Khẩu khiếu, vốn sống và tầm kiến văn sâu rộng vốn là ưu thế trội của thi sĩ trong vai diễn giả nhưng không vì thế mà ông coi nhẹ khâu chuẩn bị nội dung. “Mỗi cuộc nói chuyện là một trận đánh”. Ông thường nói vậy. Và để cho “trận đánh” có kết quả tốt đẹp, ông bắt tay vào việc chuẩn bị hết sức tỉ mỉ chu đáo. Về tinh thần thì ông tự nhủ phải cố gắng tạo được sự phấn chấn vui vẻ trong mình, cố tránh hết mọi chuyện căng thẳng, buồn bã. Còn về cử tọa thì ông yêu cầu phải có được bầu không khí giao cảm đồng thuận. Đặc biệt, ông kiểm tra rất kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, từ cái bàn đứng nói chuyện đến chiếc micro, bộ trang âm. Thịt gà ngon nhưng thiếu mấy sợi lá chanh có khi hỏng cả bữa. Ông nói vui vậy.
Tất nhiên, công sức và tài năng của nhà thơ đã được đáp đền xứng đáng. Các buổi nói chuyện của ông gây được hiệu quả rất lớn. Có buổi, như ở Xí nghiệp gang thép Thái Nguyên, hàng nghìn công nhân im phăng phắc suốt hai tiếng đồng hồ nghe ông vừa diễn giải vừa đọc thơ; còn ông thì sang sảng như một ông tướng cầm quân, không một giây ngưng nghỉ, hào hứng phấn chấn từ phút đầu đến phút cuối.
Dạo đó chưa có lệ trả thù lao bằng phong bì cho diễn giả như bây giờ. Tuy vậy, các cử tọa vẫn có cách biểu lộ tấm lòng biết ơn và mến mộ của mình với thi sĩ. Nghe ông nói chuyện xong, công nhân Nhà máy gỗ Yên Bái tặng ông một cái tủ chè gỗ loại quý còn đang ở dạng mộc. Giáo sư, sinh viên Đại học Nông Lâm sau khi nghe nhà thơ nói chuyện, biếu ông một con ngỗng to. Ông từ chối không được. Vì thầy trò ở đây nói, con ngỗng này là sản phẩm chăn nuôi của chính họ. Một lần khác, đi nói chuyện ở Hà Tây, thi sĩ về ôm theo quà tặng là năm cân mơ Chùa Hương. “Nặng quá, nhưng đây là lộc nhà chùa thành ra phải cố vậy!”. Ông nói trong niềm tự hào và xúc động.
Xuân Diệu là người rất hay xúc động. Một lần ông đến dự cuộc họp ở Trường đại học Sư phạm Vinh sơ tán ở vùng rừng núi Thanh Hóa. Buổi trưa, anh chị em cấp dưỡng nhà trường đang lau rửa bát đĩa thì thấy Xuân Diệu đến.
- Cảm ơn anh chị em đã tặng mình một bữa ăn ngon miệng - Xuân Diệu nói - Bát cơm Phiếu mẫu nhớ ơn ngàn vàng. Giờ, mình có món quà tinh thần đáp lại anh chị em đây.
Và trưa ấy, một buổi nói chuyện thơ “tự phát” của thi sĩ đã diễn ra ở ngay nhà bếp của nhà trường. 9/2009
Hoàng An