Xử trí đau khớp cổ chân khi đi bộ

27-03-2018 14:04 | Đời sống
google news

SKĐS - Khớp cổ chân chịu trách nhiệm hỗ trợ chân của bạn có thể di chuyển theo hai hướng chính. Khớp cổ chân có thể bị đau khi đi bộ nếu có vấn đề về khớp hoặc dây chằng, gân và cơ bao quanh khớp cổ chân. Dưới đây là một số nguyên nhân và biện pháp xử trí đau khớp cổ chân khi đi bộ.

Bong gân khớp cổ chân do sự kéo giãn quá mức các dây chằng khớp cổ chân.

Bong gân khớp cổ chân do sự kéo giãn quá mức các dây chằng khớp cổ chân.

Bong gân khớp cổ chân: Bất kỳ sự kéo giãn quá mức các dây chằng khớp cổ chân đều có thể gây bong gân. Bạn thường gặp phải vấn đề này khi bạn vô tình xoay chân mạnh ra bên ngoài hoặc hướng vào bên trong. Dây chằng khớp cổ chân cũng có thể bị xoắn khi bạn bước trên một bề mặt không bằng phẳng. Tương tự, chọn giày không phù hợp trong khi tập thể dục hoặc chạy cũng có thể dẫn đến bong gân khớp cổ chân.

Xử trí: người bệnh thường cảm thấy tốt hơn sau khi áp dụng liệu pháp RICE: R: để khớp cổ chân được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt và sử dụng nạng để hỗ trợ; I: chườm đá khớp cổ chân trong khoảng nửa giờ, vài lần một ngày trong hai ngày đầu tiên; C: cố định khớp cổ chân bằng cách quấn nhẹ khớp cổ chân với băng ép co giãn; E: nâng khớp cổ chân lên và giữ ở trên mức tim trong 48 giờ sau khi bị thương tổn.

Bệnh gout: do dư thừa acid uric trong cơ thể. Acid uric tích tụ dưới dạng tinh thể muối urate ở khớp và thường gây viêm khớp cổ chân và bàn chân.

Điều trị: Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), corticosteroid và colchicine. Người bệnh có thể phải dùng một số thuốc nhất định để giảm nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến bệnh gout, nếu đã từng trải qua vài cơn gout trong vòng một năm. Người bệnh có thể phải dùng thuốc để ngăn ngừa sản xuất acid uric và thải acid uric ra khỏi cơ thể.

Sưng và đổi màu do bong gân khớp cổ chân.

Sưng và đổi màu do bong gân khớp cổ chân.

Bệnh giả gout: Triệu chứng điển hình là sưng căng đột ngột và đau dữ dội trong khớp gây đau khớp cổ chân khi đi bộ.

Bệnh giả gout không chữa được, nhưng bác sĩ có thể cho dùng NSAID, corticosteroid và colchicine để giảm đau và viêm.

Viêm xương khớp: Là bệnh khớp phổ biến ảnh hưởng đến lớp đệm giữa hai xương. Trong trường hợp không có sụn, xương tiếp xúc với nhau, gây đau và viêm. Dây chằng và cơ bắp quanh khớp trở nên yếu dần theo thời gian gây đau khớp dữ dội và hạn chế vận động.

Kết hợp giữa liệu pháp vật lý, thuốc, thay đổi lối sống và phẫu thuật thường giúp giảm đau và cải thiện khả năng di chuyển của khớp. Người bệnh nên đến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống và giảm cân giúp điều trị viêm xương khớp.

Viêm khớp dạng thấp: bệnh tự miễn dịch này gây viêm mạn tính các khớp và các mô xung quanh các khớp bị ảnh hưởng. Không có phương pháp chữa trị đặc hiệu cho rối loạn tự miễn dịch. Nhưng nghiên cứu cho thấy việc sử dụng các loại thuốc chống thấp khớp (DMARDs) trong giai đoạn đầu của viêm khớp dạng thấp có thể mang lại kết quả tốt. Người bệnh cần được chuyên viên vật lý trị liệu hướng dẫn các bài tập tăng thêm sức mạnh và tính linh hoạt cho các khớp. Nếu đã dùng thuốc mà không đạt được kết quả mong muốn hoặc người bệnh đã bị tổn thương khớp kéo dài có thể cần phẫu thuật.

Viêm khớp nhiễm khuẩn: xảy ra khi bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn xâm nhập cơ thể và đi qua dòng máu để ảnh hưởng đến khớp. Đôi khi, khớp bị nhiễm khuẩn do thủ thuật phẫu thuật hoặc do chấn thương, dẫn đến sự phát triển của viêm khớp tự hoại. Người bệnh có thể bị đau khớp dữ dội đi kèm với sưng khớp và sốt nhẹ.

Điều trị: Bác sĩ có thể rút dịch khớp từ khớp bị bệnh để chọn thuốc kháng sinh tốt nhất tiêu diệt vi khuẩn. Trước tiên có thể dùng kháng sinh đường tĩnh mạch, sau đó chuyển sang sử dụng kháng sinh đường uống.

Hội chứng hẹp khoang (Impingement): Hội chứng hẹp khoang phổ biến hơn ở vận động viên nhảy cao, chạy bộ, chơi bóng chuyền và vũ công vì sự giãn nở và uốn cong khớp cổ chân và bàn chân liên tục. Bệnh nhân thấy co cứng khớp, sưng và tê ở khu vực cổ chân và bàn chân.

Người bệnh cần đến chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn các bài tập về chuyển động, quản lý đau, bài tập cân bằng, tập luyện cơ và tập chức năng điều trị giúp trở lại hoạt động bình thường dễ dàng hơn.

Viêm gân: Sự kích thích và viêm có thể dẫn đến chứng viêm gân. Các chuyển động lặp lại của khớp thường gây kích ứng các gân. Tuổi cao, sự gia tăng đột ngột trong cường độ tập luyện làm tăng nguy cơ phát triển viêm gân. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc để kiểm soát cơn đau và giảm viêm. Nghỉ ngơi, chườm đá và dùng thuốc giảm đau cũng giúp kiểm soát các triệu chứng.

Khuyến cáo của chuyên gia

Khi thấy bị đau khớp cổ chân khi đi bộ chưa xác định được nguyên nhân, nên để khớp cổ chân nghỉ ngơi vài ngày và tránh đặt trọng lượng vào khớp bị ảnh hưởng. Sử dụng dầu ôliu nóng để xoa bóp vùng bị ảnh hưởng, nạng để hỗ trợ khớp cổ chân, cũng có thể dùng gậy khi đi bộ; giữ bàn chân cao lên để giảm sưng và băng ép để giảm đau. Nếu thấy không đỡ đau, khớp cổ chân hoặc bàn chân đỏ hoặc sưng lên cần đi khám ngay để có giải pháp điều trị phù hợp.


BS. Thanh Hoài
Ý kiến của bạn