Xua đi nỗi sợ đau đầu khi “yêu”

03-06-2018 09:49 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Mùa xuân là mùa tình yêu, mùa của đôi lứa tìm đến nhau với những khát khao mời gọi... Nhưng “cuộc chơi cũng lắm công phu”...

Mùa xuân là mùa tình yêu, mùa của đôi lứa tìm đến nhau với những khát khao mời gọi... Nhưng “cuộc chơi cũng lắm công phu”... đôi khi phải cảnh giác với những chứng bệnh có thể xảy ra khi hai người hòa hợp. Ðau đầu khi “yêu” là một ví dụ điển hình.

Đau đầu khi “yêu” (sex headaches - coital cephalalgia) là hiện tượng những cơn đau đầu xuất hiện trong quá trình giao hợp, đặc biệt là ngay trước, trong và sau khi “lên đỉnh”, thậm chí có thể xảy ra khi “tự sướng”. Những cơn đau đầu này xuất hiện đột ngột với cảm giác đau nặng nề vùng cổ gáy hoặc đầu, tăng dần theo cường độ “yêu”. Trong phần lớn các trường hợp, đau đầu khi “yêu” không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu những cơn đau này có biểu hiện bất thường như đau dữ dội, kéo dài và không thuyên giảm sau khi đã ngừng “yêu” hoặc dùng thuốc không đỡ thì có thể là biểu hiện của một số bệnh nguy hiểm.

Xuất hiện cơn đau đầu khi “yêu”

Đau đầu khi “yêu” có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, không phân biệt giới tính, độ tuổi, chủng tộc... nhưng có hai đối tượng dễ bị chứng này, đó là nam giới trẻ tuổi và những bệnh nhân bị bệnh đau nửa đầu (Migraine).

Phình động mạch não - Một trong những nguyên nhân gây đau đầu.

Những cơn đau đầu xuất hiện khi “yêu” thường bắt đầu từ vùng cổ, gáy, nền sọ, sau đó lan lên hai bên thái dương, đỉnh đầu. Cơn đau đầu có thể nhẹ nhưng đôi khi là đau dữ dội kèm cảm giác đau nhức hai hốc mắt. Cơn đau có xu hướng tăng dần theo cường độ “yêu” và khi “lên đỉnh”, nhiều bệnh nhân có cảm giác đau như “nổ đầu”. Cơn đau tồn tại từ vài phút, vài giờ, thậm chí có thể kéo dài nhiều ngày sau đó và lại xuất hiện khi “yêu” những lần sau.

Tại sao lại thế?

Bất cứ loại hình “yêu” nào tạo cảm giác “lên đỉnh” đều có thể là yếu tố khởi phát cơn đau đầu ở những người bị chứng đau đầu khi “yêu”. Trong phần lớn các trường hợp, những cơn đau đầu chỉ xuất hiện trong khi “yêu” và khỏi hoàn toàn sau đó. Nhưng cũng cần cảnh giác với một số nguyên nhân gây nên cơn đau đầu mà khởi phát bởi sự gắng sức khi “yêu” như các túi phồng động mạch trong não. Các túi phồng này có tính chất bẩm sinh, do thành mạch bị yếu nên giãn ra, thường nằm ở đáy hộp sọ, khi vỡ ra gây chảy máu dưới màng nhện rất nguy hiểm. Loại nguyên nhân thứ hai là các dị dạng động - tĩnh mạch não. Dị dạng động - tĩnh mạch não xảy ra khi động mạch nối thông trực tiếp với tĩnh mạch mà không có hệ thống mao mạch, vì vậy còn được gọi là thông động - tĩnh mạch. Đoạn tiếp nối này tạo thành những búi mạch, phồng to, thành giãn mỏng, rất dễ vỡ, gây xuất huyết tại chỗ. Loại nguyên nhân thứ ba là nguyên nhân phồng tách các động mạch cấp máu cho não do xơ vữa. Loại này cũng rất nguy hiểm bởi có thể gây chảy máu ngay trong thành mạch, xuất huyết ra bên ngoài hoặc tạo huyết khối làm tắc mạch não. Ở người bị tăng huyết áp, gắng sức khi “yêu” cũng có thể làm huyết áp tăng cao, đau đầu dữ dội và bệnh nhân có thể bị đột quỵ não do tăng huyết áp. Bệnh nhân bị bệnh tim, phổi mạn (bệnh mạch vành, bệnh van tim, suy tim, hen phế quản...) thường có nguy cơ thiếu ôxy khi gắng sức, vì vậy lượng ôxy cung cấp cho não bị thiếu khi cường độ “yêu” gia tăng nên gây triệu chứng đau đầu, chóng mặt khi “hành sự”. Một số các yếu tố khác cũng có thể gây chứng đau đầu khi “yêu” như đang dùng thuốc tránh thai, bệnh nhân bị bệnh đau nửa đầu, đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn...

Cần có những phương án phòng bị kỹ càng

Trước một bệnh nhân bị chứng đau đầu khi “yêu” có những biểu hiện bất thường như cơn đau dữ dội, kéo dài quá 24 giờ, buồn nôn, nôn mửa, rối loạn ý thức, cứng gáy, co giật,  giảm hoặc mất thị lực, méo miệng, liệt chi... phải được đưa đến cơ sở y tế kiểm tra toàn diện, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp đa dãy, chụp mạch... để tìm kiếm hoặc loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm đã nêu ở trên.

Đối với các trường hợp nhẹ, đau đầu khi “yêu” thường nhẹ, khỏi hẳn ngay sau đó. Với các trường hợp nặng, cơn đau thường xuyên xảy ra, bệnh nhân có thể uống một số thuốc dự phòng như thuốc chẹn beta (propranolol) hoặc uống indomethacin (thuốc điều trị bệnh đau nửa đầu) khoảng 1 giờ trước khi “yêu”.

Ðể có cuộc “yêu” hiệu quả

Người đang bị chứng đau đầu khi “yêu” không nên gắng sức quá nhiều mà có thể nhường vai trò chủ động cho bạn tình, nên chủ động dừng cuộc “yêu” nếu cơn đau đầu có biểu hiện gia tăng. Cũng nên có một chế độ ăn uống, sinh hoạt, rèn luyện hợp lý để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Tránh “yêu” ngay sau khi uống rượu bia, sau khi ăn quá no hoặc khi người mệt mỏi, căng thẳng. Người có bệnh tim phổi mạn tính cần được kiểm soát tốt và hết sức thận trọng, tránh gắng sức nhiều khi “yêu”. Cũng không nên quá lạm dụng các thuốc làm tăng “bản lĩnh” đàn ông, thuốc kích thích các loại... có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Đau đầu khi “yêu” thường xảy ra ở độ tuổi 20, nam gặp nhiều hơn nữ (tỷ lệ 3 nam/1 nữ). Tần suất mắc chứng này ước tính khoảng 1% dân số nhưng có lẽ còn cao hơn nhiều do việc khảo sát bị sai lệch khi người được hỏi ngại nói thật về bệnh (nhất là khảo sát ở các nước châu Á, phụ nữ đạo Hồi). Người ta cũng thấy rằng có tới 10% những người dùng thuốc điều trị rối loạn chức năng cương bị những cơn đau đầu hành hạ khi “yêu”.

TS. BS. Vũ Đức Định
Ý kiến của bạn