Thông thường hàng năm ở nước ta vào các tháng mùa mưa, không khí ẩm ướt, muỗi truyền bệnh phát triển bệnh sốt xuất huyết lại có khả năng bùng phát. Thế nhưng, hiện nay đang là mùa khô nhưng muỗi hoành hành khiến các ca sốt xuất huyết ở TP. Hồ Chí Minh tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013. Vì vậy, cần nhận biết để xử trí kịp thời tránh để xảy ra điều đáng tiếc.
Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue
Sốt xuất huyết (SXH) hiện nay không có tính chất khu trú ở một vùng, miền nào mà mang tính chất lan rộng ở nhiều tỉnh, thành. Có hai loại bệnh sốt xuất huyết, đó là bệnh sốt Dengue (SXHD) cổ điển và bệnh SXHD cùng chung một loại virut Dengue gây ra nên được gọi là SXHD. Bệnh xuất huyết quanh năm đặc biệt lan nhanh vào mùa mưa, vì vậy rất có khả năng gây thành dịch làm cho nhiều người ở trong một vùng, một địa phương và trong một thời gian nhất định cùng mắc bệnh SXHD. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị diệt virut Dengue và cũng chưa có vắc-xin để phòng bệnh SXHD. Đây là một điều hết sức bất lợi cho công tác phòng bệnh và chữa bệnh. Sự lây truyền bệnh SXHD có liên quan mật thiết với muỗi truyền bệnh. Trước đây người ta cho rằng có hai loài muỗi truyền bệnh SXHD, đó là muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) và Aedes albopictus (muỗi hổ châu Á). Muỗi vằn truyền bệnh SXHD ở thành thị và muỗi hổ châu Á truyền bệnh SXHD ở nông thôn, miền núi. Nhưng ngày nay, do quá trình đô thị hóa nhanh chóng cho nên khó phân biệt mối liên quan truyền bệnh SXHD giữa chúng với nhau. Cả hai loài muỗi này đều có những đặc tính chung là hút máu người cả ban ngày lẫn ban đêm, nhất là lúc sáng sớm và vào chập tối. Chúng có thể đậu ở góc nhà, trên quần áo, màn, dây phơi quần áo, tường nhà và bay đi khá xa khoảng 500m. Đặc điểm của các loài muỗi là rất dễ phát triển vào những mùa mưa do nước là môi trường thuận lợi nhất để muỗi đẻ trứng rồi phát triển thành lăng quăng (bọ gậy) và muỗi trưởng thành. Bệnh SXHD rất nguy hiểm vì tính chất lây lan nhanh đồng thời triệu chứng rất phức tạp. Đặc trưng của SXHD là sốt đột ngột, kéo dài từ 2-7 ngày, xuất huyết tự nhiên dưới da, niêm mạc và khi nặng có thể xuất huyết nội tạng (nôn ra máu, đi tiểu ra máu, đi ngoài phân đen, phụ nữ có kinh nguyệt kéo dài, rong kinh). Hiện tượng xuất huyết và làm thoát huyết tương dẫn đến giảm thể tích máu gây tụt huyết áp, tay chân lạnh, sốc kéo dài, nếu không được chẩn đoán sớm, xử lý kịp thời thì bệnh có thể đưa đến nguy kịch và tử vong. Vì vậy, đối với bệnh SXHD điều quan trọng số một là cần phát hiện sốc càng sớm càng tốt và cần xử trí khẩn trương, kịp thời. Có hai giai đoạn của sốc trong bệnh SXHD là tiền sốc và hội chứng sốc Dengue.
Tiền sốc bao gồm một số triệu chứng như vật vã hoặc lừ đừ, li bì; đau bụng; da sung huyết, tay, chân lạnh, nhất là vùng gan bàn tay, bàn chân, đầu ngón tay, ngón chân, da lạnh ẩm. Có dấu hiệu “ấn ngón tay” (hay còn gọi là thời gian hồi phục màu da) kéo dài trên 2 giây, vị trí xác định của dấu hiệu này là đầu các ngón tay hoặc mặt trong cẳng tay. Hoặc có dấu hiệu dây thắt dương tính.
