Xử trí khi bị hạ canxi huyết

08-01-2016 15:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Ở công ty em, công nhân bị hạ canxi rất thường xuyên, lúc lên phòng y tế thì có các dấu hiệu của hạ canxi huyết nên em cho uống viên canxi...

Ở công ty em, công nhân bị hạ canxi rất thường xuyên, lúc lên phòng y tế thì có các dấu hiệu của hạ canxi huyết nên em cho uống viên canxi, có trường hợp uống xong khoảng 30 phút thì họ khỏe lại nhưng có trường hợp nặng hơn, uống canxi mà triệu chứng vẫn không giảm, tay chân co cứng hơn lúc đầu. Xin hỏi bác sĩ tại sao lại như vậy? Có cách nào làm cho hết co cứng tay chân mà không cần đến bệnh viện không ạ?

Nguyễn Thị Ngoan (Ngoan.nguyen@ecotank.com.vn)

Hạ canxi máu còn gọi hạ canxi huyết nói một cách đơn giản là nồng độ canxi huyết thanh toàn phần trong máu giảm nhiều (nồng độ canxi trong máu của người trưởng thành bình thường là 4,5-5,5mEq/L). Canxi không chỉ quan trọng đối với xương và răng, nó còn đóng vai trò cốt yếu trong việc giúp đỡ các cơ bắp vận động cũng như đảm bảo sự hoạt động của các tế bào thần kinh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hạ canxi, nhưng phổ biến hơn hết vẫn là tình trạng ăn uống không đầy đủ do bận rộn, nhịn ăn... Hạ canxi khởi đầu bằng các triệu chứng: tê môi, lưỡi, các đầu ngón tay, đầu ngón chân. Sau đó là sự co cơ khắp cơ thể, co thắt các cơ ở tay tạo ra dấu hiệu “bàn tay đỡ đẻ” (các ngón tay không xòe ra được), co thắt các cơ ở chân tạo ra “dấu bàn đạp” (bàn chân duỗi ra như thể đang đạp xe đạp). Hạ canxi cũng đồng thời làm co thắt các cơ vùng mặt và các cơ toàn thân gây đau đớn; co thắt các cơ hô hấp gây khó thở. Trong những trường hợp nặng hơn có thể gây co giật toàn thân hoặc khu trú.

Xử trí tại y tế cơ sở: Cho uống viên canxi sủi (pha 1 viên vào 1 cốc nước, đợi thuốc tan hết thì cho bệnh nhân uống). Sở dĩ có trường hợp sau khi uống canxi thấy hết triệu chứng nhưng có trường hợp vẫn diễn biến xấu thêm là do khả năng hấp thu theo đường ruột kém và nồng độ canxi trong máu quá thấp. Trường hợp này cần phải chuyển đi bệnh viện tìm nguyên nhân để điều trị. Để phòng bệnh, cần thực hiện chế độ ăn đủ canxi bằng cách ăn nhiều tôm, cua, ốc, nghêu, sò, mực. Chỉ nên dùng viên canxi bổ sung khi có chỉ định của bác sĩ.

BS. Trần Kim Anh


Ý kiến của bạn