Hà Nội

Xử trí dị ứng do ong đốt

27-08-2013 09:41 | Y học 360
google news

Dị ứng với nọc độc của ong là một trong những nguyên nhân gây tử vong quan trọng ở những bệnh nhân nhạy cảm với nọc độc của ong.

Dị ứng với nọc độc của ong là một trong những nguyên nhân gây tử vong quan trọng ở những bệnh nhân nhạy cảm với nọc độc của ong. Đa số bệnh nhân không có cơ địa dị ứng có phản ứng dị ứng với nọc độc khi ong đốt, các phản ứng này thường nhẹ như ban đỏ, sẩn phù hay đau tại vị trí bị đốt. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân quá mẫn với nọc độc ong sẽ gây ra các phản ứng toàn thân khi bị ong đốt như sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.

Nọc ong nguy hiểm thế nào?

Nọc ong bao gồm nhiều thành phần phức tạp và được chia ra thành hai loại: một loại bản chất là protein và thành phần còn lại bản chất không phải là protein. Glycoprotein và polypeptide là các dị nguyên chủ yếu, các dị nguyên chủ yếu bản chất là protein đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các kháng thể IgE đặc hiệu. Các dị nguyên chính bao gồm: phospholipase A, acid phosphatase, hyaluronidase, dị nguyên C và melittin, Api M 6 vừa được xác định là dị nguyên mới của ong mật, có vai trò gây ra tới 40% các phản ứng dị ứng do ong mật đốt. Tuy nhiên, dị nguyên quan trọng nhất là phospholipase A.

Xử trí dị ứng do ong đốt 1
Xử trí dị ứng do ong đốt 2
 Khi bị ong đốt, dùng một vật nhọn như mũi dao, đầu kim... để khều nọc ong ra.

Các phản ứng dị ứng khi bị ong đốt

Phản ứng dị ứng thông thường khi bị ong đốt thường là cảm giác đau, sưng phù, ngứa, ban đỏ tại vị trí đốt và các biểu hiện trên có thể biến mất sau một vài giờ không cần điều trị gì hoặc điều trị bằng kháng histamin tại chỗ. Việc xác định đối tượng nào gây ra vết đốt là rất quan trọng, vì mỗi loài côn trùng, ong lại có các thành phần dị nguyên khác nhau và mức độ gây ra các phản ứng dị ứng cũng khác nhau. Ong đốt thường để lại kim và túi chứa nọc độc trên da vị trí đốt, các loại côn trùng khác thường không để lại dấu vết gì. Phản ứng dị ứng do ong đốt được chia làm 4 mức độ: Mức độ phản ứng tại vị trí đốt; Mức độ 2: phù mạch hoặc mày đay toàn thân; mức độ 3: co thắt phế quản và mức độ 4 nguy hiểm nhất gây sốc phản vệ và tổn thương nhiều cơ quan.

Chẩn đoán dị ứng do ong đốt chủ yếu dựa vào hỏi tiền sử và đặc điểm lâm sàng khi thăm khám bệnh nhân, trên thế giới đã phát triển nhiều kỹ thuật để xác định được nồng độ IgE đặc hiệu với từng loại dị nguyên của ong như ImmunoCAP RAST, xét nghiệm này nên được thực hiện tốt nhất sau 4 - 6 tuần sau khi bị ong đốt, độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm này lên tới 80-85%. Xét nghiệm lẩy da cũng được sử dụng để chẩn đoán, tuy nhiên, xét nghiệm này không được áp dụng cho bệnh nhân có phản ứng dị ứng nặng, xét nghiệm này có thể cho kết quả âm tính tới 30% trên bệnh nhân có tiền sử dương tính.
 
Xử trí dị ứng do ong đốt có khó?

Đặt bệnh nhân nằm xuống, loại bỏ kim và túi nọc độc của ong một cách cẩn thận bằng móng tay hoặc dao... áp đá lạnh lên vùng tổn thương làm giảm đau và giảm sự hấp thu chất độc từ nọc ong vào cơ thể, cho bệnh nhân uống thuốc kháng histamin và corticosteroid nếu bệnh nhân có phản ứng nặng tại vị trí đốt; Nếu bệnh nhân bị ong đốt có các triệu chứng dị ứng ở mức độ III – IV, adrenaline phải được tiêm bắp ngay, nhắc lại sau mỗi 8-10 phút nếu triệu chứng không cải thiện với liều đầu tiên; Nếu bệnh nhân có các triệu chứng của sốc phản vệ do ong đốt thì bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời giống như điều trị sốc phản vệ do các nguyên nhân khác. Bệnh nhân cần được sử dụng adrenaline đường tĩnh mạch thay vì đường tiêm bắp, corticosteroid, dopamine, glucagon.

Bệnh nhân có phản ứng dị ứng do ong đốt ở mức độ III hoặc IV nên được xem xét điều trị giải mẫn cảm đặc hiệu với nọc ong, nếu bệnh nhân này không có chống chỉ định,  phương pháp này cho hiệu quả bảo vệ tới 80% bệnh nhân. Chống chỉ định của phương pháp giải mẫn cảm đặc hiệu với nọc ong: bệnh nhân trên 70 tuổi, bệnh lý mạch vành, tăng huyết áp, đang phải sử dụng thuốc chẹn beta, bệnh tự miễn và hen phế quản nặng.

Bệnh nhân quá mẫn do ong đốt thường bị ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống, có thể dẫn tới các rối loạn nhất định về tâm lý, do đó người dân cần biết cách phòng và tránh tiếp xúc với ong để giảm nguy cơ bị đốt như tránh các khu vực có nguy cơ cao, tránh mặc quần áo nhiều màu sắc dễ hấp dẫn ong...

   BS. Bùi Văn Khánh


Ý kiến của bạn