Gãy xương đòn
Đây là loại gãy xương hay gặp, thậm chí có thể gặp ngay khi trẻ mới lọt lòng (thường là sự cố trong quá trình sinh nở của người mẹ). Theo thống kê, gãy thân xương đòn gặp nhiều hơn cả, hay gặp ở 1/3 giữa của thân xương. Gãy bong sụn tiếp đầu ngoài của xương đòn thường ít gặp nhất, còn trường hợp trật khớp ức đòn cũng như trật khớp cùng đòn vô cùng hiếm gặp.
Điều trị chủ yếu là điều trị bảo tồn với sự bất động của diện gãy trong 3-4 tuần. Phẫu thuật được đặt ra khi gãy xương có biến chứng mạch máu hoặc thần kinh, hoặc khi gãy hở làm diện gãy lộ ra ngoài. Hướng dẫn tập phục hồi chức năng thường mang lại kết quả tốt trong điều trị gãy xương đòn.
Gãy xương đòn ở trẻ em.
Gãy bong sụn tiếp đầu trên xương cánh tay
Nguyên nhân thường do ngã đập trực tiếp vùng vai xuống nền cứng, có thể do gián tiếp ngã đập vùng khuỷu trước. Khi bị gãy bong sụn tiếp đầu trên xương cánh tay, triệu chứng sẽ bao gồm: đau vùng tổn thương trực tiếp, sưng nề bầm tím và tụ máu có thể gặp ở dưới da hoặc vùng hõm nách, vùng mặt trong ống cánh tay.
Chụp Xquang quy ước có thể phân loại di lệch: Gãy độ 1, độ 2 và độ 3. Với một số trường hợp không điển hình thì cần chụp bên đối diện để so sánh hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), với hình ảnh của chụp MRI có thể phát hiện được tổn thương của sụn tiếp nếu có.
Với loại gãy này thì điều trị bảo tồn là cơ bản, dùng băng nẹp hoặc băng bột hoặc dùng vật liệu có khả năng chun giãn để cố định xương cánh tay vào thân mình và khuỷu gấp 90 độ. Với gãy độ 1, bất động khoảng 3 tuần. Với gãy độ 2 và 3, việc nắn chỉnh dưới sự hỗ trợ của màn hình tăng sáng thường cho kết quả cao, việc cố định bằng kim Kierschner hoặc theo kỹ thuật Metaizeau thường cho kết quả cao và diện gãy được tăng cường vững hơn, bất động sau mổ cần giữ trong 3 tuần. Kết quả đạt được sau điều trị thường đạt hơn 90%.
Gãy thân xương cánh tay
Nạn nhân thường có các triệu chứng như đau tại vị trí gãy xương, sưng nề và bầm tím, giảm hoặc mất cơ năng bên bị tổn thương... Các hình thái có thể gặp là gãy đôi ngang, gãy vát, gãy chéo xoắn, gãy đơn giản hoặc gãy phức tạp có mảnh rời.
Điều trị bảo tồn gãy thân xương cũng cho hiệu quả cao nhưng có những trở ngại về teo cơ và cứng khớp sau khi tháo bột. Với những loại điều trị bảo tồn thất bại hoặc gãy di lệch nhiều thì phẫu thuật với sự kết hợp xương đinh nội tủy là sự lựa chọn được ưa dùng nhất. Nắn chỉnh dưới màn tăng sáng và ứng dụng kỹ thuật MIS mang lại hiệu quả rất cao.
Gãy trên lồi cầu xương cánh tay
Đây là loại gãy rất hay gặp, chiếm tỷ lệ 4-6% gãy xương nói chung ở trẻ em, chiếm từ 40-50% loại gãy xương vùng khuỷu, lứa tuổi thường gặp từ 3-11 tuổi.
Khi gãy trên lồi cầu xương cánh tay, có thể thấy các dấu hiệu sưng nề vùng khuỷu, bầm tím ở nếp khuỷu, đau tại chỗ và mất cơ năng của khuỷu và cánh tay bên tổn thương. Có thể có các phỏng nước do rối loạn dinh dưỡng. Có thể có tổn thương mạch máu hoặc thần kinh trong một số trường hợp diện gãy di lệch nhiều.
