Xử trí kịp thời sốc phản vệ rất quan trọng với tính mạng người bệnh

16-10-2013 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo BS. Nguyễn Hữu Trường, sốc phản vệ là một dạng phản ứng dị ứng cấp tính toàn thể, nặng và có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.

Theo BS. Nguyễn Hữu Trường, sốc phản vệ là một dạng phản ứng dị ứng cấp tính toàn thể, nặng và có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.

Rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra sốc phản vệ. Một số trường hợp sốc phản vệ không xác định được chính xác nguyên nhân hoặc có sự phối hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, gây khó khăn cho việc chẩn đoán.

Biểu hiện chủ yếu của sốc phản vệ ở da, niêm mạc, đường hô hấp và hệ tim mạch. Sốc phản vệ thường gặp nhất là do các loại thuốc bao gồm cả thuốc tiêm và thuốc uống, dịch truyền, thức ăn và nọc côn trùng.

Sốc phản vệ do thức ăn thường gây ra do các loại thủy hải sản, trứng và lạc. Trong khi đó, các thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm giảm đau, giãn cơ, gây tê gây mê là những nguyên nhân thường gặp nhất của sốc phản vệ do thuốc (còn được gọi là sốc thuốc). Nọc côn trùng, đặc biệt là các loại nọc ong, cũng là một nhóm nguyên nhân khá phổ biến gây ra sốc phản vệ ở nhiều nơi trên thế giới.

Nhận biết sớm để có thể xử trí kịp thời sốc phản vệ là hết sức quan trọng đối với tính mạng người bệnh. Cần nghi ngờ xảy ra sốc phản vệ khi bệnh nhân sau tiếp xúc với một tác nhân lạ đột ngột cảm thấy khó chịu, ớn lạnh, hoảng hốt, lo sợ, sau đó nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng ở da, niêm mạc (như nóng bừng, nổi ban đỏ ngứa, phù mắt, phù môi, ngạt mũi…), ở hệ hô hấp (như khó thở, thở rít), ở hệ tiêu hóa (như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy) và hệ tim mạch (đau ngực, đau đầu, chóng mặt, ngất, tái nhợt, tụt huyết áp).

Các triệu chứng ở da, niêm mạc có thể không đe dọa tính mạng người bệnh nhưng là những dấu hiệu có giá trị gợi ý giúp phát hiện sớm sốc phản vệ. Cần lưu ý là có khoảng 20% các trường hợp sốc phản vệ không có các biểu hiện ở da, niêm mạc, một số khác lại biểu hiện khởi đầu với các triệu chứng ở hệ tuần hoàn như tụt huyết áp.

Khi đã được chẩn đoán là sốc phản vệ, bệnh nhân cần được nhanh chóng đặt trong tư thế nằm ngửa, thở ôxy, tiêm adrenaline vào bắp thịt với liều lượng phù hợp tùy từng trường hợp và lứa tuổi. Có thể tiêm nhắc lại sau 10 đến 15 phút cho đến khi huyết áp ổn định, vị trí tiêm nên được day nhẹ để thuốc dễ hấp thu. Nếu bệnh nhân bị tụt huyết áp nặng và kéo dài, adrenaline có thể được pha loãng và truyền tĩnh mạch để duy trì huyết áp.

Sau khi xử trí tình trạng sốc ổn định, bệnh nhân cần được theo dõi tại bệnh viện ít nhất 6-24 giờ để đề phòng sốc phản vệ có thể tái lại.

Lưu ý với những bệnh nhân có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử đã bị sốc phản vệ phải được tư vấn và hướng dẫn để có thể nhận biết được các dấu hiệu sớm của sốc phản vệ và có những biện pháp can thiệp kịp thời.

TH


Ý kiến của bạn