Khi mới bị bỏng cần phải xử trí thế nào để không bị nhiễm khuẩn hoặc bị bỏng sâu thêm? Có nên dùng kem đánh răng để bôi vào vùng bỏng không?
Vương Thanh Tùng (Thái Nguyên)
Sau khi bị bỏng, sức nóng tại chỗ còn lan rộng và đi sâu hơn, tiếp tục tác hại những phần xung quanh, làm cho tổn thương ban đầu nặng thêm rất nhiều. Vì vậy, điều quan trọng bậc nhất cần thực hiện ngay là làm lạnh vùng bị bỏng càng nhanh càng tốt trong vòng 15 phút đầu nhằm hạn chế phạm vi và mức độ của tổn thương do bỏng. Trong các cách sơ cứu bỏng thì hiệu quả nhất vẫn là dùng nước lạnh dội lên chỗ bị bỏng từ 5-10 phút. Trường hợp dùng vòi phun nước thì phải để cách mặt da 10-15cm cho an toàn. Nước lạnh là cách cấp cứu bỏng hiệu quả nhất, vì nước lạnh sẽ thu ngay số nhiệt hiện hữu trong tổn thương, ngăn không cho nó lan rộng ra. Hơn nữa, nước lạnh còn giúp cho nạn nhân dễ chịu, đỡ cảm giác rát. Tuy nhiên, việc cấp cứu bỏng bằng nước chỉ có giá trị trong vòng 15 phút sau khi bị bỏng. Sau khi đã sơ cứu, nếu vết bỏng sâu, diện tích bị bỏng lớn, phải đưa nạn nhân đi cấp cứu ngay, vì nếu không, bệnh nhân sẽ dễ bị choáng, mất nước, thậm chí tử vong. Tuyệt đối không được dùng thuốc đánh răng, nước mắm để bôi lên chỗ bị bỏng, vì các chất này không làm dịu cơn đau, không ngăn được sự lan rộng của vết bỏng, mà có khi còn gây nhiễm khuẩn vết thương. Trường hợp bị bỏng nhẹ, sau khi sơ cứu bằng nước lạnh, nếu thấy nốt phồng bị vỡ thì cần lột bỏ ngay hết chỗ bị phồng và thấm khô chất dịch, bôi một lớp betadine. Sau đó lấy gạc vô khuẩn đã được bôi một lớp vaseline pure đặt lên vết thương và băng lại. Thay băng hàng ngày.
BS. Nguyễn Văn Gia