Xử trí kịp thời cơn hen cấp ở trẻ trong ngày giá rét

07-12-2022 17:55 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Hen suyễn là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ bị hen rất dễ bị suy hô hấp và có nguy cơ tử vong khi lên cơn. Do đó, cần phát hiện và chẩn đoán sớm cơn hen ở trẻ, để tránh dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.

Cách sử dụng corticoid dự phòng hen suyễn cho trẻCách sử dụng corticoid dự phòng hen suyễn cho trẻ

SKĐS- Việt Nam có khoảng hơn 3% trẻ em bị hen suyễn. Mùa hô hấp sắp tới (từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm) tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện do cơn hen suyễn cấp tính rất cao. Bệnh hen suyễn sau khi được điều trị đợt cấp tính, sẽ cần dùng các thuốc để dự phòng, trong đó thuốc chứa corticoid (ICS).

Nguyên nhân dẫn đến hen ở trẻ

Hen suyễn là bệnh viêm mạn tính của đường thở, rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau. Nếu trẻ bị hen suyễn tiếp xúc với các chất kích thích đường thở - chủ yếu là phế quản sẽ phù nề, co thắt, chứa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn, khiến cho bệnh nhân có cơn ho, khò khè, khó thở.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh hen ở trẻ như virus, vi khuẩn, nấm và kí sinh trùng. Nhưng chủ yếu là do vi khuẩn có sẵn trong mũi và họng của trẻ khi tiếp xúc với môi trường xung quanh. Đồng thời vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể theo đường máu và cộng hưởng với các yếu tố bất lợi của môi trường như thời tiết chuyển mùa, khói bụi, ô nhiễm… sẽ làm cho bệnh phát triển nhanh hơn. 

2 nguyên nhân dễ làm kích ứng cơn hen cấp ở trẻ là:

- Yếu tố dị nguyên gây kích ứng cơn hen

Với hen suyễn thì dị nguyên gây kích ứng cơn hen là vấn đề thường gặp nhất, trong đó các dị nguyên thường thấy là: Phấn hoa, khói bếp, khói thuốc, bụi, lông chó mèo, thời tiết thay đổi thất thường… là nguyên nhân gây tái phát bệnh hen ở người bệnh hen mạn tính, đây cũng là nguồn cơn gây kích ứng cơn hen.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy mạt nhà lại là nguyên nhân phổ biến gây khởi phát cơn hen ở trẻ em cũng như người lớn. Mạt nhà rất nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, lại ở ngay các khe, kẽ, chăn ga gối đệm, giường chiếu… hiện hữu ngay môi trường xung quanh cuộc sống của trẻ. Các nghiên cứu cho thấy 80% bệnh nhân hen phế quản có liên quan đến dị ứng mạt nhà.

- Yếu tố nhiễm virus gây kích ứng cơn hen

Do hệ miễn dịch còn non yếu, nên tình trạng nhiễm virus hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Đó là lý do tại sao tỷ lệ mắc bệnh hen ở trẻ em cao hơn người lớn rất nhiều, nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân kích thích hen ngoài yếu tố dị ứng như người lớn, thì ở trẻ em còn có yếu tố nhiễm virus.

Bên cạnh đó, đường thở của trẻ đang hình thành, kích thước đường thở của trẻ cũng nhỏ hơn so với người lớn. Chỉ cần một viêm nhiễm nhẹ cũng dẫn đến tình trạng co thắt, đường thở nhỏ lại, dễ gây ra tiếng rít, tiếng khò khè đúng như triệu chứng của hen phế quản, nên các mẹ dễ nhận biết hơn.

Cần làm gì để xử trí kịp thời cơn hen cấp ở trẻ? - Ảnh 2.

Hen suyễn là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp ở trẻ em.

Dấu hiệu nhận biết cơn hen cấp

Các triệu chứng của cơn hen cấp ở trẻ bao gồm: Khò khè, khó thở, ho dữ dội, nặng ngực, quấy khóc, phải ngồi thở, không thể nói câu dài nếu là trẻ lớn.

Trên thực tế biểu hiện của hen phế quản tương tự như triệu chứng của viêm phế quản, nên có thể khó phân biệt, nhưng hen phế quản thường hay gặp ở những gia đình có tiền sử mắc các bệnh dị ứng. Ví dụ trong gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị các bệnh dị ứng như: Viêm kết mạc dị ứng, viêm mũi dị ứng hoặc viêm da cơ địa, mày đay, hen phế quản…

Đặc điểm của ho hen phế quản là ho tăng sau khi vận động, hay ho về đêm và gần sáng, đặc biệt có liên quan đến các yếu tố dị nguyên.