Hội chứng sốc Dengue bao gồm tất cả các triệu chứng lâm sàng của SXHD kèm theo các triệu chứng như hạ thân nhiệt đột ngột, da ở tay chân lạnh, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt hoặc kẹp, ít nước tiểu. Triệu chứng sốc của SXHD thường xảy ra vào ngày thứ 3 - 6 của bệnh.
Cần làm gì khi có SXHD?
Khi trong gia đình, lớp học có người sốt cao, đặc biệt có nhiều người cùng mắc thì nên nghĩ đến là bệnh sốt xuất huyết và cần khẩn trương cho người bệnh đến cơ sở y tế để khám bệnh, đặc biệt là trẻ em (trẻ càng nhỏ càng phải được đặc biệt quan tâm). Sau khi đã có ý kiến của bác sĩ khám bệnh, nếu thể bệnh nhẹ có thể chăm sóc tại nhà riêng. Tại nhà riêng phải luôn luôn có người chăm sóc và theo dõi tình trạng bệnh của người bệnh (cặp nhiệt độ, đo huyết áp), kèm theo cho uống nhiều nước, nhất là dung dịch oresol (ORS). Dung dịch ORS có hai loại chính, loại dùng cho trẻ em và loại dùng cho người lớn. Loại dùng cho trẻ em ORS cam (5,63g/gói), mỗi lần pha 1 gói vào 200ml nước (đun sôi, để nguội) cho trẻ uống, với trẻ nhũ nhi thì cho uống mỗi lần 50ml; với trẻ 2-6 tuổi, mỗi lần uống 100ml; trẻ từ 7-12 tuổi, uống mỗi lần 150ml, ngày uống từ 2-3 lần. Loại dùng cho người lớn thì pha 1 gói vào 1 lít nước (đun sôi để nguội), uống theo nhu cầu. Ngoài ra nên cho người bệnh uống thêm nước hoa quả tươi như cam, chanh, dưa hấu, xoài. Nên cho ăn nhẹ như cháo, súp, canh và uống thêm sữa (với trẻ còn bú mẹ thì không hạn chế số lần bú và số lượng sữa bú). Cần hạ sốt khi thân nhiệt cao trên 38oC (nên lưu ý là nếu cặp nhiệt độ ở nách hoặc bẹn thì cần cộng thêm 0,5 độ) bằng cách cho uống thuốc paracetamol đơn chất với liều lượng phù hợp theo từng độ tuổi. Với trẻ nhỏ có thể dùng loại paracetamol viên nang đặt vào hậu môn. Ngoài ra, nên chườm mát (tức là nhiệt độ của nước dùng để nhúng khăn vào đắp lên trán, bẹn, nách cho trẻ nên thấp hơn nhiệt độ của cơ thể trẻ khoảng chừng 2 độ). Không nên chườm lạnh hoặc nước đá cho trẻ vì sẽ làm hạn chế thoát nhiệt của cơ thể trẻ. Tuyệt đối không dùng thuốc aspirin để hạ nhiệt cho người bệnh. Cần theo dõi sát người bệnh, nhất là trẻ em, nếu thấy hiện tượng xuất huyết dưới da (chấm, mảng, bầm tím...) hoặc chảy máu mũi, chảy máu chân răng, thậm chí nôn ra máu là cần đặc biệt lưu ý và theo dõi thật sát sao. Hoặc thấy bệnh diễn biến nặng lên như chân tay lạnh, thân nhiệt giảm, li bì hoặc vật vã, đau bụng, buồn nôn, nôn thì cần nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay bệnh viện nơi gần nhất để cấp cứu kịp thời không được chần chừ vì bất kỳ ly do gì.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu