Dị vật mũi là bệnh thường gặp trong cấp cứu tai mũi họng. Đặc biệt hay gặp ở trẻ em. Trẻ khi chơi thường nghịch ngợm nhét những vật vào mũi như nút nhựa, khuy áo, hạt lạc, hạt đậu... gây ra dị vật ở mũi. Ở người lớn, trong khi làm thuốc mũi hoặc trong phẫu thuật có thể quên mảnh bông, mảnh gạc trong mũi gây dị vật mũi; Khi ăn, ho, hắt hơi, sặc thức ăn có thể qua vỏm mà vào hốc mũi. Thậm chí dị vật mũi có thể gặp do đỉa khe chui vào khi tắm khe... Dị vật ở mũi không được xử trí lấy ra sẽ gây bệnh ở niêm mạc mũi: viêm mũi, phù nề và xuất tiết, loét mũi... Có thể gây tắc mũi một bên, chảy mũi đặc và thối, có khi kèm chảy máu. Khám soi mũi có thể nhìn thấy dị vật. Trong một số trường hợp dị vật ở sâu phía mũi sau có thể dùng que thăm dò thấy dị vật.
Để xử trí dị vật ở mũi, thầy thuốc cần hút sạch mũi, mủ và chất xuất tiết. Đặt thuốc co mạch như adrenalin 1% hoặc aphedrin 1-3% để hốc mũi rộng ra. Dùng thìa móc luồn ra phía sau dị vật mà kéo ra ngoài. Trong một số trường hợp khó, có thể phải gây mê để lấy dị vật. Thậm chí trường hợp dị vật nằm quá lâu đã vôi hóa, có thể phải dùng đến phẫu thuật mũi để lấy. Lời khuyên của chúng tôi là nếu bạn bị dị vật trong mũi cần đến khám chuyên khoa tai mũi họng của bệnh viện gần nhà để được gắp dị vật càng sớm càng tốt, tránh để muộn lấy sẽ khó khăn hơn và gây biến chứng viêm mũi.