Xử trí cơn hen cấp ở trẻ

Khi trẻ có các dấu hiệu trên, cần cho dùng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh. Thuốc này được các bác sĩ kê đơn và hướng dẫn trước đó. Có thể lặp lại 3 lần, mỗi lần cách nhau 20 phút. Sau khi dùng thuốc cắt cơn, nếu trẻ chuyển biến tốt thì có thể cho trẻ nghỉ ngơi, khám lại sau đó.

Nếu trẻ không chuyển biến tốt, vẫn còn thở nhanh, khó thở, hoặc trẻ có biểu hiện nói không nổi, tím tái, cánh mũi phập phồng, co kéo hõm trên ức… cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nên dùng thuốc cắt cơn dạng xịt, không nên dùng thuốc dạng uống khi trẻ đang lên cơn hen, vì tác dụng chậm và yếu.

Điều quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ, phụ huynh cần lưu ý phát hiện các dấu hiệu tiền triệu để xử trí kịp thời cơn hen cấp của trẻ.

Với mỗi một trẻ thì dấu hiệu tiền triệu cũng sẽ khác nhau. Có những trẻ trước khi lên cơn hen sẽ bị chảy mũi, ho từng tràng, khó chịu ở ngực, tức ngực… Ngay từ khi đó, cha mẹ đã phải tiến hành xịt thuốc sớm cho con, để ngăn ngừa sự tiến triển của cơn hen cấp. Cha mẹ cần có kế hoạch hành động, để khi có các yếu tố tiền triệu chứng thì sẽ xử trí ngay, để chấm dứt cơn hen cho trẻ.

Cần làm gì để xử trí kịp thời cơn hen cấp ở trẻ? - Ảnh 3.

Trẻ bị hen phế quản dễ bị suy hô hấp và có nguy cơ tử vong khi lên cơn. Ảnh minh hoạ.

Có nên lo sợ tác dụng phụ của thuốc khi trẻ bị hen cấp?

Mỗi một trẻ có mức độ bệnh hen khác nhau, các bác sĩ sẽ lựa chọn liều thuốc khác nhau để chỉ định dùng dự phòng hàng ngày. Trong quá trình điều trị hen suyễn ở trẻ, có một số cha mẹ lo sợ tác dụng phụ của thuốc nên đã không tuân thủ điều trị cho con, thậm chí bỏ thuốc… điều này rất nguy hiểm.

Khi trẻ được chỉ định sử dụng Corticoid dạng xịt, dùng tại chỗ hàng ngày với liều nhỏ, sẽ giúp kiểm soát để trẻ không lên cơn hen, bảo tồn và duy trì chức năng của lá phổi. Nếu như vì lý do sợ tác dụng phụ của thuốc mà không điều trị, thì trẻ sẽ hay bị lên cơn hen cấp, không kiểm soát được hen về mặt triệu chứng.

Mỗi lần điều trị những đợt cấp như vậy thì lượng Corticoid vào người trẻ rất nhiều, có trường hợp nặng phải sử dụng Corticoid toàn thân, cả đường uống và đường tiêm. Điều này khiến tác dụng phụ của Corticoid ảnh hưởng đến trẻ hơn rất nhiều so với việc trẻ dùng hàng ngày dự phòng cơn hen.

Vì vậy, cần ghi nhớ thuốc điều trị dự phòng chỉ được ngưng hay thay đổi liều bởi bác sĩ. Cha mẹ không nên tự ý ngưng thuốc cho dù bệnh hen của trẻ có vẻ khá hơn.

Chú ý: Bệnh hen không thể ngăn ngừa được hoàn toàn, nhưng có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ phát triển bệnh hen phế quản bao gồm: Tránh khói thuốc, tránh ô nhiễm không khí…

Ở hầu hết trẻ em, bệnh hen phế quản kịch phát có thể được ngăn ngừa bằng cách: Tránh các yếu tố kích hoạt cơn hen đã biết, kiểm soát cẩn thận các triệu chứng, uống thuốc theo hướng dẫn...

Mời độc giả xem thêm video:

Nguy cơ mắc COVID -19 trầm trọng ở trẻ hen phế quản không được kiểm soát


BS. Trần Anh Tuấn
Ý kiến của bạn