Xử trí các bất lợi thường gặp do thuốc kháng sinh

14-12-2018 09:47 | Thông tin dược học

SKĐS - Kháng sinh là loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị nhiều bệnh lý nhiễm trùng, nhưng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.

Mặc dù hầu hết những biểu hiện này không đe dọa tính mạng nhưng khiến người bệnh mệt mỏi và khó chịu hơn. Vậy những tác dụng không mong muốn này là gì và làm thế nào để hạn chế và ngăn ngừa chúng?

Tiêu chảy

Tiêu chảy là một trong những tác dụng không mong muốn phổ biến nhất do dùng kháng sinh vì nó phá vỡ hệ cân bằng vi khuẩn trong đường ruột. Các loại kháng sinh thường gây tiêu chảy nhất có thể dùng đường uống hoặc đường tiêm, chẳng hạn cefixim, erythromycin, doxycycline...

Thông thường, tiêu chảy do kháng sinh thường ở mức độ nhẹ và có thể tự khỏi sau khi ngừng thuốc. Với các trường hợp nặng hơn, cần phải dừng thuốc ngay và thực hiện bù nước bằng cách uống oresol chứ không được uống thuốc cầm tiêu chảy vì có thể gây cản trở khả năng loại bỏ độc tốc của cơ thể. Tiếp theo cần chú ý tránh dùng loại kháng sinh gây tiêu chảy trong lần điều trị sau, tránh tăng liều hay giảm liều để đạt hiệu quả điều trị. Trong ăn uống cần chú ý ăn nhiều bữa nhỏ với thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, tránh ăn thực phẩm chứa nhiều chất xơ, thực phẩm cay, nóng, đồ uống có cồn, caffein...

Trường hợp tiêu chảy nghiêm trọng xảy ra khi kháng sinh đã giết chết vi khuẩn tốt trong ruột và vi khuẩn xấu đã phát triển quá mức có thể gây mất nước và phải nhập viện, vì vậy hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn đang bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày.

Những loại thực phẩm không nên ăn khi bị tiêu chảy do kháng sinh.

Những loại thực phẩm không nên ăn khi bị tiêu chảy do kháng sinh.

Nhạy cảm với ánh mặt trời

Một số loại thuốc kháng sinh là chất quang hóa, có nghĩa là chúng ảnh hưởng đến cách phản ứng của da với ánh sáng tử ngoại như doxycycline, ciprofloxacin và bactrim. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khi đang dùng các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ bị cháy nắng, phồng rộp, bong tróc và tổn thương cho các tế bào da. Một số loại thuốc này cũng có thể tương tác với ánh sáng mặt trời gây ra phát ban đỏ, ngứa, thậm chí chỉ trong 15 phút phơi nhiễm. Đó là lý do tại sao mọi người dùng thuốc như tetracycline, fluoroquinolones và thuốc sulfa nên tránh phơi nhiễm trong thời gian dài, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều và nên bôi kem chống nắng, mặc quần áo bảo hộ rộng nếu phải làm việc ngoài trời.

Nhiễm nấm do kháng sinh

Do thuốc kháng sinh làm thay đổi cơ cấu vi khuẩn trong cơ thể khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng nấm men và các loại nấm phát triển khác. Những nhiễm trùng này có thể xảy ra trong miệng (được gọi là nấm miệng), trên da, hoặc dưới móng tay hoặc móng chân. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh nếu dùng thời gian dài cũng có thể làm đảo lộn sự cân bằng vi khuẩn được tìm thấy trong âm đạo. Điều này có thể thay đổi độ pH và góp phần gây nhiễm nấm âm đạo. Dùng thuốc chống nấm men (như monistat) trong khi bạn đang dùng thuốc kháng sinh có thể giúp ngăn ngừa tác dụng phụ này, nhưng trước tiên hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng thêm bất kỳ một loại thuốc nào khác.

Sốc phản vệ

Sốc phản vệ là tác dụng phụ đáng sợ nhất và nguy hiểm nhất của thuốc kháng sinh liên quan đến các phản ứng dị ứng. Thực tế, phản ứng dị ứng với thuốc kháng sinh là một trong những lý do phổ biến nhất khiến mọi người đến các khoa cấp cứu của bệnh viện với các biểu hiện phát ban hoặc nổi mề đay, sưng trong môi hoặc trở nên hụt hơi... Mặc dù đây là phản ứng không phổ biến, nhưng là điều cần chú ý nếu người bệnh được kê toa loại thuốc mới mà chưa từng sử dụng trước đây. Chính vì vậy, với những người có tiền sử dị ứng nói chung hoặc dị ứng với kháng sinh nói riêng thì cần đặc biệt thận trọng, thông báo với bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại kháng sinh nào cũng như không sử dụng bất cứ loại thuốc nào của người khác trong gia đình.

Tương tác bất lợi xảy ra

Uống thuốc kháng sinh có thể điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn nhưng cũng có thể tương tác với thuốc làm loãng máu, thuốc kháng acid, thuốc kháng histamin, thuốc chống viêm (thuốc giảm đau không kê toa), thuốc trị bệnh vẩy nến, thuốc lợi tiểu, thuốc chống nấm, steroid, thuốc trị tiểu đường, thuốc giãn cơ, thuốc đau nửa đầu và một số thuốc thuốc chống trầm cảm... Để tránh tương tác xảy ra gây tăng cường hoặc làm giảm hiệu quả của kháng sinh, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc mình đang dùng để có biện pháp xử lý thích hợp như uống thuốc cách xa nhau hay đổi sang loại thuốc khác phù hợp hơn…

Thuốc kháng sinh cũng có thể tương tác với rượu. Cụ thể, các thuốc metronidazole, tinidazol và trimethoprim sulfamethoxazole... Do đó, không bao giờ nên uống rượu trong khi uống thuốc kháng sinh vì sự kết hợp này có thể gây ra phản ứng khó chịu như đau đầu, đỏ bừng, tim đập nhanh, buồn nôn và nôn.

Ngoài những tác dụng không mong muốn trên, kháng sinh còn có thể gây xỉn hay thay đổi màu răng như tetracycline, doxycycline, gây viêm gân như fluoroquinolones hay gây trầm cảm và lo âu như fluoroquinolones, penicillin... Để tránh những rủi ro này, người bệnh cần tuân thủ việc dùng thuốc, dùng đúng liều lượng thích hợp, đúng thời hạn và nhận biết các biểu hiện khác thường để thông báo với bác sĩ điều trị, tìm cách xử trí hợp lý.


Nguyễn Lê Phương
Ý kiến của bạn