Hà Nội

Xử trí cấp cứu khi bị sốc thuốc

08-02-2010 16:32 | Dược
google news

Sốc phản vệ còn được gọi là sốc quá mẫn (anaphylactic shock), đây là một thể đặc biệt của tình trạng dị ứng thuốc.

Sốc phản vệ còn được gọi là sốc quá mẫn (anaphylactic shock), đây là một thể đặc biệt của tình trạng dị ứng thuốc. Sốc phản vệ thường xảy ra phần lớn do sau khi dùng thuốc tiêm. Nó xảy ra tức thì, thường trong hoặc ngay sau khi tiêm thuốc và là một loại tai biến nghiêm trọng nhất, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

Các chất hoạt mạch, đặc biệt là loại histamin được giải phóng nhiều, chủ yếu từ bạch cầu đa nhân ái kiềm, làm giãn các tiểu động mạch, mao mạch, làm tăng tính thấm thành mạch dẫn đến giảm đột ngột thể tích máu tuần hoàn, làm co thắt khí phế quản gây khó thở, tăng tiết các tuyến...

Nhiều loại thuốc có thể gây nên sốc phản vệ như kháng sinh, vaccin và huyết thanh, một số vitamin tiêm tĩnh mạch, thuốc tê, thuốc chống viêm không steroide... Phản ứng thường xảy ra sau khi tiêm tĩnh mạch nhưng cũng có thể xảy ra khi dùng thuốc theo các đường khác như: tiêm bắp thịt, uống, nhỏ mắt, bôi ngoài da...

Khi bệnh nhân bị sốc phản vệ do dùng thuốc, nhất là thuốc tiêm, phải cấp cứu thật nhanh lúc tai biến xảy ra vì người bệnh có thể tử vong sau 2- 3 phút. Cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên, hai chân hơi cao, đặt garô phía trên nơi tiêm thuốc. Việc xử trí cấp cứu khi bị sốc phản vệ phải do bác sĩ trực tiếp thực hiện các biện pháp can thiệp khẩn cấp bằng thuốc adrenaline. Nếu không có adrenaline có thể dùng dopamine liều cao để nâng và duy trì huyết áp. Ngoài ra, cần tiến hành các biện pháp hồi sinh tổng hợp; nếu có ngừng tim, ngừng thở phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực, thổi ngạt hoặc bóp bóng hơi hỗ trợ hô hấp. Có thể sử dụng thuốc nhóm corticoid hỗ trợ thêm cho tác dụng của adrenaline. Nếu có khó thở thì cho thở ôxy, bóp bóng hơi hỗ trợ hô hấp, dùng aminophyline tiêm tĩnh mạch... Nếu cần thì đặt nội khí quản và làm hô hấp hỗ trợ, dùng thuốc trợ tim mạch, cân bằng nước và điện giải... Nên nhớ rằng, xử trí sốc phản vệ là một biện pháp cần tiến hành khẩn cấp, nhanh, nhạy, kịp thời... tại các cơ sở y tế mới có hy vọng đưa bệnh nhân ra khỏi tình trạng nguy kịch để tránh tử vong.   

BS. Nguyễn Võ Hinh


Ý kiến của bạn