Bên cạnh những bệnh lý mà sĩ tử có thể mắc phải trong mùa thi như sốt xuất huyết, nhiễm trùng đường ruột, cúm, sởi, sốt phát ban… thì trong những ngày thi các em còn gặp phải những trục trặc khác về sức khỏe như hạ đường huyết, đau bụng kinh, ngất xỉu… Để không bị lỡ kỳ thi quan trọng trong cuộc đời, các sĩ tử cũng như cha mẹ cần biết nguyên nhân và cách khắc phục hợp lý.
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết thường xảy ra vào lúc gần trưa hoặc cuối bài thi buổi chiều do học sinh không ăn uống đầy đủ trong bữa chính, bỏ bữa hoặc khoảng cách giữa các bữa ăn quá xa. Khi bị đói, mức đường trong máu giảm xuống làm các em không thể tập trung trí óc hoặc hoạt động thể lực. Nếu kéo dài tình trạng này thì các em sẽ thấy hoa mắt, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, nặng hơn có thể bị co giật và có khi ngất xỉu, lạnh tay chân. Trong trường hợp này hãy nhanh chóng uống một ly nước đường, sữa ngọt, ngậm một hai viên kẹo, hoặc ăn một trái chuối, bánh ngọt và các thức ăn sẵn có như cơm, cháo, hủ tíu… để cắt cơn. Cách đề phòng hạ đường huyết tốt nhất là không bỏ bữa ăn và bữa ăn phải có đầy đủ các nhóm thực phẩm bao gồm các chất bột đường, chất béo, các acid amin…
Ngất xỉu
Trong khi thi, có những trường hợp thí sinh bị ngất xỉu do học hành căng thẳng, suy nhược cơ thể hay tâm lý lo lắng tột độ. Trường hợp này nên nhanh chóng đưa các em tới chỗ thoáng mát, cởi nới bớt trang phục nếu quá chật, vì gây chèn ép lồng ngực và đường hô hấp trên. Có thể làm các động tác như lau mặt bằng nước lạnh, day huyệt nhân trung, cấu véo... để kích thích bệnh nhân tỉnh lại. Sau đó, cho các em uống nước mát, nước đường, sữa... và chuyển khám chuyên khoa tim mạch để loại trừ ngất do nhóm nguyên nhân này.
Sơ cứu học sinh ngất xỉu khi thi..
Đau đầu thường xuyên
Học sinh học thi có thể bị đau đầu do căng thẳng mạn tính. Một cơn đau đầu do căng thẳng xảy ra định kì có thể được miêu tả như là những cơn đau liên tục từ mức độ nhẹ đến vừa phải, tạo ra sự căng thẳng hoặc áp lực xung quanh phần trán, phía sau đầu hoặc cổ. Những cơn đau này có thể kéo dài từ 30 phút đến vài ngày. Đau đầu do căng thẳng xảy ra định kì thường bắt đầu từ từ và xảy ra vào giữa ngày. Mặc dù không có nguyên nhân cố định nào gây ra đau đầu do căng thẳng nhưng có thể do yếu tố bên trong hoặc bên ngoài như không được nghỉ ngơi đầy đủ, không ngủ đủ giấc, mệt mỏi, lo lắng, cố gắng quá sức, chuẩn bị cho kỳ thi… Những người bị đau đầu do căng thẳng thường có những cơn đau từ nhẹ đến vừa, thường xảy ra vào cuối ngày, không thể tập trung, đau các cơ, có sự nhạy cảm nhẹ với ánh sáng hay tiếng ồn, mệt mỏi kéo dài… Nếu bị đau đầu do căng thẳng thường xuyên, phụ huynh nên cho con đi khám để được sử dụng thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm hợp lý. Ngoài ra, để khắc phục triệu chứng này, bản thân mỗi học sinh cần có kế hoạch học tập cụ thể, không nên lo lắng, căng thẳng quá mức khi kỳ thi đến gần. Trong những ngày diễn ra kỳ thi, nếu nhức đầu tăng hoặc khó chịu có thể sử dụng thuốc giảm đau có chứa paracetamol.
