Xử trí men gan tăng cao

05-02-2020 15:19 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Vì một nguyên nhân nào làm cho các tế bào gan bị tổn thương, bị hủy hoại sẽ giải phóng men vào máu.

Khi đó, xét nghiệm sẽ thấy men gan cao khiến nhiều người rất lo lắng bệnh nguy hiểm không? Có gây ung thư, xơ gan không? Làm cách nào để bảo vệ lá gan?... Bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về  vấn đề này.

Nguyên nhân nào khiến men gan tăng cao?

Có rất nhiều nguyên nhân làm thay đổi men gan trong máu so với chỉ số bình thường. Là dấu hiệu của nhiều bất ổn trong cơ thể như viêm gan cấp, viêm gan mạn tính giai đoạn hoạt động, tắc đường mật, viêm tụy...nhưng cũng có thể chỉ đơn thuần là uống nhiều bia, rượu, nhiễm virus, dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, thuốc hạ mỡ máu... nhưng thường gặp nhất là viêm gan.

Những nguyên nhân làm tăng men gan.

Những nguyên nhân làm tăng men gan.

Nồng độ của men gan tăng thường tỷ lệ thuận với mức độ viêm nhiễm của gan. Tuy nhiên, đó mới là những gợi ý thông thường nhất bởi trong thực tế, có những trường hợp viêm gan rất nặng nhưng nồng độ men gan trong máu tăng rất ít. Viêm gan cấp do bất kể nguyên nhân gì đều làm men gan tăng, đặc biệt là tăng rất cao, gấp 7-8 lần trở lên. Viêm gan mạn tiến triển, viêm gan dẫn đến xơ gan do rượu, chất độc, thiểu dưỡng, ung thư gan.

Tăng men gan do các nguyên nhân khác không liên quan gì đến gan như: tắc đường mật do giun, sỏi; viêm tụy, tắc ruột, viêm dạ dày cấp... cũng làm tăng men gan nhưng mức độ tăng không nhiều như trong viêm gan; các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sởi, sốt xuất huyết, nhiễm trùng máu... trong giai đoạn toàn phát cũng làm tăng men gan.

Ngoài ra, còn rất nhiều bệnh mạn tính khác hay do điều trị thuốc, chế độ ăn uống không điều độ, uống nhiều bia rượu cũng làm thay đổi men gan so với bình thường. Và sự thay đổi men gan là những dấu hiệu hữu ích trong chẩn đoán bệnh.

Theo dõi thường xuyên men gan

Khi đã biết mình bị tăng men gan, cần giữ gìn sức khỏe, tránh làm việc quá sức và bước kế tiếp là phải đi khám bác sĩ chuyên khoa về bệnh gan mật để được xác định rõ bệnh và điều trị kịp thời, tránh được sớm những biến chứng, đặc biệt là bệnh viêm gan siêu vi B. Mặt khác, cần phải theo dõi thường xuyên xem số lượng men gan có thay đổi không và cũng nên làm siêu âm, định lượng gan để biết được tình trạng của gan, ống dẫn mật. Tùy từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ có những điều trị, theo dõi và xét nghiệm định kỳ vì nếu tình trạng này xảy ra kéo dài mà không điều trị sẽ rất dễ xảy ra các biến chứng như xơ gan... Đối với trường hợp cần thiết phải dùng thuốc để điều trị một số bệnh lý khác thì cần phải báo cho bác sĩ biết mình đang có tình trạng tăng men gan để tránh dùng những thuốc có hại cho gan. Đối với bệnh nhân có tình trạng GGT (bình thường là 6 - 61U/L) tăng cao thì điều cần thiết là phải ngưng ngay việc uống rượu, bia và các loại nước uống có chất cồn. Nên chú ý rượu bia là thức uống làm gan nhiễm độc (khi uống rượu, gan phải làm việc nhiều hơn để thải chất độc). Ngoài ra, không hút thuốc lá, nếu xảy ra ở những người có tình trạng thừa cân béo phì thì nên kiêng cữ các thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào, nên dùng chế độ ăn bổ dưỡng nhiều chất đạm.

Thay đổi lối sống để bảo vệ gan

Cần có lối sống lành mạnh để bảo vệ lá gan, nhất là những bệnh nhân mắc bệnh gan. Một chế độ ăn hợp lý là rất cần thiết, lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể qua các bữa ăn hàng ngày phải đảm bảo sự cân bằng về vitamin, protein và các khoáng chất thiết yếu.

