Xử trí đúng bệnh hô hấp ở trẻ

06-01-2010 11:02 | Đời sống
google news

Trong những năm đầu đời, trẻ em rất dễ bị viêm đường hô hấp. Tuỳ theo sức đề kháng của cơ thể, có trẻ chỉ vài ngày là khỏi bệnh nhưng cũng có trẻ sổ mũi hoặc ho kéo dài từ tuần này sang tuần khác.

Trong những năm đầu đời, trẻ em rất dễ bị viêm đường hô hấp. Tuỳ theo sức đề kháng của cơ thể, có trẻ chỉ vài ngày là khỏi bệnh nhưng cũng có trẻ sổ mũi hoặc ho kéo dài từ tuần này sang tuần khác. Viêm hô hấp ở trẻ em đa phần là nhẹ nhưng thường gặp và ảnh hưởng nhiều đến trẻ và gia đình cũng như hoạt động xã hội.

Những bệnh hô hấp thường gặp

Viêm hô hấp trên là viêm từ mũi xuống ngã ba hầu họng, phần nhiều là viêm mũi, viêm họng, viêm hệ thống bạch huyết ở họng ở trẻ nhỏ (viêm VA), viêm tai. Viêm hô hấp trên có thể tự khỏi hoặc khi được điều trị hoặc có thể tiến triển thành viêm hô hấp dưới như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản (viêm những cuống phổi cực nhỏ) hay viêm phổi.

 Theo dõi sức khỏe bệnh nhi tại Khoa hô hấp - Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ảnh: K.Lan

Viêm hô hấp đa số do tác nhân siêu vi như rhinovirus, virus RSV, virus cúm... Khi gặp trời lạnh, điều kiện sinh hoạt ẩm thấp, đông đúc là điều kiện thuận lợi để gây bệnh. Biểu hiện ở trẻ là ho, sổ mũi, có khi có sốt, đôi khi bỏ ăn. Diễn tiến bệnh đa số lành tính, nếu chăm sóc tốt sẽ hết sau 5 - 7 ngày, không cần phải nhập viện.

Điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần biết những dấu hiệu nặng như trẻ nôn, thở nhanh, sốt cao (ở trẻ nhỏ sốt cao quá có thể gây co giật) hoặc trẻ có triệu chứng khó thở, thở co kéo ngực hoặc phập phồng cánh mũi thì cần đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế.

Trẻ sinh mổ dễ bị khò khè
 Những trẻ sinh mổ thường dễ bị khò khè do còn đờm nhớt ở đường hô hấp. Các bà mẹ không nên quá lo lắng trong trường hợp này và cũng không nên cho bé uống kháng sinh quá sớm, nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được hút đờm và tập vật lý trị liệu hô hấp theo chỉ định của bác sĩ.
Khi thấy bé ho hoặc sổ mũi không nên quá lo lắng. Nên lưu ý ho là một phản xạ rất tốt để bảo vệ phổi ở trẻ, do đó không nên quá lo lắng và tự tiện cho bé uống thuốc chống ho, nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi.
Không nên chủ quan

Những triệu chứng thường gặp như ho, sốt, nôn, sổ mũi, biếng ăn nhưng là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý ở trẻ nhỏ, do đó không nên quá chủ quan. Có nhiều bà mẹ thấy triệu chứng bé giống như lần trước và đôi khi người lớn vì quá bận rộn nên không đưa bé đi khám được nên tự động dùng theo đơn thuốc cũ, đến khi tự chữa mãi không khỏi phải vào viện thì bé đã bị viêm phổi nặng.

Để đề phòng, các bà mẹ nên giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ăn ngủ của bé, giữ ấm cho bé, tiêm chủng đầy đủ cho bé theo lịch tiêm chủng, cho bú sữa mẹ sớm (ngay sau sinh nửa giờ). Tập thói quen cần cho bé ăn nhiều trái cây, rau quả để hệ miễn dịch trong cơ thể của bé hoạt động hữu hiệu hơn, ít mắc bệnh đường hô hâp hơn.

Bác sĩ  Nguyễn Thị Thanh


Ý kiến của bạn