Mùa nồm ẩm ướt là thời điểm thuận lợi cho các loại côn trùng gây các bệnh về da. Hầu hết các trường hợp bị côn trùng đốt chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ như sưng nề đỏ, ngứa và đau ở nơi bị đốt, những biểu hiện này thường tự biến mất. Nhưng có trường hợp, vết đốt của côn trùng có thể gây ra các phản ứng dị ứng mang tính chất toàn thân như nổi mày đay, phù nề môi, mắt, hầu họng, thanh quản, co thắt phế quản, nặng nhất là sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Một số loại côn trùng gây bệnh hay gặp
Kiến: Nhiều loại kiến đốt có thể gây viêm da dị ứng, trong đó có kiến ba khoang, là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus fuscipes (tên tiếng Anh là rove beetles) gây viêm da. Kiến ba khoang có kích thước nhỏ hơn hạt thóc, có cánh bay, bụng thon nhọn, có một khoang màu đỏ trên nền đen, buổi tối rất hay bay vào bóng đèn, bám trên các bức tường, giường, màn và bò cả lên người. Kiến này đốt rất đau và trong bụng chứa một chất độc giống như chất piridin. Chất này khi tiếp xúc vào da tạo nên viêm da, thối thịt giống như bị tạt axit. Một số người không biết đã lấy tay giết kiến, sau đó vô tình sờ lên mặt hoặc gãi lên da tạo thành những vết tổn thương dài, hoặc thương tổn ở cẳng tay khi ngủ vắt tay lên trán làm tổn thương lan sang trán, thương tổn ở bắp chân lây sang mặt sau đùi khi ngồi xổm, những thương tổn dạng như trên được gọi là thương tổn hôn nhau (kissing lesson) là dấu hiệu đặc thù chỉ có trong viêm da tiếp xúc do côn trùng.
Tổn thương do côn trùng đốt.
Kiến lửa rất nhiều ở nước ta, vết đốt của kiến lửa không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cảm giác nhói buốt dai dẳng thật sự là một điều rất kinh khủng. Nọc của một số loài kiến lửa có thể gây ra những triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, thở gấp hay sốc..., phụ thuộc vào hệ miễn dịch của người bị đốt. Nếu vết cắn bị rộp thì không được chọc vỡ mà phải lấy miếng gạc đặt nhẹ lên vì nếu vết rộp vỡ có thể dẫn tới nhiễm trùng.
Ong, bướm: Đa phần các loài ong đều có nọc độc, tùy theo loài mà sẽ độc ít hay nhiều. Có loại gây chết người chỉ với trên 10 vết chích như ong vò vẽ, ong đất, nhưng cũng có loại không nguy hiểm nhiều đến sức khỏe như ong mật. Nọc ong có thành phần chính là protein kèm theo men xâm nhập, men tiêu huyết, tiêu tế bào, các chất gây dị ứng và acetylcholine...Trong trường hợp bị ong đốt quá nặng, nạn nhân sẽ bị tím tái, sốc, trụy tim mạch..., có thể tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Bướm, ấu trùng bướm (carterpillar dermatitis) là ấu trùng của bướm hoặc bướm đêm. Ấu trùng này có lông ngắn, chính lông đó có thể kích thích da gây viêm da. Thương tổn hay thấy ở vị trí hở như mặt, cổ, tay, chân, đôi khi có viêm kết mạc mắt do đi đường bị ấu trùng bướm bay thẳng vào mắt, hoặc đêm ngủ ấu trùng bò lên vùng mắt. Thương tổn do ấu trùng bướm thường là những ban đỏ phù nề, sẩn và mụn nước, mụn mủ, nóng, đau rát do tiếp xúc trực tiếp với lông bướm hay lông phát tán trong gió. Ấu trùng có thể bò trực tiếp trên da hoặc gián tiếp do gió thổi đưa lông dính vào quần áo, khi mặc vào sẽ bị bệnh.