Đau bụng kinh
Có nhiều nguyên nhân gây ra biểu hiện đau bụng kinh ở phụ nữ như bệnh phụ khoa, dị tật tử cung, tử cung co thắt quá độ… ngoài ra đau bụng kinh cũng có thể xảy ra do yếu tố tinh thần hay áp lực tâm lý quá lớn. Đối với học sinh nữ khi đi thi mà bị đau bụng kinh thì thật sự là một khó khăn lớn vì hầu như không có biện pháp nào có thể phòng tránh. Tuy nhiên, các em có thể khắc phục bằng cách sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol, thuốc giảm co thắt cơ trơn như spasmaverin theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Những thuốc này có tác dụng trong khoảng 3-4 giờ sẽ giúp các em có thể tập trung vào bài thi.
Ra mồ hôi nhiều
Đây là hiện tượng thường gặp đối với nhiều thí sinh khi làm bài thi, đặc biệt mồ hôi ra nhiều ở bàn tay khiến việc làm bài gặp trục trặc do tay cứng lại, khó viết, khó tập trung suy nghĩ. Nguyên nhân do khi căng thẳng, lo lắng quá mức cơ thể sẽ tự sản sinh một số chất gây kích thích hệ thần kinh phó giao cảm, làm tăng tiết mồ hôi nhiều, run tay nên khó viết, tim đập nhanh, hồi hộp, trống ngực, hơi thở gấp, đầu óc khó tập trung, có người lo sợ quá có thể đến cả ngất xỉu. Để khắc phục tình trạng này, mỗi học sinh cần luyện tập sự bình tĩnh, tự chủ bằng cách chủ động trong việc học tập, sắp đặt công việc hằng ngày từ đó tăng sự tự tin. Trong ngày thi, để không bị mất bình tĩnh thì các em học sinh nên sắp xếp việc học tập chu đáo ngay từ đầu năm học, ôn tập kỹ càng kiến thức. Trong phòng thi nên tập trung tinh thần, không suy nghĩ lung tung. Hiện tượng này cũng có thể được điều trị bằng thuốc điều chỉnh hệ thần kinh nói chung và hệ thần kinh thực vật nói riêng nhưng phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, để hạn chế đổ mồ hôi tay khi thi, các em nên tăng cường các loại rau củ quả, trái cây, các đồ ăn có tính mát như sữa chua, rau ngót, bí đao…, lựa chọn trang phục được may bằng sợi bông tự nhiên hay vải cotton để thấm hút mồ hôi, ngủ đủ giấc và hạn chế các chất kích thích như cà phê, trà đặc…
Sốt
Thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT và lấy điểm vào đại học thường diễn ra vào mùa hè, thời tiết nắng nóng kèm theo tâm lý căng thẳng của thí sinh dễ khiến các em bị sốt với các biểu hiện cơ thể mệt mỏi, vã mồ hôi, da ửng đỏ, thở gấp, chảy nước mắt, hắt hơi, sổ mũi. Khi có dấu hiệu sốt, thí sinh nên được tạm dừng thi để đến phòng y tế tại địa điểm thi để được chăm sóc đúng cách như nới lỏng quần áo, chườm mát bằng khăn ấm lên bẹn, nách, trán, hai bên thái dương và lau mồ hôi, có thể sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau theo chỉ định. Cho bệnh nhân ăn cháo, sữa, uống nước hoa quả, vitamin C… giúp thí sinh hồi phục nhanh để tiếp tục tham dự kỳ thi. Tuy nhiên, nếu có các dấu hiệu sốt cao trên 38 độ C, lơ mơ, xuất hiện co giật, buồn nôn thì cần phải đưa thí sinh tới cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Đau bụng, đi ngoài
Đây có thể là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm cũng là bệnh lý có thể gặp trong các kỳ thi do các em ăn uống tại các nơi kém vệ sinh như hàng quán vỉa hè, ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí có thể do được cha mẹ tẩm bổ quá nhiều. Đau bụng trong trường hợp này thường đau vùng quanh rốn hoặc các vùng bụng khác, đau âm ỉ hoặc quặn từng cơn, có khi cơn đau từ bụng lan ra sau lưng kèm theo nôn mửa, tiêu chảy. Việc cần làm ngay trong trường hợp này là cho thí sinh uống nước lọc, dung dịch oresol pha đúng tỉ lệ hay nước hoa quả để bù nước và điện giải cho cơ thể. Sau đó có thể dùng thuốc kìm khuẩn theo chỉ định, giúp nạn nhân khỏi mất điện giải để tiếp tục tham gia kì thi. Sau khi sơ cứu mà tình trạng không tiến triển, cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.