U sụn màng hoạt dịch là bệnh do dị sản lành tính của bao hoạt dịch, trong đó các tế bào liên kết có khả năng tự tạo sụn. Tổn thương trong ổ khớp có các khối sụn nhỏ mọc chồi lên bề mặt, phát triển cuống và trở thành các u, khi các u này xơ cứng lại gọi là u sụn. Nếu u sụn lọt vào trong ổ khớp sẽ trở thành dị vật khớp.
Ai dễ bị u xương sụn?
Đến nay, người ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây u xương sụn, nhất là đối với u xương sụn nguyên phát. Trên thực tế, thường gặp 2 thể u xương sụn nguyên phát và thứ phát. Thể nguyên phát: hay gặp khoảng từ 30-50 tuổi, nguyên nhân chưa rõ. Thể thứ phát: gặp ở người có tiền sử bệnh khớp như mắc các bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp do lao, viêm xương sụn bóc tách, gãy đầu xương trong ổ khớp, vỡ sụn… Bệnh u sụn màng hoạt dịch thường gặp ở khớp gối chiếm 50-60%, tiếp đến là các khớp khác như khớp háng và khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ chân…
Hình ảnh Xquang (trái) và cộng hưởng từ (phải) u sụn màng khớp gối.
Biểu hiện của u xương sụn
Một vài thống kê cho thấy: bệnh u xương sụn thường gặp ở người lớn 30-50 tuổi, nam mắc bệnh nhiều hơn nữ với tỷ lệ so sánh là 2/1. Một người mắc bệnh u xương sụn thường có các triệu chứng như sau: tại khớp có các dấu hiệu đau, sưng khớp, thường có dấu hiệu kẹt khớp; bệnh nhân bị giảm khả năng vận động khớp. Khám có thể thấy u cục quanh khớp, cứng, di động hoặc không. Triệu chứng tràn dịch khớp; viêm khớp là các dấu hiệu ít gặp. Theo Milgram chia bệnh lý u xương sụn thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là bệnh tiềm ẩn trong bao hoạt dịch nhưng không có các vật thể lạ tự do; Giai đoạn 2: tăng sinh màng hoạt dịch có kèm các vật thể lạ (dị vật) tự do; Giai đoạn 3: các u sụn tăng sinh nhiều ở bao khớp, màng hoạt dịch hoặc nhiều hạt tự do trong ổ khớp.
Xét nghiệm cần làm để xác định bệnh
Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi và sinh hoá: kết quả là bình thường, tuy nhiên, bệnh nhân vẫn đang mắc bệnh. Chụp phim Xquang thấy các hình ảnh như: dày bao khớp và màng hoạt dịch; có các nốt canxi hóa trong và cạnh khớp hình tròn hoặc oval; khe khớp không hẹp; mật độ xương tại đầu khớp bình thường; các nốt u sụn thường chỉ có thể được phát hiện trên Xquang vào giai đoạn 2, khi xuất hiện các nốt canxi hóa rõ. Chụp cắt lớp vi tính thấy hình ảnh các nốt canxi hóa cản quang; tràn dịch khớp. Chụp cộng hưởng từ (MRI): ngoài các hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính còn có thể quan sát thấy: dày màng hoạt dịch...
Bệnh u xương sụn cần phân biệt với một số bệnh như: viêm khớp dạng thấp có hình ảnh hạt gạo; viêm khớp nhiễm khuẩn, chẳng hạn lao khớp; bệnh gút; viêm màng hoạt dịch thể lông nốt sắc tố; u máu màng hoạt dịch; chấn thương vỡ xương sụn.
Phương pháp điều trị
Về nguyên tắc điều trị, cần giảm đau, cải thiện chức năng vận động khớp; phòng tránh tái phát bệnh.
Phương pháp điều trị nội khoa: dùng thuốc chống viêm không steroid, thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm.
Nội soi khớp: có thể vừa thực hiện chẩn đoán lấy vật thể lạ hoặc cắt từng phần màng hoạt dịch bị tổn thương trong trường hợp có viêm màng hoạt dịch.
Phẫu thuật điều trị trong trường hợp bệnh nhân đến muộn, những tổ chức u sụn phát triển nhiều hoặc quá to sẽ có chỉ định cắt bỏ u sụn và phần màng hoạt dịch tổn thương qua phẫu thuật mở.
Do chưa biết chắc nguyên nhân gây u xương sụn nên chưa thể đề ra biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, có thể hạn chế bệnh và ngăn chặn bệnh tiến triển nặng như gây dị vật trong khớp bằng việc chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp do lao, viêm xương sụn, phòng tránh chấn thương làm vỡ sụn, gãy đầu xương trong ổ khớp... Đối với bệnh nhân u xương sụn, cần thăm khám định kỳ cho đến khi hết triệu chứng trên lâm sàng và Xquang nhằm đánh giá kết quả điều trị và phát hiện các u sụn mới để có biện pháp điều trị kịp thời.