Xử trí tắc mạch ối

10-10-2019 15:33 | Đời sống
google news

SKĐS - Tắc mạch ối là tình trạng dịch ối xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn của sản phụ khi chuyển dạ, trong lúc sinh đẻ hoặc ngay cả sau khi sinh gây nên hiện tượng tắc mạch máu và hoạt hóa hệ thống đông máu của cơ thể.

Đây là một biến chứng ít gặp nhưng có tỉ lệ tử vong cao cho cả người mẹ lẫn thai nhi.

Tắc mạch ối là trường hợp có thể gặp khi sản phụ chuyển dạ, trong lúc sinh đẻ hoặc ngay cả sau khi sinh. Tình trạng này xảy ra một cách đột ngột sau khi vỡ ối, lúc rạch cơ tử cung trong mổ lấy thai. Biểu hiện lâm sàng được ghi nhận là sản phụ bỗng nhiên khó thở, da xanh tái, tím môi và các đầu chi; tinh thần hốt hoảng hoặc hôn mê, toàn trạng có dấu hiệu nặng; mạch nhanh, huyết áp tụt, thở nhanh hoặc khó thở; có thể bị co giật, kích động; thai bị suy. Nếu sản phụ đã sinh con, có hiện tượng tử cung co hồi kém, chảy máu loãng, máu không đông, biểu hiện tình trạng đông máu rải rác trong lòng mạch máu. Việc chẩn đoán xác định chủ yếu căn cứ vào hồi cứu trên giải phẫu khi tìm thấy các tế bào của nước ối ở trong máu của người mẹ như tế bào biểu mô, lông tơ. Lưu ý cần chẩn đoán phân biệt với các trường hợp tắc mạch máu phổi, nhồi máu cơ tim, sốc phản vệ và sốc do nhiễm khuẩn để tránh nhầm lẫn.

Xử trí tắc mạch ối

Xử trí tắc mạch ối phải được thực hiện khẩn cấp ngay với các biện pháp xử trí ban đầu, sau đó tiếp tục xử trí can thiệp tùy theo nguyên nhân gây bệnh.

Xử trí tắc mạch ốiTắc mạch ối cần được phát hiện và xử trí cấp cứu vì có tỉ lệ tử vong cao cho cả mẹ lẫn con

Xử trí ban đầu: đứng trước một trường hợp sản phụ bị tắc mạch ối đã được chẩn đoán xác định, việc xử trí tích cực ngay từ đầu rất quan trọng để cứu sản phụ và thai nhi thoát khỏi được tình trạng nguy kịch. Đầu tiên cần kêu gọi mọi người đến giúp đỡ, hỗ trợ để cùng cấp cứu sản phụ. Sau đó phải kiểm tra và theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn như mạch, huyết áp, nhịp thở, nghe để phát hiện các dấu hiệu ở tim và phổi. Lưu ý phải bảo đảm sự thông thoáng đường thở bằng cách cho sản phụ nằm ở vị trí đầu cao, hút đờm dãi để làm thông thoáng đường hô hấp, cho thở oxy và duy trì thể tích tuần hoàn; thiết lập đường truyền tĩnh mạch. Cần tư vấn, giải thích cho người thân của gia đình biết tình trạng nguy kịch của sản phụ và những nguy cơ có thể xảy ra cho cả mẹ cũng như con. Nếu sản phụ đang ở tuyến xã, phường, thị trấn thì phải tìm cách chuyển lên tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố ngay; bố trí có nhân viên y tế đi kèm, cho sản phụ thở oxy nếu có, đặt sản phụ ở tư thế đầu cao trong khi vận chuyển cấp cứu.

Xử trí theo nguyên nhân: việc xử trí này được thực hiện tùy theo điều kiện ở tuyến xã, phường, thị trấn và tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố trở lên.

Ở tuyến xã, phường, thị trấn, cần gọi điện báo cáo lên tuyến trên trường hợp sản phụ bị tắc mạch ối để được sự giúp đỡ, hỗ trợ; đồng thời huy động tất cả nhân viên y tế sẵn có để tập trung cấp cứu sản phụ. Việc xử trí phải được tiến hành bằng các biện pháp như xử trí ban đầu. Lưu ý cần giải thích, tư vấn cho người thân gia đình sản phụ biết rõ tình trạng bệnh lý nặng và tìm mọi cách chuyển ngay sản phụ lên tuyến trên, phải bố trí nhân viên y tế đi kèm trong quá trình vận chuyển sản phụ.

Ở tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố trở lên; phải đặt ngay nội khí quản để thực hiện biện pháp hô hấp hỗ trợ; đồng thời truyền máu và các sản phẩm của máu. Thực tế có khoảng 65% các trường hợp sản phụ bị tắc mạch ối thường xảy ra trước khi sinh đẻ, vì vậy cần nhanh chóng lấy thai ra càng nhanh càng tốt. Có thể đặt forceps nếu đủ điều kiện hoặc mổ lấy thai. Mặc dù sản phụ được can thiệp xử trí tích cực nhưng tỉ lệ tử vong của người mẹ cũng khá cao. Lưu ý việc tư vấn, giải thích cho người nhà sản phụ một cách cụ thể trước khi thực hiện phẫu thuật cắt tử cung cầm máu nếu sản phụ đã sinh con và chảy máu sau khi sinh đẻ với trình trạng của sản phụ cho phép phẫu thuật. Cũng phải giải thích, tư vấn cho người thân của gia đình biết rõ tình trạng nguy kịch của sản phụ trước khi làm các thủ tục chuyển lên bệnh viện ở tuyến cao hơn.

Đánh giá tình trạng sau xử trí

Sau khi đã xử trí can thiệp điều trị tích cực trong thời gian khoảng 30 phút, cần đánh giá xem xét sản phụ có đáp ứng với các biện pháp thực hiện hay không. Nếu tình trạng sản phụ được cải thiện thì tiếp tục điều trị duy trì, đồng thời điều trị nguyên nhân tùy theo từng trường hợp. Nếu tình trạng sản phụ không được cải thiện thì phải tiếp tục điều trị tích cực, đồng thời cần tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa và điện thoại báo cáo mời tuyến trên đến giúp đỡ, hỗ trợ hoặc chuyển sản phụ lên tuyến bệnh viện cao hơn.


BS. NGUYỄN TRÂM ANH
Ý kiến của bạn
Tags: