Trên thực tế vào những dịp nghỉ lễ trẻ em luôn gặp những tai nạn, trong đó một phần lỗi là do sự lơ là của người lớn.
Hóc dị vật - tai nạn thường gặp ở trẻ em
Mới đây, bé gái 3 tuổi ở Long Biên - Hà Nội bị hóc dị vật trong lúc chơi. Theo lời kể của mẹ bé K., trước khi bị hóc dị vật, cháu K. có nghịch đồ chơi tại nhà, một lúc sau thì xuất hiện tình trạng ho, nôn. Bố mẹ gặng hỏi thì cháu cho biết đã ngậm và nuốt đồng xu khi đang chơi. Nghe thấy cháu nói vậy, gia đình đã đưa cháu K. đến bệnh viện ngay. Khi tiếp nhận trường hợp của cháu K., các bác sĩ đã nhanh chóng chỉ định chụp phim Xquang vùng ngực - cổ để xác định vị trí dị vật. Hình ảnh Xquang cho thấy dị vật là một hình tròn giống đồng xu vị trí ngang giữa cổ. Dị vật mắc kẹt có cạnh tròn xung quanh nên không gây tổn thương niêm mạc. Sau khi có kết quả chụp Xquang, cháu K. được các bác sĩ chỉ định tiến hành nội soi gắp dị vật ra. Chỉ sau 30 giây đồng xu đang mắc kẹt trong họng cháu K. được lấy ra nhẹ nhàng, nhanh chóng.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bị hóc dị vật. Trên thực tế, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện do hóc dị vật, có tuần tới 4-5 ca... Dị vật thường là đồng xu, đồ chơi, cúc áo, bi sắt, đồ ăn. Đặc biệt một số trường hợp trẻ nuốt phải các vật sắc nhọn như đinh vít, đinh ghim... đe dọa gây thủng thực quản, nguy hiểm đến tính mạng.
Sơ cứu đúng cách khi trẻ bị hóc dị vật.
Cần phát hiện sớm dị vật đường thở
Dị vật đường thở là danh từ dùng để chỉ các vật lạ rơi vào và mắc lại ở trong thanh khí hay phế quản. Có hai loại dị vật vô cơ và hữu cơ. Trong đó các loại dị vật hữu cơ ngoài triệu chứng của dị vật đường thở (ho, khó thở...) còn gây ra các triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc rất nhanh.
Trong các trường hợp điển hình, dị vật đường thở biểu hiện ra bằng hai hội chứng, hội chứng xâm nhập và hội chứng định khu. Hội chứng xâm nhập: là hội chứng xảy ra ngay sau khi dị vật rơi vào đường thở. Đây là kết quả của việc dị vật đi vào qua khe giữa hai dây thanh (là chỗ hẹp nhất của đường thở) gây ra hai phản xạ: phản xạ co thắt để ngăn không cho dị vật tiếp tục đi vào sâu hơn nữa và phản xạ ho để tống dị vật ra ngoài. Hai phản xạ này gây nên các hiện tượng ho sặc, tím tái, vã mồ hôi, co kéo cơ hô hấp, có khi gây tắc thở, chảy nước mắt nước mũi... Trong trường hợp dị vật to, mắc kẹt ở thanh môn không ho bắn ra được, cơn khó thở này có thể dẫn tới tử vong, còn trong trường hợp dị vật tiếp tục đi xuống dưới ngay, hội chứng này kéo dài một vài phút sau đó hết đi.
Trường hợp dị vật thanh quản, dị vật có thể mắc lại ở một trong 3 tầng thanh quản. Nếu dị vật mắc ở tiền đình thanh quản, triệu chứng sẽ là khan tiếng tăng dần, khó thở ngay lập tức nếu dị vật lớn, che một phần thanh môn hoặc từ từ tăng dần theo quá trình viêm nhiễm. Nếu dị vật cắm ở hạ thanh môn, khó thở sẽ đến sớm hơn do đây là vùng dễ bị viêm nề. Còn dị vật ở thanh môn sẽ gây khàn tiếng ngay lập tức, khó thở có ngay hoặc không cũng phụ thuộc vào kích thước dị vật.
Dị vật ở khí quản: sau hội chứng xâm nhập, người bệnh có thể trở lại bình thường. Nhưng sau đó thỉnh thoảng lại có cơn khó thở do ho sặc, thở mạnh, đẩy dị vật lên thanh môn. Cơn khó thở đôi khi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, trong trường hợp dị vật bị kẹt lại ở đây.
Dị vật phế quản: sau hội chứng xâm nhập người bệnh trở lại bình thường trong nhiều giờ. Sau đó các dấu hiệu viêm nhiễm do dị vật gây phù nề, xuất tiết, bội nhiễm hoặc dấu hiệu xẹp phổi do dị vật gây viêm nề, bít tắc hoàn toàn một đoạn lòng phế quản hay khí phế thũng khi dị vật gây bít tắc một phần.
Cần sơ cứu đúng
Với trẻ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực:
Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.
Sau đó lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa.
Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.
Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới.
Với trẻ trên 2 tuổi có thể dùng phương pháp Heimlich:
Đối với trường hợp trẻ còn tỉnh
Để cho trẻ đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng.
Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ.
Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
Đối với trường hợp hôn mê, bất tỉnh
Đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Trong tình huống bệnh nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải bắt đầu bằng hà hơi thổi ngạt 2 cái.
Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.
Để phòng hóc dị vật,tốt nhất không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng. Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây hóc, không nên hoảng hốt, la hét vì như vậy sẽ khiến trẻ sợ hãi và dễ bị hóc hơn. Khi trẻ đang khóc hoặc cười lớn thì không nên đút thức ăn, hoặc cho uống thuốc, tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi...
Thêm vào đó, các bậc cha mẹ nên chú ý, trước khi cho trẻ ăn phải gỡ bỏ các hạt, mảnh xương... trong thức ăn. Người thân trong gia đình cần quan tâm trông trẻ, không cho các bé chơi một mình xung quanh những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ.