(SKDS) - Trên thực tế đã có một số trường hợp đẻ rơi tại nhà, tại đồng ruộng,… thậm chí trên cả xe taxi. Các xử trí dưới đây rất hữu ích cho mọi người khi gặp tình huống đẻ rơi giúp sản phụ và em bé an toàn trên đường đến bệnh viện hoặc chờ cán bộ y tế đến giải quyết.
Đẻ rơi là gì?
Để rơi vào một tình huống không được lường trước, xảy ra ngoài ý muốn của sản phụ ở những nơi không phù hợp với sinh con như: nơi làm việc (đồng ruộng, văn phòng, nhà máy...) hoặc trên đường phố, trên tàu xe... (đi làm hoặc đi đến các cơ sở y tế).
Cô đỡ thôn bản H’Ruh, người dân tộc M’Nông, xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông đang thực hành khám thai. |
Cách xử trí
Xử trí đẻ rơi được thực hiện khẩn cấp, ngay tại chỗ và tùy theo tình huống cụ thể của sản phụ lúc đó. Trước hết phải nhanh chóng giúp sản phụ cởi bỏ quần áo, hoặc váy áo để đỡ bé. Sau đó, gọi sự trợ giúp xung quanh hoặc điện thoại cho người thân để có sự giúp đỡ từ nhân viên y tế.
Với trường hợp có sẵn gói đỡ đẻ sạch
Cần xé ngay bao gói để sử dụng các vật liệu đã có sẵn trong đó: Trải tấm ni lông ngay nơi bà mẹ đẻ rơi, đặt cháu bé nằm vào đó, ủ ấm bé bằng bất cứ thứ gì có thể có được ở bà mẹ và người xử trí (khăn, áo…).
Sau đó, lấy các sợi chỉ buộc rốn trong gói này buộc chặt dây rốn ở vị trí càng xa da bụng bé càng tốt (không được cắt dây rốn). Ngay lập tức chuyển bé cho mẹ ôm sát vào người để hạn chế bị nhiễm lạnh.
Sau đó, tìm mọi cách chuyển hai mẹ con về trạm y tế gần nhất để được chăm sóc tiếp. Vì tại cơ sở điều trị, mẹ sẽ được lấy rau, theo dõi và xử trí chảy máu, nhiễm khuẩn; bé sẽ được làm rốn lại, cả hai sẽ được tiêm huyết thanh chống uốn ván.
Trường hợp không có sẵn gói đỡ đẻ sạch
Ngay lập tức ủ ấm cháu bé bằng mọi đồ vải có sẵn tại chỗ. Tìm một sợi dây nhỏ, mềm, bất cứ là dây gì (dây rút, dây xé từ vạt áo hay khăn mùi xoa…) để buộc chặt dây rốn, càng xa nơi bám của nó ở bụng bé càng tốt (không được cắt dây rốn). Trao bé cho mẹ ôm ấp và tìm mọi cách chuyển ngay về cơ sở y tế gần nhất để xử trí cho mẹ và bé.
Lưu ý: Sau khi sinh cho sản phụ nằm trong quá trình vận chuyển đến trạm y tế.
(Theo tài liệu “Làm mẹ an toàn”)