Hà Nội

Xử trí trẻ bị bỏng không đúng cách: Khổ con!

28-08-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo thống kê, trung bình mỗi năm Bệnh viện Nhi Hải Dương điều trị cho từ 250 - 300 trẻ bị bỏng...

Theo thống kê, trung bình mỗi năm Bệnh viện Nhi Hải Dương điều trị cho từ 250 - 300 trẻ bị bỏng... Tuy nhiên, năm nay chỉ tính riêng từ cuối tháng 6 đến trung tuần tháng 8 đến nay khoa Ngoại (Bệnh viện Nhi Hải Dương) đã thu dung và điều trị cho trên 100 trẻ bị bỏng. Đáng lưu ý do nhiều cha mẹ chưa biết xử trí bỏng đúng cách mà tự ý chữa tại nhà, kết quả là khi đến viện nhiều trẻ đã ở trong tình trạng nặng.

​Điều trị bỏng cho trẻ em tại BV Nhi Hải Dương.

Bé Phạm Mạnh Hùng, hơn 7 tháng tuổi ở Hồng Hưng (Gia Lộc) nhập viện ngày 16/8 do bị bỏng nước sôi. Trước đó, cháu Hùng tập bò đã quơ tay vào ca nước nóng do người lớn bất cẩn để xuống nền đất. Hậu quả cháu bị bỏng toàn bộ vùng ngực và cẳng tay phải. Chị Ngô Thị Huệ, mẹ cháu Hùng cho biết, ngay sau khi cháu Hùng bị bỏng gia đình hoảng loạn, nghe theo hàng xóm nên đã giã cây chuối tiêu tưới nước vào người cháu, kết quả bệnh không đỡ mà tình trạng lại nặng hơn. Tương tự, cháu Lê Thị Liên, 3 tuổi ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) bị bỏng 2 bàn tay do bà cháu đổ siêu nước nóng vào chậu cho cháu tắm, khi chưa kịp pha nước lạnh thì cháu đã nhúng tay vào. Sau khi bị bỏng gia đình đã nhanh trí nhúng tay cháu vào nước lạnh nhưng lại bôi mỡ trăn vào. Sau 3 ngày điều trị tại nhà không khỏi, gia đình mới đưa cháu đến bệnh viện điều trị. Hậu quả là vết bỏng của cháu đã bị nhiễm trùng, các ngón tay sưng và co cơ không duỗi được... Tuy nhiên, sau khi được điều trị tình trạng của cháu đã khá hơn.

BS. Dương Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Hải Dương, phụ trách điều trị bỏng cho biết, hầu hết trẻ bị bỏng do nước sôi, cháo, nồi cơm điện, các gia đình chưa biết cách xử trí ban đầu khiến nhiều trẻ bị nhiễm trùng. Có tới 15% số gia đình đã tự ý điều trị tại nhà bằng các kinh nghiệm dân gian truyền miệng như bôi xà phòng, dội nước mắm, bôi thuốc đánh răng, đắp thuốc... Sau nhiều ngày điều trị không khỏi mới đến viện, khi đó vết bỏng bị loét, nhiễm khuẩn.

Trẻ bị bỏng thường tập trung từ 1 - 3 tuổi do thời kỳ này trẻ hiếu động, hay tìm tòi, khám phá xung quanh. Trong số trẻ bị bỏng có tới 70% số phụ huynh xử trí ban đầu chưa đúng, đưa trẻ đến muộn gây khó khăn cho công tác điều trị. Điều này dẫn đến di chứng để lại cho cháu bé nặng nề hơn, tạo sẹo sâu và to, thậm chí mất chức năng vận động của trẻ. Khi trẻ được xử trí ban đầu đúng thì diện tích, độ sâu của bỏng sẽ ít, thời gian điều trị ngắn, trẻ sẽ ít bị di chứng. Bác sĩ Kiên khuyến cáo, khi bị bỏng các bậc phụ huynh cần cách ly trẻ ra khỏi tác nhân gây bỏng, ngâm vùng bị bỏng trong nước mát từ 15 - 20 phút, băng và che vết bỏng rồi đưa ngay đến bệnh viện để điều trị. Tuyệt đối không được cởi ngay quần áo của trẻ, đối với vùng bỏng ở quần áo phải làm mát bằng cách tưới nước mát sau đó dùng kéo cắt dần áo và quần của bé. Nếu cởi ngay quần áo của trẻ thì vùng bỏng sẽ bị trợt lớp da ngoài gây mất nước, trẻ sẽ đau đớn hơn, nguy cơ nhiễm khuẩn cao, khó phục hồi.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý, những vật dụng thường gây bỏng như phích nước, nồi cơm, thức ăn nóng, nước sôi nên để cao và tránh xa tầm tay của trẻ. Khi trẻ bị bỏng cần xử trí đúng cách và đưa ngay tới bệnh viện chuyên khoa điều trị kịp thời, tránh những biến chứng, nhiễm khuẩn cho trẻ.

Bài, ảnh: Đức Thành

 

 


Ý kiến của bạn