Gãy độ 1 (phân độ gãy theo Lagrange- Rigault): Có đường rạn hoặc gãy một thành của vỏ xương, không di lệch. Độ 2: Diện gãy có biểu di lệch, chủ yếu di lệch trước sau, trục của chi thay đổi. Độ 3: Diện gãy di lệch nhiều hơn theo chiều trước sau, di lệch nhiều so với mặt phẳng nằm ngang, 2 phần của diện gãy còn sự gắn kết với nhau. Độ 4: Diện gãy di lệch hoàn toàn theo mặt phẳng và theo chiều trước sau, đặc biệt diện gãy có sự di lệch xoay theo trục của chi.
Điều trị với độ 1 và 2 thì điều trị bảo tồn là cơ bản, còn với độ 3 và 4 thì việc nắn chỉnh và cố định kim Kierschner với sự hỗ trợ của màn hình tăng sáng mang lại hiệu quả cao.Với các trường hợp nắn chỉnh mà không sửa được di lệch xoay hoặc với gãy trên lồi cầu mà có tổn thương về mạch và thần kinh thì việc phẫu thuật đặt lại diện gãy và cố định lại diện gãy là cần thiết. Biến chứng nặng nề nhất là hội chứng Volkmann.
Hình ảnh gãy xương đòn trên phim chụp X quang.
Gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay
Nguyên nhân chính là ngã chống tay ở tư thế duỗi, là loại gãy chiếm 15-20% gãy xương ở vùng khuỷu, hay gặp ở trẻ nhỏ từ 3- 9 tuổi. Gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay gây các triệu chứng đau, sưng nề và tụ máu phía ngoài vùng khuỷu; bầm tím, tụ máu và có biểu hiện tràn dịch khớp; giảm hoặc mất cơ năng vùng khuỷu; hạn chế vân động sấp và ngửa của cẳng tay.
Độ 1: Có đường gãy, không có sự di lệch hoặc di lệch nhỏ hơn 2mm. Độ 2: Có biểu hiện rõ của sự di lệch sang bên và ra sau, diện gãy di lệch hơn 2mm. Độ 3: Diện gãy di lệch hoàn toàn, phần xương gãy có thể di lệch xoay 90 độ hoặc di lệch 180 độ.
Với gãy độ 1 điều trị bảo tồn, độ 2 và 3 cần phẫu thuật. Di chứng có thể gặp là: tiêu một phần diện gãy, hạn chế vận động khuỷu, vẹo khuỷu, tổn thương nhánh vận động của thần kinh quay.
Gãy mỏm trên ròng rọc xương cánh tay
Là loại gãy hay gặp ở trẻ nhỏ, thường ở lứa tuổi 7-13 tuổi, thường do ngã chống tay ở tư thế duỗi khuỷu tay. Nếu mảng gãy lớn thì thường kèm theo trật khớp khuỷu. Trên lâm sàng thường thấy: Đau và sưng nề vùng khuỷu, tụ máu mặt trong khuỷu, bầm tím và tụ máu dưới da, hạn chế vận động gấp và duỗi khuỷu.
Gãy mỏm trên ròng rọc đôi khi cũng gây khó khăn trong quyết định của các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.
Gãy mỏm khuỷu
Là loại gãy do tổn thương trực tiếp vào vùng khuỷu, làm cho mỏm khuỷu va chạm xuống nền cứng. Hay gặp ở trẻ nhỏ 7-13 tuổi. Chiếm khoảng 5% các loại gãy của vùng khuỷu.
Cách phân loại thường dựa vào là gãy ngoài khớp hay gãy trong khớp. Mức độ nặng nhẹ dựa vào sự di lệch của diện gãy, chia làm 3 mức độ. Độ 1 có đường gãy điển hình, diện gãy không di lệch. Độ 2 diện gãy di lệch nhỏ hơn 2mm. Độ 3 diện gãy di lệch hơn 2mm.Với độ 1 điều trị bảo tồn bằng bột cánh cẳng bàn tay duỗi, giữ khoảng 3 tuần. Với độ 2 và 3 nên phẫu thuật và cố định bằng kim Kierschner đường kính nhỏ hơn 1mm, với sự cố định tăng cường bằng chỉ thép lụa, bó bột giữ thêm 3 tuần sau mổ.