Khi nghi ngờ men gan tăng cần khám chuyên khoa để được xác định rõ bệnh và điều trị kịp thời.

Khi nghi ngờ men gan tăng cần khám chuyên khoa để được xác định rõ bệnh và điều trị kịp thời.

Cần bảo vệ tốt lá gan bằng việc áp dụng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, phải ăn những thức ăn thanh đạm, dễ tiêu hóa và bảo vệ gan, không nên ăn những thực phẩm như thịt nhiều mỡ. Cần ăn rau quả tươi, bổ sung vitamin và các nguyên tố vi lượng có lợi cho khả năng miễn dịch và nâng cao sức đề kháng với bệnh tật. Chú ý bổ sung vitamin A từ các loại thực phẩm như gan động vật, cà rốt, hẹ, sữa bò, lòng đỏ trứng, rau muống, rau chân vịt, tỏi tây, bắp cải... Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B1, B2, B6 như mạch nha, giá, đậu, lạc, rau xanh, hoa quả..., hạt kê, đậu nành, trứng, sữa... Bổ sung thêm những thực phẩm giàu vitamin như ớt ngọt, tỏi, rau cải, rau dền, sơn tra... Ngoài ra, những thực phẩm thuộc họ nấm như mộc nhĩ, nấm rất tốt cho bệnh nhân bị tăng men gan bởi những thực phẩm này có dinh dưỡng phong phú và có lợi cho việc nâng cao chức năng miễn dịch cơ thể, thúc đẩy hình thành kháng thể cũng có hiệu quả nhất định trong việc làm giảm men gan. Nên uống chè, đặc biệt là trà xanh chứa chất chống ôxy hóa không chỉ giảm nguy cơ mắc bệnh gan mà còn duy trì sức khỏe cho gan. Hạn chế ăn các loại thức ăn đã được chế biến sẵn vì chúng có chứa nhiều chất bảo quản, gây ảnh hưởng không tốt cho hệ tiêu hóa cũng như khả năng hoạt động của gan. Bia, rượu, cà phê, đồ ăn cay, chua cũng là những loại thực phẩm cần hạn chế sử dụng. Không hút thuốc lá vì làm tăng nguy cơ ung thư gan và làm tăng thêm độc tính các thuốc có hại cho gan.

Tập cho mình thói quen ngủ sớm và đúng giờ. Tốt nhất, hãy đi ngủ trước 23h. Ngủ sớm giúp máu trong cơ thể có đủ thời gian trở về gan và giải độc cho gan. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao giúp kiểm soát cân nặng, tăng cường tuần hoàn máu, đốt cháy năng lượng dư thừa trong cơ thể, bảo vệ và duy trì ổn định chức năng giải độc của gan. Các loại hình thể dục thể thao không yêu cầu kỹ thuật cao, đơn giản và không mất quá nhiều sức lực thường có lợi cho gan như: đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, aerobic...

Ngoài ra, cần sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, uống đủ nước, phòng tránh các bệnh lây nhiễm, không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, đồ cắt móng tay. Nên tiêm ngừa viêm gan nếu trong gia đình có người bệnh gan, nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Men gan có 4 loại, đó là AST (aspartate transaminase) hoặc còn được gọi là SGOT (serum glutamic oxaloacetic transaminase). Loại thứ 2 là ALT (alanin transaminase) hay còn gọi là SGPT (serum glutamic pyruvic transaminase), hai loại này có trong tế bào gan. Khi gan bị viêm hoặc bị tổn thương thì hai loại men gan này bị rò rỉ vào dòng máu làm cho chỉ số men gan tăng. Loại men gan thứ 3 là alkalin phosphatase có trong màng tế bào gan và loại thứ 4 là GGT (gamma glutamyl transpeptidase) có trong thành của tế bào ống mật. Chỉ số bình thường của men gan SGOT, SGPT là (40U/L) .Qua các nghiên cứu, người ta rút ra rằng khi men gan tăng từ 1 – 2 lần là ở mức độ nhẹ, tăng từ trên 2 – 5 lần là mức độ trung bình và tăng trên 5 lần là ở mức độ nặng.


BS. Nguyễn Văn Quang
Ý kiến của bạn