính cống mà là người xứ Nghệ, người Quy Nhơn, nhưng đi ra Bắc (50 năm trước) học “mót” được ngâm “sa mạc” ở Hà Nội, về ngâm “lơ lớ” ấy thế mà tôi cũng tìm đến để nghe cho được. Còn dân Nam kỳ thì, như kép cải lương Năm Châu nổi tiếng, lên sân khấu trong Nam cũng ngâm “sa mạc” làm cho cả rạp tán thường xuýt xoa...”.

Nhà thơ Xuân Diệu ham mê âm nhạc dân gian mà xâm nhập rất sâu vào các cuộc hát xướng ở sân đình, bãi chợ: Ở đó có những cuộc hát thi cửa đình để chọn đào hay, kép giỏi, còn các cuộc thi bình thường thì gọi là hát chơi và đúng theo khuông bực, uốn nắn từng tiếng cho thực hay, lên xuống cho tròn vành, ngâm cho bẻ bại rõ chữ, tiếng nào cũng có dư âm rên rỉ, phải dụng công lấy tiếng gằn từ trong cổ họng, không có tiếng nào thừa ra ngoài đàn. Xuân Diệu còn biết cả các điệu Bắc Phảy, gửi thơ nhịp ba cung Bắc, ngâm vọng (tương truyền do vua Lê đặt ra). Xuân Diệu nói về nữ cầm giả (Long thành cầm giả ca) một đào nương, chỉ cần thốt lên “Em sẽ bứt dây” là người trí thức thuở trước hiểu rằng đây không phải là hạng đàn hát tầm thường, dung tục, mà đây là một tâm hồn nghệ sĩ như nàng Tiểu Lâm, chỉ đàn cho người mình yêu, cho người hiểu mình, không phải tri âm thì bứt đàn...”.

Trong tiểu luận dài về Á nam Trần Tuấn Khải, ta thấy Xuân Diệu cực kỳ mê hát xẩm, ông đã dám bỏ 15 đồng xu (thời đó 3 xu 1 bát phở chín), tài sản của một học sinh chi phí trong một tháng để mua một cái chỗ nghe hai vợ chồng người hát xẩm (chồng đàn vợ hát) kể những nông nổi ly biệt:

Anh Khóa ơi! Em tiễn anh xuống tận bến tàu.

Đôi tay em đỡ cái khăn trầu, em lấy đưa anh.

Tay cầm trầu mà gọt lệ chảy quanh

Anh xơi một miếng cho bõ tình em nhớ thương…

Xuân Diệu nhận định: Bài thơ Anh Khóa ơi! Là thơ ly biệt, viết năm 1914 là một sáng tạo mới. Chúng tôi, những nghệ sĩ hát xẩm cũng thấy rõ như vậy. Thơ như mới mà lại rất đậm tính dân gian, dân tộc, vì vậy mà đưa vào hát xẩm rất ngọt, rất hay, bởi bài thơ vừa làm theo thể lục bát, vừa lại biến thể, lại vừa có tính kể chuyện, có nhân vật, có tâm trạng, có cuộc đời chìm nổi, truân chuyên, rất gần với chuyện dân gian, nên hát xẩm rất vào, rất ngọt (minh họa):

...Anh Khóa ơi! Người ta lắm bạc nhiều tiền

Anh em ta phận kém duyên hèn nên mới long đong

...Anh Khóa ơi! Còi tu tu tàu sắp kéo câu

Đường trần em sắp sửa gánh sầu từ đây...

Với con mắt tinh anh của người am hiểu âm nhạc dân gian, Xuân Diệu lại nhận xét: ...Bài Bồng mạc vỉa sa mạc hay nhất, trứ danh của Á nam Trần Tuấn Khải là Gánh nước đêm (viết năm 1917). Cũng bằng tư duy âm nhạc, Xuân Diệu phân tích: Con Hoàng Oanh viết theo điệu “bồng mạc vỉa sa mạc” cũng là một thành tựu của Á nam Trần Tuấn Khải:

Này con Hoàng Oanh kia ơi!

Mi ăn, mi hót, mi nhảy, mi hót, mi thánh thót ở trong cái lồng,

Vui thì vui thật, sướng thì sướng thực.

Nhưng cá chậu chim lồng cũng chẳng ra chi

Mi có khôn, sao không rủ vợ, rủ con mi

Rủ bầu đàn vây cánh mà bay về ở chốn sơn lâm...

Đây cũng là ý ngầm của nhà thơ yêu nước kêu gọi đồng bào mình hãy cũng hướng về nguồn cội, cùng đoàn kết chống ngoại xâm.

Thật khó mà nói hết cái tài của Xuân Diệu, mặc dù chỉ nói về mảng âm nhạc dân tộc. Có thể nói Xuân Diệu là người khai thông phong trào Thơ mới, người xây nên một lâu đài Thơ ca lãng mạng và cách mạng, đồng thời cũng là nhà dân tộc nhạc học đầu tiên của nước ta. Ông rất xứng đáng được Nhà nước phong Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu, xứng đáng được Viện Hàn lâm Đức tặng danh hiệu Viện sĩ Thông tấn thơ, xứng đáng được tôn vinh ở nhiều diễn đàn hội thảo trong nước và xứng đáng được an nghỉ vĩnh hằng ở nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội.

Hà Nội, 5/3/2016

Ngày giỗ lần thứ 33 Á nam Trần Tuấn Khải


Nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa
Ý kiến của bạn