Đầy bụng, khó tiêu là một trong những triệu chứng của rối loạn tiêu hóa. Không nguy hiểm nhưng các triệu chứng này gây cảm giác khó chịu và mệt mỏi cho người bệnh. Đây là điều cần quan tâm khi kỳ nghỉ Tết sắp tới.
Việc ăn quá nhiều thực phẩm giàu đạm, chất béo như thịt, giò chả, nem rán hay các món ăn nhiều đường gồm bánh mứt kẹo, nước ngọt... trong khi đó lượng chất xơ từ rau xanh và trái cây tươi lại thấp hơn ngày thường có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu.
Vậy cần xử trí như thế nào nếu chẳng may gặp phải tình trạng này? Dưới đây là một số lưu ý quan trọng giúp giảm và ngăn ngừa chứng đầy bụng, khó tiêu.
1. Điều chỉnh lại chế độ ăn uống
Triệu chứng chướng bụng, khó tiêu có thể trở nên trầm trọng hơn khi ta ăn uống không đúng cách. Theo đó, cần điều chỉnh lại như sau:
- Cố gắng nhai chậm, kỹ; khi nhai cần khép miệng lại để tránh nuốt thêm không khí, dễ gây đầy hơi.
- Chia nhỏ các bữa ăn, không nên ăn khuya hoặc nằm ngay sau khi ăn.
- Tránh các thực phẩm béo, do chất béo làm chậm việc làm rỗng dạ dày.
- Tránh thức ăn còn quá nóng, chứa nhiều mùi vị, cay nồng, chua, đắng, vì chúng càng khiến đường tiêu hóa dễ bị kích thích hơn.
- Tránh uống quá nhiều rượu, bia cũng như thức uống có cồn nói chung, nước giải khát có gas.
Các loại rau xanh, củ quả giàu chất xơ sẽ giúp giữ cho đường tiêu hóa hoạt động bình thường.
2. Sử dụng một số vị thuốc thảo mộc trị đầy bụng
Sử dụng một số loại thảo dược có sẵn trong bếp có thể giúp cải thiện hiệu quả chứng đầy bụng, khó tiêu.
Gừng: Uống một tách trà gừng sẽ cải thiện chứng khó tiêu do làm giảm axit dạ dày. Hoặc tự làm nước gừng bằng cách dùng gừng giã nhỏ cho vào nước ấm rồi uống.
Vỏ quýt tươi: Dùng vỏ quýt tươi, cho vào nước rồi đun sôi, thêm đường trắng nấu thành hỗn hợp canh. Tốt nhất khi uống nóng. Bài thuốc này có tác dụng trị đầy hơi, thông khí huyết, khô rát họng.
Trà bạc hà: Bạc hà không chỉ là một chất giúp hơi thở thơm mát, nó còn có tác dụng chống co thắt đường tiêu hóa trên của cơ thể. Chính vì thế, đây là một lựa chọn tuyệt vời để làm giảm các vấn đề ở dạ dày như buồn nôn và khó tiêu. Uống một tách trà bạc hà sau bữa ăn để nhanh chóng làm dịu dạ dày hoặc giữ một vài miếng bạc hà trong túi để ngậm sau khi ăn là những cách thức rẻ tiền nhưng hiệu quả.
Hạt thì là: Loại thảo dược này cũng chống co thắt, khắc phục chứng khó tiêu sau bữa ăn, cũng như làm dịu các vấn đề về đường tiêu hóa khác như buồn nôn và đầy hơi. Cho 1/2 muỗng cà phê hạt cây thì là nghiền nát vào nước sôi trong 10 phút trước khi uống là một giải pháp sau khi ăn thực phẩm gây khó tiêu.
Uống một tách trà gừng ấm giúp giảm chướng bụng, đầy hơi hiệu quả.
3. Thuốc trị đầy bụng, khó tiêu
Hầu hết trường hợp đầy bụng, khó tiêu do chế độ ăn uống thất thường có thể hết sau khi sử dụng những bài thuốc dân gian kể trên. Tuy nhiên, nếu không đỡ, có thể dùng các thuốc trị khó tiêu đầy bụng như thuốc chống đầy hơi, thuốc giảm tiết dịch vị dạ dày, thuốc điều hòa sự co bóp dạ dày - ruột hoặc sử dụng các loại men tiêu hóa.
Liều lượng và cách uống có thể hỏi dược sĩ tại các nhà thuốc để được hướng dẫn, nhưng cũng chỉ nên dùng trong thời gian 3 - 5 ngày. Nếu các biểu hiện không thuyên giảm, cần đi khám bác sĩ vì có thể do nguyên nhân khác gây chướng bụng đầy hơi.
Ngoài ra, khi bị đầy bụng, việc làm giãn cơ bụng bằng cách tắm nước ấm có thể giúp hơi tích tụ trong dạ dày dễ thoát ra ngoài hơn. Nên kết hợp vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga… cũng là những biện pháp hữu hiệu giúp khí trong cơ thể di chuyển tốt hơn và dễ dàng thoát ra ngoài vừa giúp cải thiện và phòng ngừa đầy bụng, khó tiêu.
Mời độc giả xem thêm video:
Giải đáp các thắc mắc thường gặp của người cao tuổi về vaccine COVID-19