Đầy hơi, trướng bụng là các triệu chứng thuộc về đường tiêu hóa, tuy không gây nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người bệnh. Bệnh thường gặp do các nguyên nhân khác như: đường tiêu hóa; bệnh giảm nhu động ruột; do rối loạn vận động nhu động ống tiêu hóa, hoặc ăn nhiều chất béo, gia vị, chất kích thích...
Cách hạn chế đầy hơi, trướng bụng
Khi bị bụng trướng do nguyên nhân chức năng, để giảm thiểu tình trạng này, người bệnh không ăn quá no, không vừa ăn vừa nói chuyện, không dùng nước có gas, không ăn nhiều thực phẩm sinh hơi như bắp cải, đậu, đỗ, đậu nành. Hạn chế ăn các thức ăn chua cay, bánh kẹo, đồ ngọt.
Uống từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, giúp thải các độc tố gây tiêu hóa kém ra khỏi cơ thể. Ăn nhiều trái cây và rau xanh để cung cấp một lượng chất xơ lớn cho cơ thể, có xu hướng thải nhanh qua đường tiêu hóa, loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể. Nên bổ sung các loại rau cải, xà lách, rau dền, khoai tây, khoai lang, ngũ cốc. Ưu tiên tỏi và một số loại hoa quả như cam, bưởi, táo, dứa, lê sau những bữa ăn nhiều đạm.
Người bệnh cần ăn chậm, nhai kỹ, ăn những miếng nhỏ để tránh nuốt không khí cùng thức ăn vào dạ dày (gây co rút dạ dày và các dạng khó tiêu khác). Đối với người bị ợ nóng hoặc trào ngược axit, để tránh các áp lực cho dạ dày nên chia bữa ăn thành 4 - 5 bữa nhỏ mỗi ngày. Sau khi ăn tránh ngồi hoặc nằm ngay mà nên đi lại nhẹ nhàng.
Ngoài bữa ăn có thể mát-xa bụng để làm tăng nhu động của dạ dày, ruột giúp cho việc tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Mát-xa bụng theo chiều kim đồng hồ, lấy rốn làm trung tâm xoa vòng bụng từ bẹn phải, lên sườn phải, sang sườn trái và xuống bẹn trái 2 lần/ngày mỗi lần chừng 10 vòng. Tập thể dục vừa phải, nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, hít thở sâu cũng là một hình thức thư giãn, loại bỏ stress và để cơ hoành vận động làm tăng nhu động của dạ dày, ruột.
Khi nào cần khám bác sĩ?
Khi bị đầy hơi, trướng bụng kéo dài và thường xuyên tái phát cần thiết phải đi tới cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa để có hướng điều trị cụ thể, không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đối với trướng bụng do nguyên nhân thực thể là các hiện tượng gan to, lách to, u trong ổ bụng. Người bệnh cần lưu ý hơn nữa khi đầy hơi, chướng bụng đi cùng với một trong các biểu hiện và yếu tố nguy cơ như khó nuốt, sụt cân, chảy máu hậu môn, rối loạn đại tiện (đặc biệt ở người cao tuổi), tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng… Khi đó cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa tiêu hóa để được khám chữa. Lúc này, người bệnh có thể được chỉ định làm thêm các chẩn đoán cận lâm sàng như: Xét nghiệm phân, phân tích thành phần khí, chụp X quang, nội soi dạ dày, đại tràng; thậm chí là siêu âm, chụp CT hoặc MRI… để chẩn đoán bệnh chính xác.
Bác sĩ Lê Thanh