Bố tôi năm nay 60 tuổi, đi khám bệnh định kỳ các bác sĩ cho biết bị tăng huyết áp cần uống thuốc và theo dõi huyết áp để phòng đột quỵ khiến tôi và gia đình rất lo lắng. Vậy xin bác sĩ cho biết, nếu bị đột quỵ thì xử trí như thế nào trong khi chờ phương tiện cấp cứu để nhập viện.
Lê Thắng (Ninh Bình)
Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não, xuất huyết não) là tình trạng rối loạn chức năng thần kinh như hôn mê, liệt nửa người, nói đớ, nuốt bị sặc... Các biểu hiện này xuất hiện nhanh, đột ngột, thường tồn tại trên 24 giờ.
Trong vòng vài giờ sau khi tai biến mạch máu não xảy ra, các triệu chứng đột ngột xuất hiện: yếu liệt hoặc tê rần ở vùng mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là một bên cơ thể, chỉ một tay hoặc một chân; lú lẫn, rối loạn lời nói (khó tìm từ hoặc không hiểu từ; nói líu ríu, lắp bắp); trong một số trường hợp, người bệnh vẫn còn tỉnh táo, nhưng đa số bị giảm sút tri giác (như lơ mơ, ngủ gà, có thể hôn mê)...
Khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ, người nhà bệnh nhân nên thực hiện 3 việc: liên hệ với trung tâm cấp cứu hoặc bệnh viện gần nhất, nơi có trang bị phương tiện điều trị tai biến mạch máu não. Trấn an bệnh nhân. Theo dõi thường xuyên tri giác và tình trạng liệt của bệnh nhân vì thông thường, 3 giờ đầu tiên khi bệnh nhân đột quỵ được xem là “thời gian vàng” do lúc này các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi. Vì vậy bệnh nhân đột quỵ cần được sớm đưa vào bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa trong thời gian vàng này.
Trong khi chờ xe cấp cứu, cần phải: đặt người bệnh nằm lên một mặt phẳng nằm ngang, không đặt người bệnh lên đệm lò xo có độ lún quá sâu sẽ làm thay đổi tư thế đầu. Đặt đầu người bệnh hơi nghiêng, để nếu dịch trong miệng chảy ra nhiều sẽ chảy ra bên mép mà không để chảy xuống đường thở gây ngạt thở. Để người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.
TS. BS. Nguyễn Huy