Sâu róm: Mùa xuân cần cẩn thận với sâu róm. Chúng không đốt người, nhưng lông gai của hầu hết các loài sâu róm tiết ra chất làm ngứa rát khi chạm phải. Lông gai của một số loài có thể gây đau nhức dữ dội ở vùng da tiếp xúc, đi kèm với việc mề đay mẩn ngứa do dị ứng. Các nốt xuất huyết có thể xuất hiện trong vòng 2-3 giờ và trong nhiều ngày. Những triệu chứng khác gồm sưng hạch, nhức đầu, sốt, hạ huyết áp và co giật, diễn tiến nặng có thể tử vong. Khi bị sâu róm bám vào da, tránh gãi nhiều lên vết ngứa vì điều này có thể làm lông và gai đâm sâu vào trong da gây triệu chứng kéo dài.
Bọ chét (rận, ve chó): Đây là loại côn trùng thường gặp, sống ký sinh ở chó, mèo hoặc trong bụi rậm chúng có kích thước rất nhỏ. Những vết đốt của chúng không chỉ gây đau nhói, sưng hay dị ứng mà còn có thể gây sốt, mẩn đỏ. Khi bị các loài côn trùng này cắn, nên kéo chúng thật từ từ, hoặc dùng lửa hơ, bôi cồn, dầu để chúng tự rơi ra, tránh để hàm răng của chúng dính lại da thịt, có thể gây nhiễm trùng. Sau đó rửa chỗ bị cắn bằng xà phòng, rồi bôi cồn hoặc dầu sát trùng vào chỗ bị cắn.
Đỏ da trong viêm da côn trùng.
Cần xử trí đúng
Tùy theo loài côn trùng, liều lượng nọc độc và cơ địa của mỗi người mà biểu hiện tổn thương khác nhau, mức độ nguy hiểm cũng khác nhau. Khi bị côn trùng có nọc độc cắn, đốt ngoài, tổn thương có thể xuất hiện ngay tại vết cắn, ngoài da, nghiêm trọng hơn nạn nhân còn có dấu hiệu bị ngộ độc toàn thân do nọc độc xâm nhập lan tỏa trong cơ thể. Tại vết cắn, chích, đốt nạn nhân thường đau, có thể sưng tấy đỏ, cần chú ý tìm ngòi côn trùng còn cắm vào da.
Đối với trường hợp phản ứng chỉ khu trú tại chỗ thường không đòi hỏi điều trị, vùng sưng nề sẽ tự biến mất sau vài giờ mà không để lại di chứng. Trong trường hợp có phản ứng lan tỏa tại chỗ, vùng bị côn trùng đốt nên được chườm lạnh. Có thể sử dụng thuốc kháng histamine (loratadin, cetirizin...) và corticosteroid (prednisolon, methylprednisolon...) đường uống hoặc tiêm truyền, nên được dùng sớm ngay khi có thể để giảm nhanh triệu chứng, việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết. Riêng trường hợp bị kiến lửa đốt, sau 1 ngày vết đốt thường tạo thành một mụn mủ nhỏ do hoại tử tổ chức, cần lưu ý không làm vỡ mụn mủ này để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Những phản ứng dị ứng mang tính toàn thể bắt buộc phải được điều trị tại cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Những biểu hiện nhẹ nhất như nổi mày đay, ban đỏ cũng cần được xử trí sớm bằng adrenalin để ngăn ngừa những diễn biến xấu sau đó. Đối với trường hợp ngòi của côn trùng còn nằm trong da, cần nhẹ nhàng lấy ra và tránh làm vỡ túi chứa nọc, điều này tốt nhất nên được tiến hành ngay sau khi bị đốt. Riêng đối với ong đốt cần tháo nhẫn, vòng đeo tay ở tay bị đốt (để tránh chèn ép mạch khi có phù nề). Cho người bệnh nằm nghỉ nơi mát, uống nhiều nước. Nếu trên 10 vết đốt hoặc vết đốt ở vùng đầu (không bóp nặn vết đốt), hoặc có biểu hiện đỏ da, mề đay, ngứa lan rộng toàn thân, theo dõi phát hiện các dấu hiệu dị ứng, nhiễm độc hoặc bị đốt ít nhưng nạn nhân đau nhức, buồn nôn/nôn mửa, hốt hoảng, bồn chồn, kích thích vật vã, tức ngực, khó thở... cần chuyển ngay đến bệnh viện gần nhất.
Có thể dùng các thuốc bôi chống muỗi thoa lên người để chống muỗi và các côn trùng khác. Cẩn thận tránh không để thuốc dính vào mắt. Cần chú ý dọn nhà cửa nơi ở sạch sẽ, thông thoáng.