Xử trí thông minh khi tụt huyết áp

06-06-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Khi não bộ không được cung cấp máu đầy đủ, thiếu dưỡng khí sẽ dẫn đến mất hoạt động chức năng của vị trí cơ thể mà nó điều khiển...

Khi một người đứng lên từ nằm hoặc ngồi thấy chóng mặt hoa mắt hoặc thậm chí ngất xỉu do huyết áp tụt xuống dưới mức bình thường được gọi là tụt huyết áp thể đứng (THATĐ). Bệnh xảy ra đột ngột, nếu không được xử trí sẽ dẫn đến cơ thể choáng váng, buồn nôn, thậm chí nôn, hoa mắt chóng mặt, nhìn không rõ (mờ) trong vài ba giây và có thể ngất xỉu.

Khi não bộ không được cung cấp máu đầy đủ, thiếu dưỡng khí sẽ dẫn đến mất hoạt động chức năng của vị trí cơ thể mà nó điều khiển, biểu hiện choáng váng, buồn nôn, thậm chí nôn, hoa mắt chóng mặt, nhầm lẫn, nhìn không rõ (mờ) trong vài ba giây và có thể ngất xỉu.

Khi người bệnh có dấu hiệu tụt huyết áp, cần nhanh chóng để người bệnh ngồi ở nơi thoáng mát hoặc tốt hơn là đặt người bệnh nằm trên giường, đầu hơi thấp, nâng cao hai chân bằng chiếc gối hoặc chăn. Đồng thời cho người bệnh uống 1 hoặc 2 cốc nước, mỗi cốc khoảng 1/4 lít (khoảng chừng 240 - 250ml) để nhằm mục đích điều hòa huyết áp hoặc uống trà gừng, cà phê, nước trà đặc.

Khi mắc bệnh cần khám đều đặn và thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ.

Có thể ấn, day huyệt thái dương (nằm ở cuối mi mắt), day đi day lại với mức độ mạnh dần (dùng phần mềm của 2 ngón cái để day). Thực hiện động tác này từ 20-50 lần và lặp lại động tác này 30 lần.

Khi mắc bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị để tránh những biến chứng có thể xảy ra, bởi vì THATĐ luôn luôn đồng nghĩa với tiên lượng nặng của bệnh. Người bệnh sốt kéo dài từ 10 ngày trở lên nhất thiết phải đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và điều trị, tránh bỏ sót những bệnh nhiễm khuẩn nặng. Người bệnh đang điều trị bệnh tăng huyết áp, điều trị phì đại lành tính tiền liệt tuyến bằng xatral... cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị những dấu hiệu bất thường khi huyết áp đổi tư thế để có lời khuyên hợp lý nhất và có hướng điều trị thích hợp.

Phòng bệnh có khó?

Để phòng THATĐ, đặc biệt là người đang dùng thuốc có nguy cơ làm THATĐ cần làm theo chỉ dẫn của bác sĩ đang điều trị bệnh cho mình. Đồng thời, nên có chế độ ăn uống hợp lý, không nên bỏ bữa và uống đủ lượng nước hàng ngày. Nên ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính. Ngoài ra, nên ăn các loại quả để tăng vi chất cần thiết và bổ sung thêm lượng nước. Cần ngủ đủ thời gian cần thiết trong ngày (từ 7 - 8 giờ), đặc biệt chú ý đến chất lượng của giấc ngủ.

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu

 

 


Ý kiến của bạn