Hà Nội

Xử trí nhanh khi gặp nguy cơ phơi nhiễm HIV

30-07-2015 07:23 | Y học 360
google news

SKĐS - Hiện nay không chỉ nhân viên y tế - những người tiếp xúc trực tiếp hay thường xuyên chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV mới có nguy cơ phơi nhiễm HIV

Hiện nay không chỉ nhân viên y tế - những người tiếp xúc trực tiếp hay thường xuyên chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV mới có nguy cơ phơi nhiễm HIV mà ngay cả người dân tại cộng đồng cũng có nguy cơ phơi nhiễm HIV do chăm sóc người thân. Vì vậy, chúng ta cần có kiến thức bảo vệ mình và cách xử trí đúng.

Khi nào có nguy cơ lây nhiễm HIV?

Khi nào có sự tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch tiết của cơ thể người có HIV thì khi đó sẽ có nguy cơ lây nhiễm HIV. Cụ thể là: Quan hệ tình dục với người có HIV mà không sử dụng bao cao su. Máu, chất dịch cơ thể của người có HIV dính vào các vùng da bị tổn thương (chàm, bỏng, vết loét, xây xát từ trước), hoặc văng vào niêm mạc (mắt, mũi, họng...); Tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người có HIV bị vỡ đâm vào. Vết thương do bị kim tiêm hoặc các dụng cụ sắc nhọn đã hoặc đang dùng cho người có HIV đâm vào.

Cán bộ y tế Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Bình tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Quảng Bình

Cách xử trí khi có nguy cơ phơi nhiễm HIV

Trước hết, cần xử lý vết thương ngay tại chỗ: Đối với những tổn thương da gây chảy máu, cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước sạch (lưu ý là không được kỳ cọ vết thương, chỉ để vòi nước xối vào vết thương). Sau đó, để vết thương chảy máu trong một thời gian ngắn, tuyệt đối không nặn máu mà để máu tự chảy. Cuối cùng, rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch, rồi sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn, như: Dakin, javel 1/10 hoặc cồn 70 độ trong thời gian ít nhất 5 phút.

Trong trường hợp bị máu hoặc dịch tiết của người có HIV bắn vào mắt, mũi, cần rửa mắt hoặc nhỏ mũi bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong năm phút. Nếu bắn vào miệng thì cần súc miệng bằng dung dịch NaCl 0,9% nhiều lần.

Để đánh giá tình trạng phơi nhiễm cần chú ý

Nếu máu và dịch tiết của người có HIV văng, dính vào những vùng da lành (không bị tổn thương hay xây xước) thì không có nguy cơ lây nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm cũng thấp khi tổn thương da xây xát cạn, không chảy máu hoặc chảy máu ít.

Những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao là khi máu và chất dịch của người có HIV bắn vào các tổn thương da sâu, rộng, chảy nhiều máu, các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét rộng từ trước.

Bác sĩ Kim Loan

 

Điều trị phơi nhiễm bằng thuốc kháng virus HIV (ARV)

Đối với những trường hợp có nguy cơ thấp hoặc nguy cơ cao đều có thể điều trị dự phòng bằng ARV.

Cần tiến hành điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, càng sớm càng tốt. Tốt nhất là điều trị ARV sớm 2-6 giờ sau khi bị phơi nhiễm và không nên điều trị muộn sau 72 giờ. Thời gian điều trị ARV kéo dài trong 4 tuần. Trong thời gian điều trị dự phòng ARV, cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc ARV. Đồng thời, người bị phơi nhiễm cần xét nghiệm HIV sau 1, 3 và 6 tháng kể từ thời điểm bị phơi nhiễm. Sau 6 tháng xét nghiệm HIV mà cho kết quả HIV (-), người bị phơi nhiễm có thể yên tâm rằng đã không bị lây nhiễm HIV trong tình huống đó. Trường hợp có kết quả HIV ( ) thì người nhiễm sẽ tiếp tục được điều trị ARV tại các phòng khám điều trị ngoại trú dành cho người nhiễm HIV.

 

 

 

 


Ý kiến của bạn